Search This Blog

Monday, February 15, 2010

Mấy Suy Nghĩ Rời Trong Đêm Giao Thừa Năm Dần (2010)

nguyễn văn hóa

1. Nạn “Hoàng họa” (Yellow Peril)

Một thời gian ngắn sau khi chế độ miền Nam sụp đổ, cố học giả Nguyễn Hiến Lê cho ra đời thêm vài cuốn sách mới, không những có giá trị thực chất về nội dung mà ông còn có ý hướng bồi đắp cho thế hệ hậu sinh qua vài dịch thuật những kiến thức cần thiết về văn minh Trung Hoa, Ấn Độ, phối nhịp với chức năng phát triển kinh tế, xã hội. Xin kể ra: Khổng Tử, Sử Trung Quốc, Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ, Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa… Một cuốn sách khác, đáng kể thêm: Những Vấn Đề Của Thời Đại (NVĐ-CTĐ), là một tiểu luận về các vấn nạn tồn đọng của phát triển kinh tế toàn cầu. Cuốn sau này, vì xuất bản quá cận kề ngày 30/4/1975 nên, tôi tin một số lượng nhỏ sách chưa được phân phối đến được tay người đọc. Hẳn là vô tình, nhưng cuốn NVĐ-CTĐ tôi xem như là một tác phẩm song song với Những Vấn Đề Triết Học Hiện Đại (NVĐ-THHĐ) của cố Giáo sư Lê Tôn Nghiêm, bổ túc cho nhau về các lý thuyết, tư tưởng và các vấn đề thực dụng đang hiện lưu trên thế giới –cũng là đóng góp tư duy cần cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội. NVĐ-THHĐ là cuốn sách hay và quá cần thiết cho sinh viên mọi ngành. Tôi còn nhớ có hai chương nói về Cơ Cấu Luận (Structuralism) và Triết học chính trị-xã hội của Max Weber, trình bày thật hay. NVĐ-THHĐ có trong tủ sách gia đình của tôi, nhưng ở ngoài chợ trời sách trên các vỉa hè Sài Gòn lúc còn trong nước (5, 6 năm sau 30.4.75), tôi không thấy. Ở nước ngoài trong hai thập niên qua, có lẽ không có ai biết để mang theo, nên không hề thấy sách được in lại ? Tôi mong cuốn sách này, nhờ qua phương tiện “chôm chĩa” nào đó, một số sách đã được tiếp thu ra miền Bắc VN…chứ nếu để bị lửa cách mạng hoặc các gánh bán ‘ve chai’ tiêu hủy hết thì tiếc lắm. Xin được chấp vài vái đến hương linh của hai cụ.

Đặc biệt, trong các dịch tác về “lịch sử văn minh” của thế giới, học giả Nguyễn Hiến Lê chọn dịch William J. Durant, thay vì Arnold Toynbee có lẽ vì công trình của Durant đồ sộ, lớn lao, công phu hơn. Ở trong nước, kể từ khi cán bộ Việt Cộng thay đổi cách ăn mặc –từ bỏ đôi dép râu, chiếc áo tay cụt bỏ ngoài quần bằng đôi dày soulier, thắt cà-vạt với gi-lê áo vét, là lúc những cuốn sách đã xuất bản ở miền Nam được “cóp” và in lại, khá nhiều. Tôi không tin hiện tượng này là do chính sách của Bộ Văn hóa-Thông tin, Bộ Giáo dục đào tạo mà vì yếu tính của kinh tế thị trường. Những cuốn sách của các tác giả ở miền Nam bán chạy, vì có nhiều độc giả ưa chuộng (kể cả các độc giả xuất thân từ xã hội cộng sản miền Bắc hay đang trưởng thành sống một gian đoạn với cộng sản ở miền Nam), nên lời nhiều. Có lời nhiều thì sách được in ra với số lượng lớn, tái bản nhiều lần. Từ đó, nảy sinh ra hiện tượng “đạo văn, đạo nhạc, đạo tranh”..đang phổ biến ở Việt Nam. Cũng có thể có cả hiện tượng “đạo sách” nữa, như họ dùng một cuốn sách (dù không có giá trị gì ) nhưng dễ tạo ra các thị hiếu nhất thời như các chuyện tình, kích dục… rồi xáo trộn các phần giữa, phần đầu, viết lại phần kết luận và thay đổi tựa đề sách. Xong rồi đem bản đánh máy đi chạy chọt, hối lộ, “đi lễ” với các cấp quan quyền kiểm duyệt, cho in sách, phát hành… và ngồi chờ chia lời. Một cuốn sách mà tác giả được chia vài chục triệu đồng (vài ngàn đô Mỹ) là có thể sống được nửa năm, một năm, ai lại không muốn làm trong một xã hội nhố nhăng, bịp bợm như xã hội Việt Nam hiện nay!?

Trong dịch tác Lịch Sử Văn Minh Trung Hoa (LSVMTH) của William Durant (sách này đã được Nhà xb Văn hóa-Thông tin của Việt Cộng in lại), có cả phần ghi chú của học giả Nguyễn Hiến Lê. Trong chương III, Bắt Đầu Một Trật Tự Mới, tác giả Durant nhận xét rằng nhờ vào hình thức hôn nhân cổ ở Trung Hoa đã tàn lụi, nhiều thanh niên đã tự chọn bạn trăm năm. Chế độ đa thê đã suy, trai gái được tự do và chung đụng trong các trường Đại học. Nhất là từ giai đoạn chế độ cộng sản Mao Trạch Đông, quyền phụ nữ đã ngang hàng với nam giới. Phụ nữ đã biết cai đẻ, ngừa thai. “Họ không còn giết con khi không muốn nuôi nữa, và họ bắt đầu hạn chế sinh dục. Từ khi có cách mạng đến nay, dân số không tăng lên mấy; có thể nó đã bắt đầu giảm nữa.” (trang 345…đến 346, sách đã dẫn). Ở đoạn này, Nguyễn Hiến Lê đã ghi chú như sau:

Châu Âu đỡ lo một phần nào về “hoàng họa” (họa người da vàng) vì các tiệm thuốc Trung Hoa quảng cáo mạnh các phương pháp và thuốc ngừa thai. [Dân số Trung Hoa chưa bắt đầu giảm đâu; hiện nay người ta tính rằng họ đã có non 800 triệu dân, và trước cuối thế kỷ này sẽ có trên một tỉ.]” (trang 346, sđd).

Tiếc là William Durant bắt đầu viết tập LSVMTH hơi sớm (bắt đầu Đệ Nhị Thế Chiến) và hoàn tất vào giai đoạn mở đầu cuộc Cách mạng Văn hóa của Mao, nên có nhận xét về nạn nhân mãn Trung Hoa lục địa không được đầy đủ. Thiếu sót đầu tiên là bởi, Trung Cộng trong giai đoạn ‘cách mạng văn hóa’ đang là một xã hội đóng kín, đâu có phổ biến con số thống kê chính xác ra bên ngoài. Khi viết “Từ khi có cách mạng văn hóa đến nay, dân số không tăng lên mấy; có thể nó bắt đầu giảm nữa” là cách nói ức đoán thôi. Thứ đến, có lẽ xuất phát từ những thông tin tình báo của phương Tây, người ta ước lượng cộng sản Tàu đã giết hại hàng triệu người dưới thời Mao, và với chính sách hạn chế sinh đẻ khắc nghiệt của Đảng Cộng sản, dù cho có tiêu hủy bớt vài chục triệu sinh mạng trong vòng hai thập niên thì cũng chưa phải là “giảm”.

Ngày nay, Internet là nguồn phương tiện mênh mông và cập nhật thường xuyên, nên vấn đề dân số của Trung Quốc đã được công bố rõ ràng. Theo vài nhà nghiên cứu độc lập, thí dụ : nhà địa dư học Matt Rosenberg trong: The Handy Geography Answer Book and The Geography Bee Complete Preparation Handbook giữa năm 2008, dân số Trung Quốc trên 1.3 tỉ người (1,330,044,605 as of mid-2008), chiếm 1/5 dân số toàn cầu (6.7 tỉ); con số với thời gian gần nhất theo tài liệu thư viện online của CIA, dân số Trung Quốc vào tháng 7/2009 gần 1.4 tỉ ( 1,338,612,968 ). Một nhà địa dư học khác, A. A. Bennet nêu ra một thắc mắc là kể từ khi Mao Trạch Đông thắng Quốc Dân Đảng và cộng sản cầm quyền trong vòng 45 năm với chính sách tàn sát đối lập và dân chúng cộng với chính sách hạn chế sinh đẻ (như chính sách một-con [one-child policy]) và các nạn đói ăn xảy ra liên miên thế mà dân số lại tăng gấp đôi (1950 Dân số = 550 Triệu, 1996 Dân số = 1.2 Tỉ) là nghĩa làm sao? Vậy thì, dưới một chế độ cộng sản, độc tài chưa hẳn là có hiệu quả trong việc ngăn chận nạn nhân mãn?. Cho nên, theo bản tin của Tân Hoa Xã vào ngày 21/7/2009 tuyên bố mạnh mẽ rằng đến năm 2030, khi dân số Trung Quốc tăng lên đỉnh điểm 1.465 tỉ người thì mức phát triển dân số sẽ là zéro, thật khó mà tin được. (Tian Xueyuan, former president of the Institute of Population and Labor Economics under the Chinese Academy of Social Sciences (CASS), said at an economic and social development forum: "Zero growth could be realized when the country's population hit the peak of 1.465 billion by 2030," ).

“Yellow Peril” (Pháp ngữ: Le Péril Jaune), học giả Nguyễn Hiến Lê dịch là “Hoàng họa” nghe hợp lý, thay vì nói “họa Da Vàng” (dù cả hai nhóm từ đồng nghĩa). “Hoàng họa” làm cho ta liên tưởng ngay là “họa người Tàu”, chủng tộc Tàu. Nói “họa Da Vàng” tức là bao trùm hết cả vùng Á Châu mà đứng ở vị trí địa lý của người Âu, thì Á Châu là vùng Viễn Đông (Far East) bao gồm: Đông Á (East Asia) và Đông Nam Á (South-East Asia). Đông Á gồm các quốc gia : Trung Hoa lục địa, Mông Cổ (Mongolia), Hong Kong, Nhật, Macau, Bắc Hàn, Nam Hàn, Đài Loan với tổng diện tích : 11,839,074 cây số vuông; Đông Nam Á bao gồm : Brunei, Cambodia, Indonesia, Laos, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Singapore, Thailand, Timor-Leste, và Vietnam với tổng diện tích : 5,000,000 cây số vuông.

Tổng cộng : [ Diện tích (Đông Á + Đông Nam Á) = 12% so với Diện tích đất của các quốc gia trên thế giới cộng lại (không kể biển) > 16,839,074 cây số vuông/ 148,940,500 cây số vuông]; [ Dân số (Đông Á + Đông Nam Á) = 32.1% so với Dân số toàn cầu > 2,148,784,500/ 6,692,030,277 (năm 2008) ].

Vậy, với diện tích = 12%, nhưng dân số chiếm 1/3 (32.1%) so với toàn cầu là con số thiếu cân đối trong vấn đề phát triển. Chúng ta cũng nên lưu ý, vùng Trung Đông (Middle East) không được kể là Á Châu, vì họ được xếp là Dân Da Nâu (Brown Race); trong khi đó, về dân số và diện tích của Trung Quốc so với Đông Á + Đông Nam Á là ¾ ( 75% ) . Cho nên, khi người ta nói “Hoàng họa” là ám chỉ trực tiếp đến chủng tộc Tàu là điều hợp lý thôi.
Ở cộng đồng người Việt nước ngoài, giáo sư Cao Huy Thuần là người đầu tiên xướng xuất về viễn tượng “Hoàng họa” qua bài tham luận “Trung Quốc: Một Dấu Hỏi” được đọc tại Hội thảo về Phát triển khu vực chấu Á Thái Bình Dương và tranh chấp Biển Đông vào ngày 15/16.8.1998 tại New York City. Khi “dấu hỏi” về một cường quốc đang lên (a rising power) là Trung Quốc, thì đó phải là một dấu hỏi lớn. Qua bài tham luận của Cao Huy Thuần không ai có thể phủ nhận “cường quốc đang lên ấy” là một hiểm họa, dù ông không hề đề cập trực tiếp về nạn “Hoàng họa” –một vấn đề còn phức tạp rối rắm nhiều hơn là sức mạnh kinh tế và vũ khí nữa. Công bố cái “dấu hỏi về Trung Quốc”, Gs Cao Huy Thuần không chỉ nêu bật vai trò một nhà chiến lược (strategist), ông còn muốn đề cập về nó trên “cương vị Việt Nam” –đó là thái độ của một kẻ sĩ thời đại, của ‘một người yêu nước mình’ trước tình huống “vị thế răng môi” Trung Quốc-Việt Nam. (Có người nói Gs Cao Huy Thuần là một người “thân cộng” là một kiểu tư duy dại dột, chỉ làm cho cộng sản vênh váo hơn lên thôi…) Từ đó, ông đối chiếu tới hai khả thể khách quan có thể cứu lấy Việt Nam : một là thế ‘balancer’ cán cân lực lượng của Mỹ trước “sự bắt tay của Trung Quốc-Nhật (hoặc “ưu thắng của nước này trên nước kia”); hai là, Việt Nam cần có tầm chiến lược để bảo vệ mình như Đài Loan đã tự bảo vệ họ trong tư thế một ‘quốc gia độc lập’, khác với Trung Quốc -bằng một hệ thống chính trị dân chủ.

Tự ví mình “như là một trí thức trói gà không chặt”, ông Cao Huy Thuần không dám mơ ước gì hơn là dùng “văn hóa như là chiến lược”, tức là phải tách bạch sự khác biệt giữa văn hóa “da vàng Tàu” và “da vàng Việt”. Qua thực tế lịch sử, thì sự dị biệt ấy rất sâu xa, dù khi các cụ của ta nói “Tam giáo đồng quy” đi nữa, nội dung và sự kết nạp “tam giáo” giữa hai nước cũng không hề tương đồng. Đó là lý do tại sao nước ta trong một ngàn năm bị Tàu đô hộ, vẫn không hề bị đồng hóa.

Ở Mỹ, sau Đệ Nhất Thế Chiến bốn năm (1922), Lothrop Stoddard qua Cơn Triều Đang Lên Của Dân Da Mầu Đối Kháng Với Quyền-Chủ-tể Của Dân Da Trắng (The Rising Tide of Color Against White World-Supremacy) đã không hề thấy “xấu hổ” về dư luận (có thể có) chỉ trích ông kỳ thị chủng tộc, đã dùng nguyên một chương để nói về nạn “Hoàng họa”. Ông nói thẳng “Hoàng họa” chính là anh Tàu Trung Quốc.

Trong Chương II, Vùng Đất Của Người Da Vàng (Yellow Man’s Land), Stoddard viết:

“Chủng tộc tập trung của thế giới da vàng luôn luôn là Trung Hoa. Từ buổi bình minh của lịch sử, chủng loại to lớn này là trung tâm văn minh phát tỏa khắp vùng Viễn Đông. Qua “Vương Quốc Đứng Giữa”, những thân tộc chung quanh học đòi một kiểu là dân Nhật và Hàn Quốc ở phía đông; Thái, Anam-mít (Việt Nam) và Căm-bốt ở phía nam; phía bắc thì có dân Mông-cổ và Mãn-chu. Đối với những giống người này, Trung Hoa là một ông thầy giáo oai vệ, đôi khi còn trừng phạt (chúng) về sự tự phụ, nếu chưa được luôn thấm nhuần các nguyên tắc văn minh trật tự của họ. Tuy vậy, vẫn có một vài phát triển riêng lẻ những giống dân Viễn Đông khác nhau, họ đều xuất phát từ cái nền của Trung Hoa. Dù cho một Nhật Bản hiện đại thức dậy trong thoáng chốc làm chủ tể chính trị của Viễn Đông, không được quên rằng Trung Quốc vẫn duy trì không những về văn hóa mà còn là đất đai và chủng tộc trung tâm của thế giới da vàng. 4 phần 5 chủng tộc da vàng tập trung ở Trung Hoa, gần 400 triệu người Tàu so với 60 triệu người Nhật, 16 triệu người Hàn, 26 triệu người Đông Dương, và có thể là 10 triệu dân không phải gốc Tàu quanh vùng biên giới của Trung Hoa.” (The Rising Tide of Color Against White World-Supremacy, by Lothtrop Stoddard). [lưu ý: con số thống kê vào năm 1922! ] (*)

Quả đúng như Gs Thuần đã viết, khi người Âu (dù ở level trí thức nào) đề cập tới người Tàu và Việt họ đều đánh đồng hai giống dân này chỉ là một. Tàu là Việt mà Việt cũng là Tàu. Họ không hiểu được sự dị biệt về chủng tộc, văn hóa, cá tinh, tâm lý, tập quán giữa người Tàu và người Việt. Nhân vật mà tôi đề cập ở trên –Lothrop Stoddard là một sử gia, đậu tiến sĩ Sử học ở Harvard vào đầu thế kỷ 20, cũng không nhìn khác. Có điều vì là một người có kiến thức rộng nên, Stoddard thấy rõ là dân Nhật đã học hỏi kỹ thuật, khoa học của người da trắng để trở thành một quốc gia da vàng hiện đại, đánh ngã Nga da trắng (1904) , chiếm ngự Tàu da vàng (1894) , nhưng ông biết rằng những chiến thắng thoáng chốc đó không thể làm cho Nhật trở thành trung tâm “họa da vàng”, mà cái họa sớm hay muộn sẽ đến từ Trung Quốc. Mặt khác, một số dân tộc tính của người Nhật (giống như người da trắng) không có khả năng chịu đựng nóng nhiệt đới, lại không có khả năng thích ứng với cái lạnh vùng Nam-Bắc cực. Khi chiếm đóng Formosa (Đài Loan) –dù không phải là vùng nhiệt đới, Nhật vẫn không thành tựu được vai trò thực dân nữa là. Trong khi da vàng Tàu, dù cho có di cư đến vùng Siberia họ vẫn có khả năng thích ứng và chinh phục thiên nhiên khắc nghiệt như thường. Vì sao vậy? Stoddard trích lại nhận xét của Doctor Wu-Ting-Fang: “Kinh nghiệm đã xác nhận rằng người Tàu là những người lao động ở khắp mọi nơi dễ dàng vượt xa mọi đối tác. Họ là những người siêng năng, thông minh và kỷ luật. Họ có thể làm việc dưới những điều kiện có thể chết người với một chủng tộc kém sức chịu đựng hơn; trong một cái nóng như rồng phun lửa, trong cái lạnh chỉ dành cho loài gấu bắc cực, cố sức chịu đựng suốt hàng giờ dài làm việc cực nhọc chỉ để đổi lấy vài bát cơm ăn.” (**)

Sau Đệ Nhị Thế Chiến, người Nhật đã thấy được rằng họ không có quyền lợi sống còn ở các vùng nhiệt đới châu Á cũng như Trung Quốc; trái lại, Trung Quốc âm thầm bành trướng thực dân bằng con đường mậu dịch và di dân. Đối với Trung Quốc, những nguồn lợi thiên nhiên ngoài Á châu là Mỹ, Úc, một phần Châu Mỹ Latinh ở bờ biển phía Tây. Nhưng những vùng đất này đã được xác lập bởi người da trắng; do đó Tàu chỉ có thể phá vỡ các rào cản này bằng sức mạnh thôi. Đó là điều không tưởng, nên trước sau, Trung Quốc vẫn chỉ nhắm vào các nước da vàng của Á châu, từng bước làm chủ-tể thống lĩnh về mọi lãnh vực.

Điều tưởng chỉ là viễn tượng nói trên, nay đã thành thực trạng. Từng bước hiển lộ, Trung Quốc đang tìm cách khuất phục ý chí của Đảng Cộng Sản VN, bắt đầu từ các nhân vật trong Bộ Chính Trị. Trung Quốc có nhiều khả năng thành công, ngoại trừ một nước Việt Nam được dân chủ hóa chính trị cấp thời để nhận sự hậu thuẫn của Tây Phương (như Đài Loan hiện nay) mà giáo sư Cao Huy Thuần mơ ước. Trong khi đó, giả thiết về một hiện tượng mặc cảm tâm lý tự ti (lẫn tự tôn) yếu kém với người da trắng, có thể có một số người Việt (bao nhiêu phần trăm ?) sẽ hùa theo sức mạnh quân sự và vũ khí đang lên của Trung Quốc –thỏa hiệp bằng tinh thần muốn thấy một châu Á da vàng hùng cường đương cự lại với sức mạnh da trắng trong tương lai. Một hình thức “Đại Đông Á” của thế kỷ 21. Sự kiện này nếu có thể xảy ra, đích thực là một đại họa không riêng cho nước Việt Nam, các quốc gia “da vàng” dị biệt với Trung Quốc về văn hóa và ngôn ngữ, mà còn cho cả thế giới vào giữa thế kỷ này.

(còn tiếp)

nguyễn văn hóa
Giao thừa 13.02.2010

Vài chú thích:

(*) “The ethnic focus of the yellow world has always been China. Since the dawn of history this immense human ganglion has been the centre from which civilization has radiated throughout the Far East. About this "Middle Kingdom," as it sapiently styled itself, the other yellow folk were disposed-Japanese and Koreans to the east; Siamese, Annamites, and Cambodians to the south; and to the north the nomad Mongols and Manchus. To all these peoples China was the august preceptor , sometimes chastising their presumption, yet always instilling the principles of its ordered civilization. However diverse may have been the individual developments of the various Far Eastern peoples, they spring from a common Chinese foundation. Despite modern Japan's meteoric rise to political mastery of the Far East, it must not be forgotten that China remains not only the cultural but also the territorial and racial centre of the yellow world. Four-fifths of the yellow race is concentrated in China, there being nearly 400,000,000 Chinese as against 60,000,000 Japanese, 16,000,000 Koreans, 26,000,000 Indo-Chinese, and perhaps 10,000,000 people of non-Chinese stocks included within China's political frontiers.”
(by Lothrop Stoddard, A.M., Ph.D PART I - The Rising Tide of Color CHAPTER II YELLOW MAN'S LAND New York 1922)

(**) "Experience proves that the Chinese as all-round laborers can easily outdistance all competitors. They are industrious, intelligent, and orderly. They can work under conditions that would kill a man of less hardy race; in heat that would kill a salamander, or in cold that would please a polar bear, sustaining their energies, through long hours of unremitting toil with only a few bowls of rice." (Sách dẫn như trên, Quoted by Alleyne Ireland, "Commercial Aspects of the Yellow Peril," North American Review, September, 1900.)

Wednesday, February 10, 2010

Huế, tình yêu và nỗi buồn (Việt Hoàng)

Tết Canh Dần sắp đến, đọc bài “Huế, tình yêu và nỗi buồn” làm tôi rất buồn!
Bởi, cha tôi là người Huế và mẹ tôi cũng là người Huế. Nỗi buồn ngun ngút đầu tiên là nhớ lại vào tháng 7/2008, sau khi biết tôi đã bị “chơi khăm” về việc đứng tên chủ quyền căn nhà ở thành phố Hồ Chí Minh, thì bất ngờ nhận được cú phôn của chị TKL từ Đức gọi về. Tôi không hề cho chị ấy số phôn nhà, nhưng chị hỏi thăm ai đó, và gọi cho tôi. Lâu lắm rồi, tôi không liên lạc với chị TKL –nhưng, vài tuần lễ trước tháng 7 lúc ở nhà anh chị Cao Hữu Điền ở đường Hàng Me, thành phố Huế thì tôi nghe được tin Họa sĩ Thái Bá, anh của chị bị trọng bệnh và đang hấp hối. Tôi xin chị TKL được đến thăm anh ấy, nhưng chị từ chối lấy lý do anh ấy quá mệt và không muốn tiếp ai hết trong lúc này. Mấy ngày sau, tôi trở lại Sài Gòn, rồi trở về Mỹ mới nghe tin họa sĩ T.B. đã ra đi.

Vì cú phôn bất ngờ của chị TKL, nên tôi cũng có phần xúc động, nhất là trong lúc lòng đang bối rối liệu nên trở về Mỹ hay ra Huế kiếm một miếng đất nào ngoài đó, xây một cái nhà nhỏ rồi để sống và chết luôn ở đó. Hôm ấy, chị TKL hỏi tôi rất nhiều điều, nhất là về ông HVG. Biết gì tôi nói đó, nhận xét về ông ấy ra sao tôi nói vậy… Điều bất ngờ là chị TKL nói một câu trong điện thoại mà tôi tưởng chừng như đang vứt tai vứt tóc mình “Ui chao, Huế mình sao hiền quá đi. Quá hiền đi lận.” Nghe chị ấy nói mà tưởng chừng như chị đang thét lên, “Trời hại Huế của tôi rồi!” Rồi chị tiếp, “Thôi H. về lại Mỹ đi. KL từ Việt Nam trở lại Đức mà tưởng như trở lại thiên đường…” Câu nói ấy có tác động vào tôi trong nhiều góc cạnh của tình thế, nhất là làm cho cán cân quyết định trở về Mỹ của tôi nặng thêm lên. Có lẽ chị TKL không hiểu hết, nắm hết một nội tâm phức tạp của tôi trong lúc ấy. Có nhiều ước vọng và những điều tôi muốn làm, nhưng chẳng có phương tiện nào nằm trong bàn tay mình. Tôi không tiếc nuối của cải vật chất, kể cả việc bán đổ bán tháo căn nhà vô nghĩa kia và chấp nhận cho Chi Cục Thuế quận Tân Bình móc túi thêm 3 ngàn đô-la. Gần một trăm ngàn đô tiền Mỹ chưa làm được gì hết, muốn đem mẹ mình về để chết trên quê hương cũng không xong, giờ vơi còn một nửa. Tôi dự định trích một số tiền còn lại này mua một xe gạo chở về làng An Truyền (Huế) phân phát cho những người nghèo ở đó, nhưng lòng cứ bần thần nghĩ tới gặp lại cái hình ảnh bi thương ‘ngoài nớ’ như một người đạp xe ba gác còn trẻ, lưng còng xuống và xiêu vẹo về một phía do sức nặng những món hàng chất đầy phía trước, tôi thấy hành động phân phối vài chục, vài trăm tạ gạo…cho dân nghèo thật sự chỉ là nghĩa cử để lấy “tiếng thơm” riêng mình chứ chẳng giải quyết được việc gì. Tôi nản lòng. Thanh niên Huế thời “hiện đại” (có thể kể luôn cả thời “hậu hiện đại” trong tương lai nào đó) là hình ảnh của những người gầy guộc, đen đúa, hốc hác… chạy ăn từng ngày. Một thành phố “bất lực”, một xã hội “bất động” như những cây phượng già trong Đại Nội… chưa nói tới sự già nua, ngu muội, bẩn thĩu, hèn kém của những đầu óc đã bị thời đại loại bỏ đàng sau cả thế kỷ nhưng vẫn còn những cái nhếch mép gượng gạo, giả dối, giả tạo của niềm kiêu hãnh…

Sáng hôm nay, nhân bài viết của Việt Hoàng (có phải ông là một người gốc Huế? Sao mà thâm trầm, chân phương với sự thật đến dường ấy? Hay ông là một kẻ sĩ Bắc hà đất Thăng Long tội nghiệp cho những tấm “thân em gầy guộc nhỏ”?) làm cho tôi càng rã rời thêm nữa… nỗi buồn ngun ngút càng sâu nặng hơn. Những ngày còn chế độ Ngô Đình Diệm… thanh niên Huế luyện tập thể dục thể thao, võ nghệ với vóc dáng cường tráng đã lụi tàn theo từng hố chôn trong cát. Những trường trung học, đại học, những thư viện nhà, thư viện công, những cơ ngơi thí nghiệm y khoa, khoa học… ai xây dựng nên và ai đã thụ hưởng… mà giờ đây xem chừng cô vắng, lạnh lẽo như những bàn đá lạnh để xác người chết trong bệnh viện trung ương Huế…? Có thể những dòng văn của Việt Hoàng là một tiếng sấm sét thức giấc những kẻ u mê, hèn kém, nhưng cũng có thể đó là một điệu chiêu hồn cho một thành phố sẽ bị lịch sử vùi lấp, chôn đứng…như thành Đồ Bàn của người Chăm trong quá khứ thôi!
Đàng nào đi nữa, tôi vẫn phải cám ơn tác giả Việt Hoàng.

nguyễn văn hóa
Wednesday, February 10, 2010
____________________________

Tản mạn đầu Xuân
Huế, tình yêu và nỗi buồn


Việt Hoàng

“…Để Huế bớt vua thì dân chủ và minh bạch phải đặt lên hàng đầu và phải có sự giám sát của chính quyền trung ương…”

Huế, mảnh đất cố đô từng là trung tâm văn hoá-kinh tế-chính trị của Việt Nam một thời. Huế được biết đến nhiều qua thơ văn, qua những câu hò buồn man mác trên dòng sông Hương thơ mộng. Huế, một thắng cảnh du lịch luôn được nhắc đến trên các tạp chí du lịch và là điểm đến không thể thiếu được của khách muôn phương. Huế cũng là mảnh đất mà ai đến đó rồi đều không khỏi "bùi ngùi" khi xa nơi "nét dịu dàng pha lẫn chút trầm tư". Huế cũng là miền đất của lăng tẩm đền đài, của chùa chiền và phong cảnh hữu tình nên thơ. Huế cũng nổi tiếng bởi những cô gái xinh đẹp "tóc thề bay trong gió" mà "học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế chân đi không đành…".

Huế đẹp, Huế thơ và Huế chỉ còn là… trong mộng. Huế là hành trang buồn cho những người con xứ Huế quyết tâm ra đi lập nghiệp nơi xứ người. Với họ, Huế tuy xa mà gần tuy gần mà xa. Huế là nơi để khi đi xa "mà thương, mà nhớ" hơn là để sống và gắn bó với nó.

Huế chìm lắng trong cuộc sống bề bộn hàng ngày và mấy hôm nay bỗng nhiên được nhắc đến "rộng rãi" trên các phương tiện thông tin đại chúng từ báo chí lề phải cho đến lề trái.

Tất cả được bắt đầu nhờ sự "xuất hiện" của ông bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên-Huế, Hồ Xuân Mãn. Người vừa được tuyên dương tại "Hội nghị điển hình tiên tiến của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ông có mấy câu phát biểu rất "thẳng và thật" như "lương của đảng viên chúng ta hiện nay cũng là từ tiền thuế của người dân", "nguy cơ của một Đảng cầm quyền là xa dân. Một khi Đảng cầm quyền đã xa dân, khi Đảng đã mất gốc thì Đảng sẽ không thể tồn tại". Ông hình như cũng là "nhân vật chính" trong bài "Đất cố đô có vua" đăng trên báo Lao Động cách đây 5 năm [1]. Những "thành tích" của ông Hồ Xuân Mãn đã gặp sự "phản biện" của ông Hà Văn Thịnh, giảng viên trường Đại học Huế, với bài viết "Xin hỏi ông Bí thư Tỉnh uỷ" [2].

Hy vọng rằng sự tranh luận giữa hai ông sẽ được tiếp tục. Tuy nhiên không phải bây giờ khi ông Hà Văn Thịnh nói ra thì mọi người mới biết, mới rõ về Huế. Ngoài những lăng tẩm, đền đài mà ông cha để lại, Huế còn được biết đến như là một trong những vùng nghèo và kém phát triển nhất nước. Huế cũng như hầu hết các thành phố miền Trung, có khí hậu rất khắc nghiệt. Mùa Hè nắng như đổ lửa, mùa Đông thì lạnh và mưa nhiều. Mưa của Huế kéo dài lê thê cả tuần, cả tháng. Mưa Huế "thối cả đất, trắng cả trời". Mưa Huế theo người dân đi vào trong cả giấc mơ. Việc sống chung với hạn hán, lũ lụt, gió bão đã trở thành chuyện thường ngày của người dân xứ Huế.

Có lẽ do ảnh hưởng của thiên nhiên và di sản văn hoá thời phong kiến để lại nên con người của Huế mang nhiều tính cách "xưa" như gia trưởng, bảo thủ, an phận, đủng đỉnh, nói nhiều làm ít, thanh niên không có chí tiến thủ… Rất không may cho Huế là không chỉ người dân thường có những tính cách "cũ xưa" đó mà ngay cả lãnh đạo và chính quyền Huế cũng bị nhiễm nặng tính cách đặc trưng "rất Huế" đó. Ai cũng phải thừa nhận một điều là Huế rất ít thay đổi. 10 năm, 20 năm nay Huế vẫn thế: vẫn buồn, vẫn thơ mộng và vẫn nghèo.

Chính quyền Huế không cần đi đâu xa mà chỉ cần vượt qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng là biết được cần phải học, phải làm những gì. Đà Nẵng đã vượt xa Huế để trở thành một trung tâm kinh tế của Miền Trung. Cả thành phố Đà Nẵng là một công trường sôi động, dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp trong nước. Các khu resort (nghỉ mát) ven biển Mỹ Khê, gần khách sạn Furama được rao bán từ vài trăm ngàn đến hàng vài triệu đôla mỗi cái, đủ biết đầu tư ở Đà nẵng lớn đến đâu.

Huế có điểm mạnh gì để có thể phát triển? Tiềm năng của Huế lớn hay nhỏ?

Huế có nhiều điểm mạnh, tiềm năng có thể phát triển được là:

Du lịch. Đây là nguồn thu nhập chủ yếu cho chính quyền và nhân dân Huế, tuy nhiên đầu tư của chính quyền vào cơ sở hạ tầng du lịch còn rất kém và thiếu đồng bộ. Ngoài danh lam thắng cảnh "tự có", những địa điểm nghỉ ngơi, ăn chơi, giải trí của khách du lịch còn rất thiếu, nếu không muốn nói còn rất yếu. Buổi tối, nhất là mùa đông, sau 9 giờ tối du khách đến Huế không biết đi đâu và làm gì. Con người Huế thì hiền lành, thật thà nhưng chưa cởi mở và năng động, nhiệt tình trong việc phục vụ khách du lịch chưa được thể hiện đúng mức. Dịch vụ về du lịch Huế thua xa Đà Nẵng, Nha Trang hay Bình Thuận. Câu hỏi đặt ra là chính quyền Huế có quyết tâm phát triển Huế hay không, nghĩa là có thật sự cởi mở và tạo điều kiện để du lịch Huế phát triển hay chưa?

Giáo dục. Huế với trường Quốc Học nổi tiếng và hệ thống các trường Đại học lâu đời, như Đại học Y, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp… sẽ là điểm hẹn của sinh viên, các bậc phụ huynh cũng yên tâm vì Huế có rất ít tội phạm và tệ nạn xã hội. Vật giá ở Huế cũng rất rẻ so với các nơi khác, dân Huế rất hiếu học, cám dỗ của xã hội ít. Tuy nhiên để ngành giáo dục Huế phát triển thì tự thân các trường phải thay đổi tư duy giáo dục, mạnh dạn áp dụng các phương pháp mới để các sinh viên tốt nghiệp ở Huế có đầy đủ năng lực và năng động đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng khắt khe của xã hội.

Y tế. Dẫn đầu bởi bệnh viên trung ương Huế với một đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, lại có trường Đại học Y hỗ trợ, cộng với chi phí rẻ, dịch vụ y tế tại Huế có nhiều tiềm năng để phát triển mạnh. Tuy nhiên Huế rất cần sự hỗ trợ của nhà nước vì mức sống của dân chúng miền Trung nói chung và Huế nói riêng còn rất thấp, do đó chi phí khám và chữa bệnh không thể áp dụng cao như tại các nơi khác. Cần khuyến khích những trung tâm nghiên cứu y học Việt Nam và quốc tế đặt ở Huế vì khí hậu nóng và ẩm ướt tại miền Trung rất thuận lợi cho việc thử nghiệm các loại vi khuẩn và các loại bệnh lạ nhiệt đới.

Thể dục thể thao. Huế chưa thực sự đầu tư cho thể dục thể thao một cách cần thiết. Huế hầu như vắng bóng trên các sân chơi thể thao trong nước, các khu thể thao hiện đại vẫn chưa thấy xuất hiện. Ngoài việc nâng cao thể lực cho người dân, các khu thể thao còn phục vụ cho khách du lịch, cho sinh viên và học sinh trên địa bàn Huế. Khu vực bờ biển Lăng Cô là địa bàn lý tưởng để khai thác dịch vụ thể thao biển cả, qua đó phát triển du lịch.

Nghiên cứu khoa học, sáng tác nghệ thuật. Sự yên bình của Huế (và Đà Lạt) rất thuận lợi cho việc nghiên cứu khoa học, và sáng tác văn học nghệ thuật. Sống bên cạnh một khung cảnh hữu tình, tâm hồn người Huế rất phóng đãng và qua đó có thể sáng tác những tác phẩm hay và có giá trị văn hoá và nghệ thuật cao. Rất tiếc, tạp chí Sông Hương một thời nổi tiếng không còn được nhắc đến.

Có phát triển được những tiềm năng vừa kể trên hay không, cái đó còn phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động và cởi mở của chính quyền và dân chúng địa phương. Nếu người dân Huế vốn đã bảo thủ và ngại thay đổi thì chính quyền và lãnh đạo tỉnh phải làm gương đi trước và ủng hộ mạnh mẽ ý kiến và sáng kiến của những người tiên phong. Phải tạo điều kiện thực sự cho những doanh nhân và doanh nghiệp vào Huế đầu tư để phát triển thành phố thay vì tổ chức những festival, họp báo và kêu gọi khơi khơi trên báo chí và truyền hình.

Huế có một tiềm năng rất lớn về con người, đặc biệt là những người con xứ Huế đi xa lập nghiệp nơi đất khách quê người. Rất nhiều người con của Huế đã thành công lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chưa nói đến cộng đồng người Huế ở nước ngoài, chỉ riêng dân Huế ở Sài Gòn và Hà Nội thôi cũng đã là một lực lượng rất lớn. Làm sao để họ quay về và đầu tư vào Huế không phải là bài toán quá khó nếu chính quyền Huế thật sự cởi mở và thực lòng muốn xây dựng Huế tốt hơn.

Sự nỗ lực của ông chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, Nguyễn Ngọc Thiện, một người từng du học ở nước cộng hòa Ukraina (Liên Xô cũ) trong nỗ lực kêu gọi đầu tư về Huế rất đáng ghi nhận. Thế nhưng việc đầu tiên mà ông Nguyễn Ngọc Thiện cần làm là phải có những chủ trương, chính sách và sự đồng thuận trong chính quyền trước đã, tránh tình trạng "ông nói gà bà nói vịt", gây khó dễ cho các nhà đầu tư vào Huế.

Chính quyền ở trung ương cũng phải dành những quan tâm và ưu tiên nhất định cho Huế, tránh tình trạng bỏ rơi và quên lãng Huế như hiện nay. Thật là vô lý và bất công khi có những công trình và dự án ở Huế mà các doanh nghiệp và người dân Huế không được tham gia, lý do là vì các dự án đó đã "được" các công ty ở Hà Nội "thắng thầu" và sau đó các công ty thắng thầu đó đem quân của họ vào thi công, ví dụ công trình thuỷ điện Bình Điền.

Tình trạng bè phái trong nội bộ đảng và chính quyền các cấp, các ban ngành ở Huế chắc chắn là rất lớn và tỉ lệ nghịch với sự nghèo khổ của dân Huế. Vì Huế là đất Cố Đô nên ai cũng muốn "làm vua". Để Huế bớt vua thì dân chủ và minh bạch phải đặt lên hàng đầu và phải có sự giám sát của chính quyền trung ương.

Đây lại là một bài toán khó cho đến nay vẫn chưa có lời giải. Nỗi "xấu hổ vì mình là người Huế" mà ông Hà Văn Thịnh, giảng viên sử học trường Đại học Huế, nói ra chắc sẽ còn kéo dài.
Việt Hoàng

(Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên)
XIN HỎI ÔNG BÍ THƯ TỈNH UỶ
HÀ VĂN THỊNH

Sau phát biểu của bí thư tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn về những thành tích của địa phương được đăng tải trên một số tờ báo, một nhà Sử học muốn ông Mãn nói rõ hơn, cụ thể hơn về những thành tích đó.

Để rộng đường dư luận cũng là tôn trọng tính đa chiều của truyền thông, Tuần Việt Nam đăng ý kiến thể hiện quan điểm riêng của ông Hà Văn Thịnh, giảng viên trường Đại học Huế.

Trong mục “Chào buổi sáng” của báo Thanh Niên, số ra ngày 25.1.2010, có đăng tải những phát biểu của Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn. Ông Mãn cho rằng đầu nhiệm kỳ, người nghèo ở tỉnh TTH là 28%, nay còn 8%; tỉnh đã lo cho 31.000 đồng bào dân tộc có nhà “4 cứng” và; nhất là tỉnh TTH luôn “nói đi đôi với làm”. Nếu đúng như thế thì thật là diệu tuyệt. Nhưng vì là một nhà sử học, nói cái gì cũng phải có sách, mách có chứng nên tôi muốn ông Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh TTH cho biết rõ – cụ thể hơn những thành tích rất đáng trân trọng ấy.

1. Nếu TTH đã giảm được trên 70% số hộ nghèo chỉ trong một nhiệm kỳ lãnh đạo thì đó là một kỷ lục, không chỉ đối với Việt Nam mà là cả thế giới! Đây là thành tích cần phải được nhân rộng cho 62 tỉnh, thành khác học tập. Và, tôi cho rằng nếu bỏ qua điều này là một sự lãng phí tài năng ghê gớm. Vấn đề là ở chỗ dư luận muốn biết bằng cách nào, kinh phí lấy từ nguồn nào, các công đoạn của nó được tiến hành ra sao; bởi vì trên thực tế, không thấy tỉnh TTH có những đổi thay đột biến để tạo nên đột biến ghê gớm trên?

2. Chỉ cần ngồi ở một quán cóc trên đường Lê Hồng Phong – trung tâm thành phố, khoảng một giờ đồng hồ, bất kỳ ai cũng được “tiếp xúc” với 10-15 người ăn xin, bán vé số. Họ có phải là người nghèo hay không? Tại sao TTH có tỷ lệ ăn xin và bán vé số cao nhất nước trong khi người nghèo đã giảm nhanh đến như thế? Xin nhấn mạnh rằng cũng trong chừng ấy thời gian vào buổi chiều tối, sẽ “bị” không ít hơn 10 đứa trẻ chèo kéo mua đậu phụng rang, bánh phồng tôm. Những đứa trẻ đó chỉ khoảng 8-11 tuổi.

3. Tiêu chuẩn “nghèo” mà ông Bí thư Tỉnh uỷ “xếp hạng” là dựa trên căn cứ nào? Theo các công trình nghiên cứu của Trung tâm Khoa học Xã hội Nhân văn trường Đại học Khoa học Huế thì tỉnh TTH là một trong những địa phương có tỷ lệ người nghèo cao nhất nước. Xin nhớ rằng nếu thu nhập bình quân dưới 1.000 USD/người/năm, thì vẫn thuộc dạng nghèo; còn dưới 500 USD thì chắc chắn là thuộc diện đói nghèo. Cũng xin nhấn mạnh rằng tiêu chuẩn nghèo mà tỉnh TTH đang cố tính là theo Thông tư số 170/TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 8.7.2005, trong đó quy định rằng mức nghèo là dưới 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn và 260.000 đồng/người/tháng ở thành phố. Cách tính đó đã lạc hậu vì ai cũng biết chẳng một ai (kể cả trẻ con) có thể sống nổi ở một thành phố với thu nhập nửa USD/ngày (!) Đó là chưa muốn nói rằng số liệu mà ông Bí thư Tỉnh uỷ đã đưa ra là không chính xác (tuy vẫn theo cách tính để lấy thành tích của ông). Số liệu của Sở Lao động – Thương binh – Xã hội TTH cho biết năm 2009, TTH có 21.168 hộ nghèo với 75.945 nhân khẩu, chiếm 8,85% (ông Bí thư đã bớt đi 0,85%). Thế nhưng số người “cận nghèo” (một cách nói để giảm thiểu sự sút giảm của thành tích. Trên thực tế là chẳng khác gì nhau. Nghèo và không nghèo chứ không thể có chuyện “cận nghèo”), là 5,75%. Cộng lại, TTH, tuy tính toán khác rất xa với thực tế, vẫn có 14,6% người rất nghèo.

4. Các dân tộc ít người ở tỉnh TTH có gần 50.000 người. Ông Bí thư Tỉnh uỷ Hồ Xuân Mãn cho rằng “tỉnh đã lo cho 31.000 đồng bào dân tộc có nhà “bốn cứng” là chính xác hay không? Được biết, nhà của đồng bào được xây dựng theo Đề án 135 của Chính phủ và kinh phí để thực hiện là do nguồn từ Nhà nước và các cơ quan hợp tác quốc tế. Tại sao tỉnh TTH có thể nói là chính họ đã lo cho đồng bào? Mặt khác, 40% còn lại vẫn chưa có nhà “bốn cứng” là nghĩa làm sao khi chỉ có 8% người nghèo? Đó là chưa nói chuyện xây nhà xong nhưng trong đó chẳng có gì, thu nhập của người dân không thay đổi gì thì quả thật, chỉ mới đem cái áo khoác lên cho người nghèo bớt xấu một chút mà thôi!

5. Người viết bài này đã sống và làm việc ở tỉnh TTH 33 năm, đã chứng kiến sự thay đổi của nhiều lãnh đạo nhưng chưa hề thấy bất kỳ sự thay đổi thực sự nào từ ý tưởng, cách làm việc của những người lãnh đạo ấy. Tôi sẵn sàng tranh luận với bất kỳ vị lãnh đạo nào về đề tài này. Chỉ cần bước qua đèo Hải Vân là thấy xấu hổ vì mình là người Huế. Sự đủng đỉnh của Huế, tính bảo thủ muôn đời của nó là điều ai cũng biết. Thật là buồn khi mình gắn bó với một quê hương mà quê hương ấy chỉ thay đổi gọi là, phát triển gọi là… Là người dân, rất ước mong rằng các vị lãnh đạo hãy nói được sau khi đã làm được. Xin ông Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh TTH trả lời những câu hỏi của tôi.

Nguồn: tuanvietnam.net

© Thông Luận 2010