Search This Blog

Saturday, January 23, 2010

Ngẫm nghĩ về nhóm chữ “Bọn khuyển mã Giao Điểm” qua phỏng vấn nhà thơ, nhà tranh đấu nhân quyền Thi Vũ-Võ Văn Ái (do Lê thị Huệ, chủ biên gio-o.com thực hiện)

nguyễn văn hóa


Tuần rồi (cuối tháng 11/2009), web Hội Tụ có link bài phỏng vấn của nhà văn Lê Thị Huệ (chủ biên mạng gio-o) phỏng vấn một nhân vật…với tựa đề rất “bắt” mắt với độc giả: Phỏng vấn…Lãnh tụ trí thức đấu tranh Nhân Quyền số Một ở hải ngoại: nhà thơ Thi Vũ Võ Văn Ái. (phần 2)

Với vai trò “một ngựa”, một thuyền, một “người lái” như tôi trên mạng lưới điện tử, hẳn tôi có quyền đăng bất cứ bài nào tôi muốn (trên các diễn đàn công cộng, hoặc nhận từ các emails gửi đến), tôi viết bất cứ thứ gì tôi thích. Nhưng đấy không phải là một việc làm “vô tư”, ai cũng thấy. Cho nên, khi link (2) phần đầu của bài phỏng vấn ấy, hẳn là tôi phải đọc trước! Đây không phải là bài nhận xét về nội dung vấn-đáp của bài phỏng vấn, bởi có muốn nhận xét cũng không nên, vì toàn bài chưa được phổ biến trọn vẹn. Tôi đang làm công việc gọi là “trích ngang” vài điểm nhỏ trong bài phỏng vấn, chỉ vì nó có liên quan đến cái “danh” : Giao Điểm.

Đứng ở quan điểm “cái tôi tự nhủ”, tôi có thể yên tâm để “bình an như vại” là không quan tâm, không đếm xỉa đến một vài “điểm nho nhỏ” trong cái lớn, cái “tổng quan” của bài phỏng vấn; nhưng với những thắc mắc về lãnh vực tri thức (nói xa hơn là trí thức, cũng được thôi.) thì tôi vướng mắt với nhóm chữ “bọn khuyển mã Giao Điểm” trong một đoạn trả lời của bài phỏng vấn như sau:

“….Đấy, sức mạnh thực hữu và uy tín của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phát ra từ miệng các ông trùm Cộng sản. Có đâu như gần đây một vài Tăng sĩ cơ hội, Phật tử cơ hội ở Hoa Kỳ, Canada, Châu Âu, Châu Úc bêu riếu Giáo hội chỉ còn có hai người là đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang và Hòa thượng Thích Quảng Độ !
Không có ai, trong nghĩa chẳng ra gì, mà sao cả đại Bộ Công An ở Hà Nội cho đến bọn khuyển mã Giao Điểm, rồi ba nhóm Phật giáo cơ hội Về Nguồn, Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại, Thân hữu Già Lam không ngớt chửi bới, bôi nhọ, vu hãm Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, lại còn tiếm danh Giáo hội để làm tiền xây chùa và mong mỏi không bị Cộng đồng Người Việt Tị nạn hỏi thăm về việc thỏa hiệp hay đi đêm với Hà Nội của bọn này ?...” ( chữ đậm là nhấn mạnh của nvh.)

Liệu tôi có nên nhắc lại về vai trò “chủ động” mạng lưới giaodiem.com kể từ tháng 4/2001 cho đến gần giữa năm 2006?, rồi sau đó tôi đã cho nó “tan vỡ” bằng các loạt bài đã có rất nhiều người đọc. Sau đó, “họ” đòi kiện tôi ta tòa xuất phát từ nhiều lý do, mà lý do tiên khởi là vì tôi đã “cứng cựa” không chuyển giao mạng lưới cho họ, vì: Từ cuối năm 2005 cho đến giữa năm 2006, tôi đã viết vài bài báo “phạm húy, phạm thượng” đến nhân vật Hồ Chí Minh, cộng với những bài links về “tố cáo” Mặt trận Hoàng Cơ Minh, một số bài kỵ húy với Giáo Hội PG nhà nước - Đảng Cộng Sản VN, thí dụ như: những trang web tưởng niệm cố Thượng Tọa Thích Thiện Minh (trong đó nặng nhất là bài báo đăng lại từ tạp chí Phật Giáo Việt Nam tố cáo cái chết của thầy Thiện Minh là do Võ Đình Cường) ; bài báo “Từ Ánh đuốc Quảng Đức…” của tôi đối nghịch với tinh thần của buổi hội thảo Phật Giáo VN trong thế kỷ 21 đang tổ chức tại TP/HCM và .v.v… Tất nhiên, trước đó còn đăng bài viết luận về “chính nghĩa, chính danh, hợp pháp” của tổ chức Giáo Hội PGVN Thống Nhất của Thích Nguyên Tường mà “bọn Giao Điểm” tin rằng “lạm bút danh” đó là của ông Võ Văn Ái. Nói nhiều hơn nữa, tôi nghĩ không cần thiết, vì tôi tin chính ngay bản thân ông Võ Văn Ái cũng biết rõ ngọn ngành của “biến cố” đó ra sao rồi.

Khi “biến cố Nguyên Thiều” trong nước xảy ra, chính giaodiem.com “gánh vác” trên vai một trọng trách đã làm “lắng đọng” khả năng đưa tới sự xung đột làm tan rã “thế” còn lại của Giáo Hội PGTN qua vai trò lãnh đạo của các danh tăng như các Ngài Huyền Quang, Quảng Độ, Tuệ Sỹ v.v… - trong thế chủ động đạo diễn của thế lực Công an tôn giáo. Có người (chức sắc) trong tổ chức Giao Điểm như ông Phan Mạnh Lương (vào lúc đó là chủ tịch) đã chuyển lời (có lẽ) là từ một vài chức sắc trọng lượng hơn (thí dụ: (Bùi) Hồng Quang hay Hoàng Nguyên Nhuận..?) [*] cho rằng “tác giả Thích Nguyên Tường” chính là Võ Văn Ái. Nghe vậy, tôi lại bực mình thêm, vì tôi không hề quen biết ông Ái, và đăng một bài viết vì giá trị nội dung của một bài viết, chứ không phải bài viết ấy “phù hợp” hay “có vấn đề” với quan điểm của nhà nước CHXHCN Việt Nam về tôn giáo ! Ai không đồng ý cứ viết bài phản hồi. Viết không được là vì mình thiếu lương thiện và không đủ chính nghĩa trong lập luận phản biện.

Nhưng, đăng bài viết của “tác giả Thích Nguyên Tường” không phải là đồng nghĩa với việc ủng hộ, bênh vực cho lập trường, hành động của ông Võ Văn Ái. Chẳng phải là, tôi cũng có viết một vài bài (trong quá khứ) chỉ trích việc ông Ái nhận tiền của NED – liên hệ đến Phong trào Tổng Lao Động Mỹ; và không ai –một công dân trí thức lại đứng trước diễn đàn Liên-Hiệp-Quốc cúi đầu để tố cáo, nói xấu về…"quốc gia" mình! -Tinh thần của sự “chỉ trích” ấy không thể nào trực tiếp từ sự “chỉ đạo” của Cộng Sản.

Bây giờ, tôi xin nêu thắc mắc về nhóm chữ “bọn khuyển mã Giao Điểm” ?

Có muốn “yêu” tiếng Việt từ lúc mới ra đời hay không, muốn hiểu tiếng Việt cho rõ ràng, tử tế…thì đàng nào cũng phải lôi tự điển Hán-Việt ra thôi. Trong vài cuốn tự điển Hán-Việt, Việt-Nôm-na, định nghĩa chung: “Khuyển mã” là “Chó và ngựa” : Chỉ lòng trung thành của kẻ dưới đối với người trên, với chủ. (Chó và ngựa là hai con vật nuôi trong nhà rất trung thành, rất mến chủ.) Chưa đủ, mượn chữ “chó” nói về người còn có nghĩa: Kẻ theo Nho học mà lòng dạ xấu xa, thí dụ: “Khuyển nho”; nhưng nếu chỉ một loại tay sai mang tính-độc-ác thì gọi là “Khuyển ưng”: Chó săn và chim ó (chim ó là loại chim săn bắt mồi.) Như trong Truyện Kiều:

“Sửa sang buồm gió lèo mây,
Khuyển ưng lại lựa một bầy ‘côn quang’”
(“Côn quang”, có nghĩa là “côn đồ”: Bọn xấu xa hung dữ.)

Xét ra thì ông Võ Văn Ái còn “nhẹ lời”, không thì ông sẽ dùng nhóm chữ này: “Bọn Khuyển ưng Giao Điểm”, bởi “ngựa” là con vật tương đối hiền lành, ngoan ngoãn, còn “chó” thì có giống loại chó dữ - chó hiền, khác nhau. Vậy, diễn nôm “Bọn Khuyển mã Giao Điểm” có nghĩa Giao Điểm là “bọn chó ngựa” –là một bọn tay sai, trung thành với chủ. Nhưng, “chủ” đây là ai? Ông Võ Văn Ái đã trả lời : “Hà Nội”.

Ở trên, tôi đã nhắc lại sự “chỉ trích” việc làm của ông Ái của tôi còn mang ý nghĩa là, tôi đã vô tình đồng hóa địa danh “Hà Nội” với “Quốc Gia” ! Tôi xấu hổ dùm cho “quốc gia” vì “quốc gia” bị làm nhục là tâm cảm hay là thái độ chính trị? Có thể đó là “tâm cảm”, cũng có thể là cả hai. “Tâm cảm” là nói cái chung, khái niệm quốc gia chung, đất nước chung (xuất phát từ một tự ái dân tộc, sự tự trọng về dân tộc mình.). Nhưng, nếu đó là một thái độ chính trị, vấn đề phải được xét lại. Có phải thái độ chính trị ấy (của tôi trong 5 năm trước) phù hợp với hành động chính trị của tác giả Nguyễn Hữu Liêm (luật sư) hôm nay không? “Văn tức là người”, nên tôi xin soát xét lại những gì tác giả Nguyễn Hữu Liêm đã viết. Tôi tìm đọc lại trong cuốn sách “Dân Chủ Pháp Trị” (**) xuất bản cách nay 18 năm, trong đề mục “Chuyển tiếp từ Cộng sản đến Dân chủ bằng cơ chế Pháp luật”, Nguyễn Hữu Liêm viết : “…Cái mà người Cộng sản phải từ bỏ là sự tàn bạo và hệ quả vô lý của mô thức đấu tranh Leninism và Stalinism. Người Cộng Sản phải chấp nhận nền tảng tư sản Cơ Đốc Giáo như là những nền tảng bắt đầu để họ chuyển hóa trên phương diện ý thức chứ không phải là cách mạng bạo động để xóa bỏ làm lại, vì theo Gramsci không thể làm lại từ đầu được.” (**)

Hiểu, người Cộng sản Việt Nam “phải chấp nhận nền tảng tư sản Cơ Đốc Giáo như là những nền tảng...” là định luật chính trị hay là một khái niệm của Triết học? Nếu đó chỉ là một khái niệm triết học thì quả là tư tưởng mơ hồ, vì “nền tảng tư sản” chưa hẳn là chỉ có trong Cơ Đốc Giáo (xin thêm: Công Giáo và Tin Lành). Không thiếu gì các trường hợp “chuyển biến” chính trị quốc gia không phải từ nền tảng Cơ Đốc Giáo, đó là chưa kể tính-chủ-quan này đối với “người chủ” (Chế độ) có chấp nhận hay không, dù rằng sự “chấp nhận” ấy sẽ “cứu vớt” cho sự tồn tại của chế độ. Quả thực là trên 300 trang của cuốn sách, tác giả đã dùng lý luận và biện giải để đưa tới một kết luận “hàm hồ” như thế. Nhưng, nếu đó là một định luật chính trị khả thể thì, như tác giả đi đến một khẳng định : “Cái mà người Cộng Sản Việt Nam phải công nhận bây giờ là xã hội chủ nghĩa không có tương lai cho nhân loại và dân tộc… Nghĩa là, yêu nước là phải từ bỏ xã hội chủ nghĩa. Lúc nầy và bây giờ.” (**)

Nguyễn Hữu Liêm đã kết luận và khẳng định như thế ; đó là một “ý thức chính trị”, không thể chối cãi được. Gần hai chục năm sau, thực tại chính trị là chế độ ấy vẫn tồn tại mà không có “nền tảng tư sản Cơ-Đốc-Giáo” nào cả mà Cơ-Đốc-Giáo còn bị trấn áp một cách tinh vi hơn, và “xã hội chủ nghĩa” vẫn không hề được từ bỏ mà lại xuất hiện một giai cấp tư sản-đại tư sản cán bộ giàu có (nhờ vào ăn cắp, tham nhũng và làm ăn bất chính), nên từ thực tại đó, ta phải có một khẳng định chính trị khác : Họ (CSVN) không phải và không thể là những người yêu nước! Vậy là tôi có thể kết luận : “Hà Nội”, hay họ (Đảng Cộng Sản) không hề đồng nghĩa với “quốc gia”, cho nên tâm cảm về danh dự “quốc gia” của tôi trong việc “chỉ trích” ông Võ Văn Ái không đồng nghĩa với bênh vực “Hà Nội”.

Từ một “áng” (***) ý thức chính trị rõ rệt của tác giả Nguyễn Hữu Liêm trong quá khứ trở thành “Nơi Hội nghị Việt kiều: một nỗi bình an” là một diễn biến “ý thức” bất thường, đi ngược với chiều tiến hóa của tư tưởng, hay nói một cách vẽ vời đó là “một sự phá sản của tinh thần triết học.” Liệu ông Hoàng Ngọc Tuấn đã nhìn thấy trước hơn ai hết về ý thức “bất thường” đó của tác giả Nguyễn Hữu Liêm?. Vì lẽ, ông là người viết phản hồi bài viết “Nơi Đại hội Việt kiều: một nỗi bình an” trên talawas blog sớm sũa và “mạnh” nhất (28/11/2009 lúc 12:31 sáng.) Ông Tuấn viết :
“Tôi đến sở thú xem người ta dạy thú. Tôi thấy những con thú nghe lời răm rắp. Người ta dạy bằng cách nhét vào mồm chúng những viên thức ăn. Bây giờ tôi mới hiểu rằng để dạy một hạng người nào đó thì cũng tương đương như vậy. Cứ thảy cho vài viên ngọt ngọt, thì hạng người nào đó cũng nói bô bô theo lời chủ, chẳng khác gì những con vẹt đói khát và ngu xuẩn. Tất nhiên so với loài vẹt thì hạng người đó có phần hơn, vì còn biết chêm triết lý vặt vào cho sang trọng nữa!” -Hoàng Ngọc-Tuấn (trích talawas-comments theo URL link.)

Tôi không làm công việc khai thác nội dung ý kiến phản hồi trên, vịn vào từ nghĩa làm cho “tệ” hơn ý của tác giả, chỉ muốn viện dẫn chữ “thú” để có thể hiểu như là thái độ, việc làm mang tính “Khuyển mã” thôi. Song, từ một “áng” ý thức chính trị như Nguyễn Hữu Liêm đã thủ đắc, tôi không tin ông Liêm là một “khuyển mã” tự nguyện. Chỉ có thể hiểu cách khác là ông Liêm bị ảnh hưởng, thúc đẩy, khuyến cáo… đã đến lúc (như khái niệm "market timing" trong thị trường chứng khoáng!) cần phải bộc lộ thái độ chính trị trước dư luận công cộng của một bậc thầy “khuyển mã” từ xa nào đó !?. Do đó, tôi không nghĩ ý kiến phản hồi của ông Hoàng Ngọc Tuấn mang tính cách “mạ lị” mà chỉ là một “phẩn nộ trí thức”, chỉ vì ông nắm được cái “áng” ý thức chính trị của Nguyễn Hữu Liêm quá rõ, qua các tác phẩm của ông Liêm đã viết.

*
* *

Như trong một vài bài viết mới đây, tôi có kể lại về cuộc gặp gỡ với nhà văn Trần Kiêm Đoàn trong một quảng thời gian tôi còn ở trong nước. Trên đoạn đường cùng lái xe từ Sài Gòn ra Huế vào đầu tháng 5/2008, Trần Kiêm Đoàn có hỏi tôi “Ông có giấy mời tham dự Lễ Phật Giáo Vesak ở Hà Nội không?” Tôi đã nói láo với câu trả lời “có chứ!” cho “oai” vì nghe ông Đoàn khoe có nhận giấy mời từ VN gửi qua Mỹ. Còn tôi, tôi biết tôi đã bị công an chế độ “chơi gát” từ bài viết phạm thượng về Hồ Chí Minh sau khi được mời tham dự Đại Hội Phật Giáo toàn quốc cuối năm 2007 (có nghĩa là không bao giờ được tham dự bất cứ đại hội PG lớn nhỏ nào nữa.).

Tôi có viết, tôi đã bị “gài” để phải gặp gỡ các công an tôn giáo cao cấp này nọ, vì thật lòng tôi rất buồn bực vì chuyện đó. Nhưng đã lỡ, phải lần thôi. Ở Hà Nội, tôi được ông Đại tá VT. tiếp xúc. Rồi sau đó, ông vào Sài Gòn thăm tôi vài lần… (tôi xin mở ngoặc: tên họ, chức vụ của Công an chế độ CSVN khi còn nẳm trong quyền lực chìm, không có gì bảo đảm là chính xác và đúng thật, nên viết tắt là thận trọng!), tôi đã bắn tiếng trước rằng, “Tôi sẽ xin hồi hương về nước, nhân tiện đem mẹ già tôi về để chuẩn bị chết trên quê hương. Tôi đã ‘già’ rồi (thật ra thì chưa già gì lắm!), tôi chỉ muốn được làm công dân về hưu, không muốn mang ơn nhà nước bất cứ điều gì…” Thế mà tôi cũng đâu được yên thân, phải bị “ép, đẩy” phải rơi vào tình huống này khác… để cuối cùng phải bị “chơi khăm” vì chuyện chủ quyền bất động sản. Nhưng, xin thưa với công luận: Không hề có chuyện tôi bị chế độ “vắt chanh bỏ vỏ” gì hết do từ suy luận thời gian làm một số công việc “khuyển mã” cho giaodiem.com. Với một lý cớ khác, tôi vẫn được họ "trọng đãi", sửa soạn giới thiệu việc làm cho tôi ở một đại học v.v..., họ còn cho người theo sát để nếu tôi cần gì thì họ giúp, nhưng đó cũng là lúc tôi tìm đường “trốn” về Mỹ, khi nhận thức rõ: chế độ này sẽ ngã theo con đường Trung Cộng. Tôi nghĩ, điều đó, có thể lợi ích cho “Hà Nội” nhưng đi ngược lại quyền lợi “Quốc Gia”, trong đó có đại đa số người dân Việt. Thái độ chính trị đó, cũng không phải vì cớ tôi mang mặc cảm định kiến thù ghét người Trung Hoa hay coi thường nền văn hóa vĩ đại của họ. Tôi không chấp nhận, vì tôi biết phân biệt sự khác nhau giữa danh xưng “chế độ Hà Nội” và “đất nước/quốc gia.” Tôi không hề vì sự “bất mãn”, hay bị “vắt chanh bỏ vỏ” nào khi tuyên bố chế độ Việt Nam hiện nay là một chế độ “khốn kiếp” (hay “khốn nạn”) thì cũng như nhau.

Một sáng cuối Đông (2007) ở Hà Nội, trong một quán cà phê bên một bờ hồ nhỏ, Đ.tá VT có hỏi tôi về ông Võ Văn Ái, tôi trả lời và “đề nghị”: Nhà nước VN nên mời ông Võ Văn Ái về tham dự Lễ Phật Đản Liên-Hiệp-Quốc Vesak. Tôi giải bày về những điều lợi chung cho toàn thể Phật Giáo và Đất nước sẽ như thế nào. Dù cho cá nhân ông Ái không chấp nhận lời mời đó, hành động công khai (gửi giấy mời) của Ban Tôn giáo cũng là điều hay trước công luận. “Họ” chỉ nghe và không có ý kiến. Có thể là “lẽ tất nhiên”, sau đó không ai làm chuyện "mời" đó, và có thể lời đề nghị của tôi đã được truyền qua tai nhiều người khác –trong số có người “thù ghét” ông Võ Văn Ái và rồi ghét lây cả tôi nữa. Không sao cả. Nếu tôi dám nói những điều mình nghĩ đúng mà, không hề ngại tới những thiên kiến trước một quyền lực chính trị cũng là điều hay. Một dự kiến khác là, giả như Bộ Công an Hà Nội họ lại “khoái/ đắc ý” về lời đề nghị của tôi, liệu ông Võ Văn Ái có “bị” những xúc động như một số Tiến sĩ-Trí thức vừa qua đã bị trong Đại hội Việt kiều tại Hà Nội (dù ông có hay không tham dự) ?

Trong khi cầm bút viết những dòng này, tôi vẫn còn thắc mắc, liệu ông Võ Văn Ái gọi “Nhóm Giao Điểm” (trong những năm về trước “có tôi”, và hiện nay là giaodiemonline.com và một bộ phận nối kết của họ) là “bọn Khuyển mã” chỉ vì “họ” là những kẻ “làm tay sai cho Hà Nội” muốn phá đổ Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, để cho Giáo Hội Phật Giáo (của Hà Nội) chủ động lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo cả nước, vì cố bênh vực cho sự tồn tại vô thời hạn của chế độ CS, hay chỉ vì lý do “họ” từng lên tiếng “tố cáo” ông đã nhận tiền của Cơ quan NED và v.v…? Và, nếu trong quá khứ ông Ái đã nhận tiền của NED thì ông có thể xác định người “chủ” để phục vụ trong trường hợp này là ai? Hay, ông chỉ mượn phương tiện của người ngoài để phục vụ cho người “chủ” của mình là Phật Giáo Việt Nam và Dân Tộc Việt Nam thôi?

(Để kết luận) Có thể nào nói được rằng, chỉ vì tinh thần yêu Nước, yêu Đạo (nói chung) –ở một mức độ nào đó, hoàn cảnh nào đó, trong vai trò nào đó -tất cả (cá nhân) chúng ta không khéo đều có thể trở thành nạn nhân của “khuyển mã” ? Tôi không biết trả lời thế nào, nên đành phải mượn tư tưởng của Vương Thông để tự nhủ mình: “Tự tri giả anh, tự thắng giả hùng” (Tự biết mình là anh, tự thắng được mình là hùng) vậy.
Nguyễn Văn Hóa
Sunday, December 06, 2009

Vài ghi chú:

(*) Ông Hoàng Nguyên Nhuận (qua bút hiệu Hoàng Đông Tà, có thể là một "khuyển mã"!) có viết:
Ngụy Quân tử Võ Văn Ái: Hoàng Thượng Cỡi Truồng (web Chuyển Luân)
(**) Dân Chủ Pháp Trị, Nguyễn Hữu Liêm, Nhà xuất bản Biển Mới 1991, các đoạn trích dẫn: các trang 312, 347..
(***) “Áng” là một đám, một vũng… là một "mớ", một "đống", là cái thực hữu.. của con đường công danh, nên đã có câu dao trong dân gian:
“Tang bồng là cái nợ,
Đừng làm trai chỉ sợ áng công danh”

No comments: