Search This Blog

Monday, January 25, 2010

Bàn Về Mấy “Sơ Xảo Tính” Trong Cuốn “Tự Do Và Đạo Lý”

Vài lời xin thưa với tác giả, quý độc giả và các bậc trí giả:

Bài này được viết cách nay đã 15 năm rồi (1994), nhân sau một buổi chiều đi nghe ra mắt sách ‘Tự Do và Đạo Lý’ của tác giả Nguyễn Hữu Liêm ở San Jose. Vào thời gian ấy, tôi đang sống ở căn nhà lụp xụp, lạnh lẽo trên một ngọn đồi ‘gió hú’ –gió lồng lộng quanh năm, bên kia là vịnh Rodeo, bên này là vùng San Pablo (phía đông bắc thành phố San Francisco). Vì tò mò, tôi phải lái xe hơn một tiếng về San Jose để được tham dự buổi ra mắt sách hôm ấy.
Bài viết sau đó được đồng đăng trên các tuần báo Chánh Đạo của ông Ngô Văn Bằng, và nhật báo Thời Báo của ông Vũ Bình Nghi (cả hai đều phát hành ở San Jose). Rất tiếc sau đó, tôi không nhận được ‘phản hồi’ từ tác giả để có dịp học hỏi thêm.
Vào giữa năm 2005, luật sư Nguyễn Tâm ở San Jose, nhằm trong dịp ‘chỉ trích’ tác giả Nguyễn hữu Liêm về những hoạt động “phục vụ cho chế độ Hà Nội”, Nguyễn Tâm gửi email đề nghị xin tôi được đăng lại bài viết này trên Nhật báo (và website) Saigon-USA của ông; tuy nhiên, tôi đã xin lỗi và tế nhị ‘từ chối’ vì nghĩ rằng bài viết đã quá lâu.
Thời gian qua mau, thế rồi vào giữa trung tuần tháng 4/2009 vừa qua, lúc ấy tôi đang còn ở khu mobilehome Balihi ở Santa Ana –đang ngủ trưa bỗng giật mình vì chuông điện thoại reo. Đầu giây nói bên kia là ông Thân Trọng Mẫn mời tôi ra quán cà phê (tôi quên tên) gần bên nhà hàng Royal của Santa Ana, nói là có hai vợ chồng ông Nguyễn Hữu Liêm và nhà sư Đỗ Thuận Khiêm mời uống cà phê và đang ngồi chờ. Thật lòng, tôi không muốn đi, lại nhớ tới cuộc hẹn sẽ đi nghe ông Mai Thanh Truyết thuyết trình đề tài gì đó về ‘họa Trung quốc’ ở chùa Điều Ngự. Nhưng, sau một thoáng ‘chợt nghĩ xa’, tôi quyết định và vội vã thay quần áo đi ra chỗ hẹn. Tôi vội vã đến độ (xin lỗi quý vị) vì đúng vào lúc ấy mắc đi cầu mà phải chùi đít qua quýt rồi chạy ra xe vì sợ trể nãi cả hai chuyện trong buổi chiều. Gặp lại một số người quen cũ như hai vợ chồng ông Liêm, ông Mẫn, ông Hùng…và một số người quen mới (nghe giới thiệu là có vài anh chị đang làm tạp chí về Thơ, và mạng lưới ‘da mầu’). Không khí tẻ nhạt, vài câu chuyện nhạt nhẽo, thi thoảng có vài câu nói 'ba trợn' của sư Thuận Khiêm chen vào –nhưng vì lịch sự, tôi cố ngồi nán lại. Trước khi tôi chuẩn bị lên tiếng sắp từ giã, Nguyễn Hữu Liêm quay qua tôi, đề nghị “Ông H. nổi lên làm loạn đi ông!” Tôi chưa kịp nghĩ ra hết ý nghĩa của chữ “làm loạn” theo miệng ông Liêm, nhưng vẫn nhanh miệng trả lời, “Có chứ, nhưng tôi cần về nhà ngủ thêm một giấc cho tỉnh táo, rồi mới có thể làm loạn được.” Mọi người ngồi quanh bật cười. Nói vừa dứt câu, tôi đứng lên từ giã mọi người, ra về. Dù vậy, tôi tiếc vì ngồi càphê quá thời gian dự định đã trể giờ đi nghe buổi thuyết trình của Mai Thanh Truyết mất rồi.
Bây giờ tôi đang trở về chốn cũ ở San Jose, lục tìm lại được bài viết cũ, mừng quá ngồi đánh máy lại bài viết (bản thảo cũ ngày trước, tôi đánh trên bàn máy chữ không có dấu) để nhanh chóng post lên mạng Hội Tụ như một lời đáp từ “làm loạn” của ông Liêm cho thêm phần vui nhộn trong những ngày vào thu.
Trong bản đánh computer lần này - dù đã cách 15 năm, nên ngoài một vài sửa chữa nhỏ về chính tả - thêm vài chữ mới, nội dung bảo đảm tôn trọng giữ đúng như bản cũ đã gởi cho các báo Chánh Đạo và Thời Báo năm 1994.


nguyễn văn hóa
Tuesday, September 29, 2009
_________________________________________________________________________
Bàn Về Mấy “Sơ Xảo Tính” Trong Cuốn “Tự Do Và Đạo Lý” của tác giả Nguyễn Hữu Liêm (Nhà xuất bản Biển Mới, ấn bản 1993) Nhân Một Buổi Ra Mắt Sách
Nguyễn Văn Hóa

1. Sơ-Xảo-Tính qua không gian buổi ra mắt sách:

2 giờ chiều chủ nhật 21/8/1994, Ban tổ chức của Trường Phật Học Lý Trần đã tổ chức phối hợp ra mắt sách triết học của Phạm Công Thiện (giáo sư, tác giả nhiều sách Triết) và của tác giả Nguyễn Hữu Liêm (luật sư).

Về quá trình sáng tác triết học của Phạm Công Thiện thì không ai xa lạ gì, cho nên đã thúc đẩy trên ba mươi tham dự tại quán cà-phê Sao Đêm thành phố San Jose, trong đó có tôi. Người tổ chức (tiến sĩ Lý Khôi Việt *) trong phần mở đầu giới thiệu tác phẩm “Triết Học Phật Giáo” của Phạm Công Thiện, đã dùng danh từ quá ‘đao to búa lớn’ như…Phạm Công Thiện là một đại triết gia rất có thẩm quyền về triết Tây và triết Đông. Trong lời phát biểu sau đó, ông Phạm Công Thiện đã phủ nhận lối tâng bốc không cần thiết nầy. Lẽ ra, với sự thúc giục của người tổ chức, ông Phạm Công Thiện phải ‘thao thao bất tuyệt’ về Triết học phương Đông; nhưng ngược lại, ông chỉ đề cập vắn tắt về một câu thần chú của Mật Tông Tây Tạng: Um Mani Bát Mê Hồng!. Tiếp theo sau đó, ông trình bày 21 bước tu chứng theo phương pháp của Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng. Ông Phạm Công Thiện đã diễn giải các vấn đề nầy thro lối thông thường, dễ hiểu. Có lẽ đó là chủ ý của ông, vì không gian của buổi ra mắt sách không phải là nơi để giảng dạy hay tranh luận triết học.

Sau phần trình bày của Phạm Công Thiện, ông Vũ thế Ngọc (học giả?) phụ chú thêm về kinh nghiệm bản thân câu thần chú Mật Tông trên. Ông kể trong một buổi đi du sát ngoài biển Santa Barbara, ông và một số sinh viên khác sau một hồi đọc câu thần chú trên đã chứng kiến một đàn cá voi tìm đến và bơi chung quanh chiếc thuyền của họ. Ông Ngọc lý giải: Khi mọi người xướng lên câu thần chú “Um….” Đã tạo ra một làn sóng siêu âm (ultrasound waves) đã triệu tập được đàn cá voi tìm đến. Ở đây ông Vũ thế Ngọc đã dẫm chân vào lãnh vực kỹ thuật điện tử mà có lẽ ông mơ hồ.

Giọng nói, xướng âm, hát của một người dù có cường độ âm thanh (decibel level) nào đó - ở một mức quá nhỏ, không thể nào tạo ra một làn sóng siêu âm được. Muốn tạo được một làn sóng ‘siêu âm’, phải cần có một dụng cụ điện tử đặc biệt phát ra một cường độ mạnh tới hàng triệu decibel. Kỹ thuật để tạo ra ‘Ultrasound’ là kỹ thuật ‘hợp lực, cô kết’ cường độ âm thanh hội tụ thành một ‘tụ điểm’ âm thanh mạnh nhất. Nó tương tự như kỹ thuật ‘Ultra-violet lights’ trong tia sáng laser. Âm độ của giọng xướng câu chú không thể nào tạo ra Ultrasound được (dù cho trên tàu tập hợp cả hàng trăm người.) Người ta có thể tin nghiệm chứng của ông Ngọc là có thật –nhưng ở đây, có thể ông đã lầm giữa cá Voi và cá Heo. Ở đầu con cá Heo vốn có một bộ phận tiếp âm (antenna) có thể bắt được những âm thanh với cường độ decibel nhỏ như tiếng huýt gió, chẳng hạn. Nhưng, muốn đàn cá Heo thuần thục với âm thanh này để tìm đến điểm xuất phát, phải có sự luyện tập lâu dài.

Đó chỉ là chuyện nhỏ, vấn đề đặt ra ở đây là ông Vũ thế Ngọc đã làm lệch lạc ý nghĩa của câu thần chú, và với nội dung ông Phạm công Thiện trình bày. Xướng câu chú “Um….” chỉ là một phương pháp tu Thiền, câu chú chỉ là phương tiện giúp người “tu thiền” bước ra khỏi thực tại trong một không-thời-gian nào đó –trở về với trạng thái ‘Không’. Nói gọn là “thoát ra” (nội-ngoại-tại), giữ tâm tĩnh lặng. Đề cập về tính-khoa-học của câu thần chú ấy ở đây đã trở nên lạc điệu…

Người tới tham dự bắt đầu cảm nhận ‘hơi hướm’ của sự lố bịch… Và, sự lố bịch đã kéo dài ra, mở rộng thêm sau khi ‘người tổ chức’ đã tự ý so sánh: Nếu ‘Phạm công Thiện là đại triết-gia Đông phương’ thì ông ‘Nguyễn hữu Liêm là đại triết-gia Tây phương có thẩm quyền’ (qua tác phẩm “Tự Do và Đạo Lý”.) ‘Người tổ chức’ có vẻ như muốn tạo ra sự kích động nhằm lôi kéo sự tranh luận giữa ‘hai đại triết-gia’ này. Song, ông Phạm công Thiện vốn là kẻ lão luyện, từng trãi trong giới giang hồ văn nghệ đã chủ động được hoàn cảnh để tự tuyên bố chấm dứt buổi ra mắt sách đúng lúc, sau khi đưa ra vài ý kiến trịch thượng của một ‘bậc Thầy’ sau phần phát biểu và nêu vấn đề “Triết lý đi về đâu” (?) của ông Nguyễn hữu Liêm.

‘Người tổ chức’, sau rốt đã tạo thêm một sự lố bịch khủng khiếp (khác) khi cho rằng cuốn sách “Tự Do và Đạo Lý” chỉ dành cho trình độ của các tiến sĩ triết học, tiến sĩ luật học…đọc. Tôi xin miễn phê phán về lói phát biểu này, để dành cho quý thính giả tham dự. Đến đây, các người tham dự đã nhận thức được rằng –sự có mặt của ông Phạm công Thiện cũng như cuốn sách góp mặt của ông chỉ là ‘công cụ, bàn đạp’ nhằm đề cao tuyệt đối luật sư Nguyễn hữu Liêm và cuốn sách (Tự Do và Đạo Lý) của ông mà thôi.

Nêu ra các yếu tố lố bịch trên để xác định động cơ tôi viết bài này.
Về cuốn sách của ông Phạm công Thiện, tôi xin khất lại vào dịp khác. Ở đây, tôi chỉ bàn về cuốn sách “Tự Do và Đạo Lý” mà tôi gọi là ‘những sơ-xảo-tính’, thể hiện qua cách ra mắt sách là “sơ-xảo-tính” thứ nhất.

2. Sơ-xảo-tính trong lối khai mở khái niệm triết học của “Tự Do và Đạo Lý”:

Ai cũng biết, Đức ngữ là ngôn ngữ của ‘triết’, vì Đức quốc là quốc gia sản sinh nhiều nhà triết học lừng danh nhất. Ngôn ngữ -tự nó không phải là ngôn-ngữ-mang-tính-triết-học hay không. Triết gia mới là chủ thể sáng tạo, khai mở, phong phú hóa khái niệm triết học qua phương tiện ngôn ngữ. Phương tiện như chiếc đò qua sông. Phương tiện không phải là xác tín để đạt tới chân lý (Chân lý ở đây được hiểu như là ‘Ý nghĩa của triết học’).
Lão Tử nói : “Đa ngôn số cùng, bất như thử trung”
Theo ý này, Lão Tử coi ‘lời nói’ chỉ là một phương tiện trong muôn ngàn phương tiện. Cho nên nói ít thôi, hoặc nhiều khi không nói (là một cách nói khác) mà vẫn đạt tới chân lý.

Trong Cổ Học tinh hoa, có nói: “Máy móc tức là cơ giới. Kẻ có máy móc tức có cơ giới. Kẻ có cơ giới tức có cơ trị. Kẻ có cơ trị tức có cơ Tâm. Ta đây không phải không biết máy ấy, chỉ vì xấu hổ không dùng mà thôi.” Cho nên, trong tinh thần Đông phương –từ chối một phương tiện, có khi là sự lựa chọn của bậc minh triết.

Có lẽ do một nô-lệ-tính thường tình, tác giả Nguyễn hữu Liêm đã coi Đức ngữ như một phương tiện thời thượng, xác tín cho trình độ nghiên cứu triết học của mình, nên tác giả đã dùng Đức ngữ để trình bày tư tưởng của Hegel, trong khi tác giả lại sở trường và xuất thân từ môi trường giáo dục Anh ngữ.

Trích dịch về lời mở đầu của Hegel trong Rechtsphilosophie (“Philosophy of Right”), tác giả viết: “Cái gì đứng ở giữa trí năng như là một năng lực ý thức của Đạo lý đối với trí năng như là hiện hữu thực tại, cái gì phân biệt giữa hai phạm trù trên là choàng giây xích của thể tính trừu tượng hay cái gì khác vốn chưa được thoát ly ra khỏi chính nó để trở thành khái niệm..” Nguyên văn mà tác giả đã ‘trích dịch’ : Was zwichen der Vernunft als selbstbewufften Geist und der vernunft von dieser scheidet und in ihr nich die Befriedigung finden lafft, ist die Fessel irgend eines Abstraktums, das nicht zum Birgriffe befreit ist..” Tôi không đọc được tiếng Đức nhưng vẫn phải lập lại ở đây để người đọc nắm đươc ý nguyên nghĩa. Thực ra, Rechtspjilosophie đã được nhiều nhà nghiên cứu triết học Mỹ dịch ra Anh ngữ. Tôi xin đơn cử đoạn văn trên đã được T.M. Konox trong “The Philosophy of Right” (nhà xuất bản Oxford University Press – được The Great Western Books in lại năm 1953) dịch như sau: “What lies between reason as self-sonscious mind and reason as an actual world before our eyes, what separates the former from the latter and prevents it from finding satisfactrion in the latter, is the fetter of some abstraction or other which has not been liberated [and so transformed] into the concept..” Hiểu một cách dễ hiểu là, “Cái gì nằm giữa trí-năng-như-là-tự-thức và trí-năng-như-là thế-giới-thực-tại trước mắt chúng ta, cái gì phân chia giữa hai trí năng trên, hay ngăn trở nó từ sự tìm kiếm biện giãi trí năng-như-là-thế-giới-thực-tại, chính là sợi xích trói buộc của thế giới trừu tượng hay cái gì khác đi nữa. Điều đó vẫn chưa thoát [hay chuyển hóa] được để trở thành khái niệm..” Trí năng như là thế-giới-thực-tại –theo Hegel, là một Hiện Hữu Tuyệt Đối (Nhà nước hay pháp quyền, chẳng hạn là một hiện-hữu-tuyệt-đối.) Cái gì của thực tại hiện hữu đều có lý. Đã có lý tất phải có khái niệm. Đây không phải là ‘tiền đề của vấn nạn tư tưởng quan trọng’ trong logic Hegel (theo tác giả Nguyễn hữu Liêm.) Suy tưởng này chỉ là diễn giải cho tiền đề “Cái gì hữu lý là thực tại, cái gì thự tại thì hữu lý’ (What is rational is actual, what is actual is rational). Lý luận này nhằm biện giải cho sự khai mở các khái niệm triết học về Pháp lý, và theo Hegel, để hiểu “cái gì” (what is), chính là nhiệm vụ của triết học (tôi nhấn mạnh!). Nhưng, rất khiêm tốn –trong phần mở đề của “Phylosophy of Right”, Hegel nói rằng: “Cuốn sách này chỉ là bao gồm khoa học về nhà nước, chẳng có gì khác hơn là sự cố sức để nhận thức và mô tả rằng nhà nước là cái thuộc về lý trí cố hữu..” (*)

Tác giả Nguyễn hữu Liêm đã diễn giải “trí năng như là một năng lực của ý thức Đạo lý” (‘reason as self-conscious mind’) là đi quá xa và áp đặt một phạm trù ‘khác’ vào suy tưởng của Hegel, có lẽ vì tác giả hiểu “conscious” là ‘Đạo Lý’. Mặt khác, hiểu “What separates the former from the latter” như “hai phạm trù” là hiểu lệch khái niệm của Hegel. Bởi, đã là phạm trù (khái niệm triết học: “Category’) là đã có sự phân chia!.

Mặc dầu chỉ là phần mở đầu của Chương Một, nhưng chúng ta có thể tìm gặp tác giả đã cố gắng một cách méo mó để phối hợp ‘ý niệm Tự Do’ (Hegel) và ‘Đạo Lý’ (Lão Tử), là bản chất của cuốn sách từ đầu tới cuối.

Trong phần ‘Phụ chú’ (trang 668), tác giả Nguyễn hữu Liêm cho rằng “một số nhỏ trí thức Việt Nam ở Pháp và Hoa Kỳ chỉ trích Hegel dựa theo luận điệu của Schopenhauer hay Popper vốn chỉ được trích dẫn từ các nguồn tài liệu phổ thông (‘secondary sources’). Ý tác giả nói họ không đọc nỗi từ nguyên bản (hoặc chỉ biết phê bình qua sự phê bình của người khác). Chỗ khác, tác giả cho rằng nói đến triết học Hegel bằng “tam thể luận” (‘triad’) là chưa hề đọc Hegel, chỉ khoe cái dốt của mình (NH. Liêm mượcn lời của Allan W. Wood, trang 668).

Dĩ nhiên, khi nghiên cứu về Hegel, người ta không chỉ đọc “Philosophy of Right”, “Philosophy of History”. Tác phẩm quan trọng đầu tiên của Hegel là “Hiện Tượng Luận Về Tinh Thần” (The Phenomenology of Spririt, 1807) –ông đã trình bày một cách chặt chẻ về lý luận biện chứng –‘Mâu thuẫn là động cơ của tư tưởng’ (La Contradiction est le moteur de la Penseé). Tư tưởng không là một dạng tĩnh, mà được tạo dựng bởi mâu thuẫn theo trật tự ‘tiền đề, phản đề và tổng hợp đề’. Ở đây, tôi không muốn đi sâu vào vấn đề này, chỉ nêu ra như một trưng dẫn để nhắc nhở tác giả -muốn hiểu Hegel không thể không bước qua ‘Syllogism’ trong “Hiện Tượng Luận Về Tinh Thần”. Sự lòe bịp về tri thức và tự cho mình là một trong số ít người hiểu Hegel rốt ráo nhất, tôi gọi đó là “sơ-xảo-tính” thứ hai của “Tự Do và Đạo Lý”.

3. Sơ-xảo-tính trong lối áp đặt từ ngữ triết học:

Như tôi đã đề cập ở trên, ngôn ngữ chỉ là phương tiện để diễn đạt về ý niệm triết học và là phương-tiện-có-giới-hạn. Nếu lý trí là một hiện hữu thường hằng, thì lý trí có trước ngôn ngữ, và triết học chỉ xuất hiện khi lý trí đã được hệ thống hóa qua ngôn ngữ. ‘Sơ-tính’ (simplicity) của lý trí là nguyên ngôn –logos, nền tảng khải đạo của triết học Tây phương. Hegel là người đầu tiên đã đào sâu quá trình lý tính nội tại (nguyên ngôn của lịch sử triết học), nhưng ông không phải là người duy nhất.

Từ ngữ -tự nó không mang một ý nghĩa triết học, nếu nó là một áp đặt đi ra ngoài trí năng. Trong “Tự Do và Đạo Lý”, chúng ta bắt gặp đầu những áp đặt như vậy. Thí dụ, chữ “tính”. ‘Tính’ trong triết học mang một tính chất của ý niệm phổ quát. Không phải trong mọi trường hợp, sử dụng ‘tính’ là có thể biến thái khái niệm danh từ trở thành triết-ngữ. Thí dụ (ở trang 41), tác giả dùng đến 8 (tám) lần chữ ‘tính’ cho mỗi khái niệm như: ‘trừu tượng tính, đại thể tính, thường-bất-biến-tính, v.v… thực chất là sự phô trương về lối hành văn triết học. Triết lý là một nghệ thuật về cách đặt vấn đề, suy diễn và giải quyết vấn đề để chinh phục đối tượng khách thể, chứ không phải là làm cho nó khó hiểu. Trong khoảng hơn 600 trang sách, tác giả đã sử dụng hàng ngàn chữ ‘tính’ làm tiếp-hậu-từ, và lập đi lập lại các từ ngữ như: ‘năng động’ và ‘năng thức’ một cách rất vô nghĩa. Tôi thí dụ: “Từ năng thức của ý niệm tự do, ý lực bản ngã đi từ thường hằng, vô biệt, từ đại ngã chuyển hóa qua tiểu ngã thường phân…” (trang 40). Những ai chưa đọc nguyên bản “Philosophy of Right” trong Phần Một –Abstract Right, sẽ không hiểu tác giả muốn nói cái gì, mặc dầu đó chỉ là những khái niệm rất đơn sơ!

Về chữ “moment”, tác giả NHL đã dịch khi thì “thời quán” (đa số trường hợp, nhưng có khi dịch là “thời tính”). Thật ra, dùng “thời tính” chính xác hơn, nhưng có lẽ vì không muốn ‘mang tiếng’ là dùng từ ‘từ gốc’ của Hegel, nên muốn nói khác đi. Song, nếu tác giả dịch ‘moment’ là “thường quán”, sẽ làm người đọc hiểu lầm là tác giả muốn nói về khái niệm “moment of inertia”. Tôi xin nêu ra thí dụ: “Đối với cá thể thì cả hai phạm trù ý thức ( Đạo lý và Vị kỷ) cũng chỉ là thời quán mang bản chất trừu tượng” (trang 43). Về khái niệm “Universality”, tác giả đã dùng khi thì “nguyên thể tính, đại thể tính, thường-bất-biến-tính” (trang 197), có khi trở thành “nguyên thể khách quan” (trang 199). Có thể vì giới hạn của ngôn ngữ Việt trên mặt lý luận, nên mỗi trường hợp, người ta dịch một cách khác nhau. Nhưng, trong ‘trường hợp của tác giả NHL’ đã dùng không chính xác về khái niệm triết học.

Ở một chỗ khác, khái niệm “lý tính phổ quát” (‘universal rationality’) được tác giả sử dụng là “giá trị lý trí” trong câu văn : “…Hành động có ý thức là lấy giá trị lý trí làm căn bản” đã làm cho khái niệm cụm chữ trở nên rất tầm thường.

Trên đây là vài thí dụ phổ biến trong cách áp đặt từ ngữ qua khái niệm triết lấy từ Hegel nhan nhãn trong sách “Tự Do và Đạo Lý”. Trong dịp tới, tôi sẽ đọc lại và đào sâu từng chương một ( ** ).

4. Sơ-xảo-tính về sắp xếp nội dung trong “Tự Do và Đạo Lý”

Trong “Philosophy of Right của Hegel có ba phần chính (3 Parts), không kể Phần Dẫn Nhập (Introduction), Khai Bút (Preface), và Phần Bổ Sung (Addition).

--Phần đầu là Pháp Lý Trừu Tượng (Abstract Right), có ba phân đoạn bàn về Tài Sản, Khế Ước, Vi Phạm. Trong hai phân đoạn Tài Sản và Vi Phạm, Hegel còn chia ra các tiểu đoạn như: Chiếm hữu Tài sản, Gian lận, Hình sự v.v…

--Phần hai là Đạo Đức (Morality), có ba phân đoạn bàn về Tôn Chỉ và Trách nhiệm, Thiện Tính và Lương Tri..

--Phần ba là Đạo Lý Xã Hội (Ethical Life), có ba phân đoạn: Phân đoạn đầu bàn về Gia Đình và Giáo Dục Con Cái, Ly Dị… Phân đoạn hai về Xã Hội Dân Sự. Phân đoạn này chia ra ba tiểu đoạn bàn về Hệ thống, Tổ Chức Dân Sự, Tư Bản và Phân Chia Giai Cấp –Tư Pháp, Cảnh Sát, Tòa Án. Phân đoạn 3 có ba tiểu đoạn bàn về Hành Pháp (‘Crown’ –khác với Tổng Thống chế hay Chế độ Cộng Hòa Đại Nghị hiện nay!), Lập Pháp và Tư Pháp, về Chủ Quyền Quốc Gia, Công Pháp Quốc tế và Lịch Sử Thế Giới. Sau cùng là ‘Phụ chú’ cho toàn thể cuốn sách. Tổng kết ba phần có tất cả 360 đoạn văn (paragraphs) theo từng tiểu đề suy tư của Hegel.

Trong “Tự Do và Đạo Lý”, tác giả NHL chia cuốn sách của ông ra làm 7 phần (Phần A đến phần G, -phần G làm phụ chú). Trong 6 phần nội dung cơ bản có 24 Chương. Trong 24 Chương này, bao gồm 178 đoạn văn, cũng theo tiêu đề suy tư ‘tương tự’.

Nhìn chung, sự phân chia Phần và Chương của ‘hai’ cuốn sách (tôi dõi theo từng tiêu đề đoạn văn, người đọc có thể nhận ra tác giả Nguyễn hữu Liêm đã hoàn toàn dựa theo nội dung của Hegel. Tôi thí dụ: từ phần A đến B (‘Nền Tảng Pháp Triết. Đạo Lý Pháp Quyền’) đều dựa theo nội dung của Hegel trong Phần đầu (Abstract Right). Phần C (‘Đạo Lý Cá Nhân’) dựa theo Phần hai của Hegel (Morality). Từ Phần D tới Phần F (‘Đạo Lý Xã Hội, Đạo Lý Quốc Thể, Đạo Lý Hoàn Vũ) lại chính là Phần ba của hegel trong “Ethical Life”.

Chắc hẳn tác giả Nguyễn hữu Liêm hết sức tránh né sự ‘mang tiếng’ của sách của ông là một bản dịch từ “Philosophy of Right”. Sự tránh né ấy có thể mang một chủ đích “dễ cảm” của tác giả; bởi, hàm chất của một tác phẩm triết học chính trị là sự sáng tạo từ một công trình tư duy được hệ thống hóa, không phải là một bản dịch –“thậm chí” mượn tư duy của kẻ khác nhưng tìm cách che đậy. Bởi vậy, chữ “xảo” trong sơ-xảo-tính của tôi, mong quý độc giả chỉ nên hiểu đó chỉ là một ‘art of re-creation’ mà thôi. Tuy vậy, một sự che đậy như vậy vô tình rơi vào hai sai lầm nặng nề:

--Một, người đọc nếu vì tình cờ, khám phá từ nguyên bản của Hegel sẽ nghĩ rằng đây là một công trình “sao chụp” tư tưởng của kẻ khác, mặc dầu trong lời mở đầu tác giả đã rào đón là chỉ “mượn”. Như vậy, sự lương thiện trí thức sẽ bị thương tổn. Chẳng thà cứ viết dưới dưới hình thức một bản dịch, kèm theo phụ chú, diễn giải theo ý riêng, người đọc sẽ đón nhận với nhiều thiện cảm hơn. Dịch sát, và quan trọng nhất là dễ hiểu –để nhằm chuyển tải tư tưởng của triết gia trở thành một giá trị phổ quát nhằm soi sáng những “đầu óc ngu muội nhưng kiêu căng, tàn ác. Và, tất nhiên tác giả nên bỏ ít tâm sức tìm hiểu, điều nghiên hoàn thành một phụ chú đầy đủ, diễn giải sâu sắc, rỏ ràng cũng đủ làm cho người đọc, xa hơn nữa –những kẻ lãnh đạo cộng sản đần độn thấu hiểu Hegel và khâm phục tác giả!

--Hai, vì sự cố ý phân chia ‘khác đi’ của “Tự Do và Đạo Lý” về mặt hình thức đã vô tình tố cáo tác giả không nắm được nguyên lý tư tưởng Hegel qua sự ‘phân chia’. Sự phân chia tiết mục của Hegel mang ý nghĩa một hệ thống triết học suy nghiệm (system of speculative philosophy). Trong ba phần của “Philosophy of Right” và các phân đoạn, phân tiểu đoạn –sự thứ tự đều đi theo một quy luật biện chứng tư tưởng từ thấp lên cao: -sự chuyển hóa từ một ý niệm triết học này chuyển qua một ý niệm triết học khác đều có sự liên kết về tư tưởng. Tôi thí dụ: Nếu khởi đầu là một khái niệm về Pháp lý sẽ đi tới một giai đoạn cao hơn là Đạo đức Cá nhân; từ Đạo đức Cá nhân bước qua một giai đoạn cao hơn nữa là Đức lý Xã hội. Mặt khác, trong các Phân đoạn còn có ‘sự chuyển hóa về khái niệm’ (so transformed!). Tôi thí dụ: Chuyển hóa từ Tài Sản qua Khế Ước (transition from Property to Contract); chuyển hóa từ Gia đình qua Xã hội Dân sự (transition of the Family into Civil society); từ một Xã hội Dân sự tốt đẹp chuyển qua Nhà nước Pháp quyền với tổ chức chính quyền tuyệt hảo. Và, bằng tinh thần Đạo lý giữa các quốc gia (theo quan điểm Hegel), chúng ta sẽ có một thế giới lý tưởng (Ideal World). Sự phân chia của tác giả NHL, dù hình thức khác đi, nhưng lại ‘sao chụp’ hoàn toàn nội dung –là đánh mất hệ thống tư tưởng Hegel, đánh mất căn tính duy lý mà Hegel đã thiết đặt.

Tác giả NHL khó phủ nhận nhận xét nêu trên, vì tôi đọc từ đoạn văn 1 đến 178 của ông –không một khái niệm triết học nào đi ra ngoài 360 đoạn văn trong “Philosophy of Right” ngoại trừ những đoạn văn bàn về Việt Nam và một vài khái niệm của Lão Tử (nhưng hình như tác giả vẫn chưa hiểu được chữ ĐẠO của Lão gia).

Tuy mang một nội dung ‘sao chép’, rãi rác đôi nơi vẫn có sự suy tư riêng của tác giả. Song, có rất nhiều điểm tôi không đồng ý với tác giả. Tôi thí dụ: Tác giả viết “Thể tính của trật tự khách quan là Đạo Lý” (trang 275) [Tôi mở ngoặc: “thể tính” ở đây phải chăng là “Esssence”?] Đúng hay không, không thanh vấn đề nữa, điều tội hiểu là tác giả muốn nói tới một “trật tự khách quan” chính là trật tự xã hội. Vì vậy, một xã hội có trật tự là một xã hội có đạo lý! Điều đó có vẻ hợp lý, nhưng là một hợp lý “rational simplicity” (nhóm chữ này tôi đặt ra). Nếu một trật tự xã hội hiện hữu vì sự đe dọa, áp bức của chủ thể pháp lý (như, Đảng Cộng sản Việt Nam) trên đối tượng khách thể (Nhân dân Việt Nam) thì nó không còn là ‘Đạo Lý’ nữa. Trong trường hợp này, Đạo Lý chính là hành động đối kháng cụ thể của nhân dân chống lại chủ thể pháp lý (Đảng Cộng Sản). Nói cách khác, Đạo Lý đó chính là hành động phá đổ trật tự “Ngụy Thiện” hiện hữu để đạt tới một trật tự xã hội Chân-Thiện-tính. Vậy, phải nói “Thể tính của trật tự khách quan là Đạo Lý”, khi trật tự khách quan là ý lực tự do tuyệt đối của khách-thể-tính.

--Tác giả NHL và suy tưởng về Tôn giáo :

Trong tác phẩm “Triết Học Lịch Sử” (Philosophy of History), Hegel có mỗ xẻ và đề cập đến Tôn giáo trong Phần Một (Thế giới Đông phương) nói về Phật Giáo; Phần Ba (Thế Giới La mã) về Thiên Chúa Giáo. Nhưng, hegel đã trình bày về hai tôn giáo này một cách giản đơn. Về Thiên Chúa Giáo,Hegel viết “Chân lý của khách thể tuyệt đối là Tinh thần”, hoặc “Thượng Đế được nhìn nhận như một Tinh thần khi nó được hiểu như một Tam Vị Nhất Thể (Triunity). Nguyên tắc mới này là cái trục, ở đó lịch sử thế giới chuyển mình. Đó là đích và điểm khởi đầu của lịch sử.”

Về Phật Giáo, Hegel có đề cập đến Luân Hồi (Metempsychosis); về Sắc và Không –ông lý giải quá đơn điệu. Hiểu tôn giáo như vậy, nên trong “Philosophy of Right” (Phần Morality –phân đoạn ‘Good and Conscience’, Hegel viết: “Lương tri tôn giáo hoàn toàn không có trên trái đất này” (‘Religious conscience, however, does not belong to this sphere at all’). Có lẽ vì không ‘dám’ đi ra ngoài biên thùy của triết học Hegel, tác giả Nguyễn hữu Liêm đã nhìn về Phật Giáo như sau: “Khái niệm thực tại tính, trên căn bản biện chứng triết học Hegel, đòi hỏi hiện hữu thời tại, cũng như vĩnh cửu chỉ có bằng con đường qua thân xác và đời sống trần thế mà thôi. Vì vậy mà mệnh lệnh nghĩa vụ của các tôn giáo, khi chỉ ở thể tính trừu tượng, nhất là của Phật Giáo, không mang thực tại tính” (TD&ĐL, trang 228).

Ở một nơi khác, Nguyễn hữu Liêm viết: “Bản chất đặc thù duy chủ quan là tâm lý hãnh tiến mà Cơ Đốc giáo lên án khi nói rằng tội lỗi nặng nề nhất đối với Thượng đế là sự hãnh tiến về chính mình – hay Phật giáo kết án đối với những chúng sanh đầy ngã mạn” (sđd, đoạn 67, trang 243). Đây chính là tâm lý giản đơn trùng chụp khi tác giả được đọc những đoạn Hegel viết về tôn giáo -có nghĩa phê phán vì Hegel đã phê phán nó, phủ định vì Hegel phủ định, không phải là suy tư từ bản thân tác giả về triết học tôn giáo.

Dầu sao, công trình tim óc của “Tự Do và Đạo Lý” vẫn là điều đáng ca ngợi. Từ ‘vị thế’ của một luật sư (là nghề ‘trời’ sinh ra trên đất Mỹ để hốt tiền, có tiền rồi thì mon men vào cánh cửa quyền lực chính trị!), tác giả Nguyễn hữu Liêm lại sa vào lãnh vực triết học, vốn là lãnh vực thuần trí thức. Điều đó có nghĩa hoặc là tác giả đã thất bại cả hai lãnh vực nói trên, hoặc tác giả là người ‘rất lý tưởng’. Cái ‘lý tưởng’ này có lẽ xuất phát từ sự tha thiết gửi gắm về ‘quê hương đất nước’ –nơi sự tệ hại và đốn mạt của quyền lực chính trị là điều không thể chối cãi. Và, nó bi thảm đến độ tác giả phải than “Những kẻ có lý tưởng thì không có hoàn cảnh để phủ nhận thực tế tiêu cực” (trang 346) –ý tác giả nói đến những người cộng sản lý tưởng. Như vậy, ‘Tự Do và Đạo Lý’ có phải là phương thế để tạo ‘hoàn cảnh’ cho chính mình? Nếu đúng, chúng ta có thể hiểu ‘Tự Do và Đạo Lý’ –là một món quà tự nguyện tác giả dâng lên cho chủ thể pháp lý ở Hà Nội, và nếu nói theo Hegel, là một “món quà –mutum commodatum without interests”. Nếu tâm tư ‘dâng hiến’ là một thực tính chủ quan thì, chính tác giả đã biến lý tưởng thành ảo tưởng khó lường. Những kẻ ảo tưởng bao giờ cũng nhận lãnh cái giá của ‘đắng cay và bội bạc’!

Sau hết, như tôi đã thưa trước về động cơ viết bài này trong phần đầu, thực tâm của tôi vẫn là muốn học hỏi, mong chờ đón nhận những nhận xét, chỉ giáo của tất cả mọi người (kể cả tác giả) qua bài viết này.

nguyễn văn hóa
24/8/1994 - 29.9.2009

Vài phụ chú ghi thêm sáng ngày 30/9/2009: Tối hôm qua, vừa đánh máy xong thì đã khuya, tôi mệt, tôi đi ngủ ngay. Sáng hôm nay, thức dậy sớm, xin ghi thêm vài điều xét ra cần thiết:

(*) Tôi vốn là người thích Hegel, nên thường collect đủ các tác phẩm của Hegel. Trong hai tác phẩm: "The Philosophy of Right" và "The Philosophy of History" tôi sử dụng trong bài viết, sau mấy chục lần dọn nhà trong cuộc sống 'trần gian' của tôi -lần này tôi đã làm mất mấy tác phẩm đó. Chợt nhận ra, lúc viết (tháng 8 năm 1994), tôi đã sai sót khi quên ghi lại nguyên văn trích dẫn từ tác phẩm Hegel (đã được dịch từ Đức ngữ sang Anh ngữ). Tôi xin có một lời xin lỗi đến mọi người.
Cũng trong thời gian này, tôi đang sống trong sự "khổ đau", nhưng tinh thần rất mãnh liệt -điều đó đã giải thích dùm cho tôi, vì sao tôi đã viết bài này trong thời gian có 3 ngày (sau buổi chiều đi nghe ra mắt sách/ 21.8.1994 - 24.8.1994 -vừa viết vừa đọc lại hai tác phẩm 'khó nuốt' của Hegel và cuốn sách dày cộm "Tự Do và Đạo Lý" của ông Nguyễn hữu Liêm.

(**) Đây là lời "hứa" và tôi đã không giữ lời viết tiếp và viết thêm... về Hegel và mấy cuốn sách của tác giả Nguyễn hữu Liêm, nhưng rồi tôi đã không giữ lời... Tiện thể, xin được gởi một lời Xin Lỗi đến tất cả mọi người. --nguyễn văn hóa, 7 giờ sáng ngày 30.9.2009.

No comments: