Search This Blog

Monday, January 25, 2010

Tiếng hát của màu xanh

Tiếng hát của màu xanh

Nguyễn văn Hóa (Thường Đức)



Có tiếng chuông điện thoại reo. Tôi cầm ống nói lên và “a lô”, thì nghe giọng nói của một phụ nữ với âm thanh như thân thuộc từ thuở nào,

“Có phải H. đó không? Chị Hà đây!”

“Trời ơi, chị Hà. Chị đang ở đâu đó, mà chị qua Mỹ từ hồi nào, có bé Uyên đi theo không?”

Tiếng chị Hà thánh thót trả lời,

“Hai mẹ con chị mới qua. Gia đình bảo lãnh.”

Tôi vui mừng, tíu tít hỏi được vài câu và còn muốn hỏi thêm nhiều câu hỏi nữa thì chị ngắt lời một cách tự nhiên:

“Thôi, lắng tai để chị hát cho H. nghe.”

Tôi cụt hứng… trong vài giây im lắng thì giọng hát đầu kia vang lên,

“Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào. Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”

Bản nhạc ‘Lòng Mẹ’ của nhạc sĩ Y Vân qua giọng hát của chị Hà thật tuyệt. Giọng hát vẫn như ngày xưa theo từng tiếng rung thanh như được tẩm trái chanh giấy cắt mỏng ngâm với đường phèn. Đây là bản nhạc Si-bémol nhịp bốn với 10 câu mở đầu bằng những nốt nhạc đằm rất dễ hát, nhưng bước qua câu thứ hai, đổi tone lên cao vút… Tình mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt ngào… thì cần có một kỹ thuật chuyển tone thất khéo, nếu không nó sẽ “ré, rống” lên như giọng mấy cô ca sĩ cán bộ được đào tạo từ lò nhạc viện Trung Quốc. Thế mà kỹ thuật chuyển tone từ giọng hát chị Hà như tiếng con diều nhờ gió đưa cao vút lên tạo ra một thanh âm nhẹ nhàng, bất chợt, khó nhận ra sự chuyển biến thanh độ. Khác xa với tiếng “vút” của chiếc phi tiển bắn thẳng lên trời như mấy cô ca sĩ được đào tạo trong chùm xã hội chủ nghĩa quốc tế ngày nay.

Tay tôi cầm ống nói điện thoại và nghe một giọng hát văng vẳng quen thuộc từ chiếc ra dio hiệu Philips của chú Thọ từ thuở tôi còn nhỏ. Hình như giọng hát của chị Hà nổi danh từ thời của Lệ Thanh thì phải. Tôi không quan tâm tới điều “nổi danh” này lắm, và nói thành thật thì khi lớn lên tôi không “mê” giọng hát của chị Hà, chỉ vì nó không hợp với cái “gu” của tôi. Thế thôi. Tôi thích một giọng hát nhừa nhựa có chất ma túy của phòng trà và mùi rượu. Giọng hát của chị Hà là giọng hát của những cánh đồng xanh, của những giòng sông thơ mộng, hiền hòa. Bắt chước một cuốn phim Việt Nam nào đó, tôi gọi giọng hát của chị là giọng hát của màu xanh lá đu đủ. Màu xanh của lá chuối non, chứ không phải là màu xanh “blue” buồn bã. Đó là giọng hát của một xã hội thanh bình, của niềm tin yêu và hy vọng. “Làng tôi êm đềm soi bóng Hương Giang. Những đêm trăng sáng lung linh giòng sông. Có cô giặt ếm bên bờ dịu dàng. Vẳng tiếng khoan hò, dìu dặt lời nhạc ru….”

Sau này, ở hải ngoại, thi thoảng tôi có nghe chị Hà hát nhạc Phật Giáo, giọng hát chị vẫn hay, thanh, cao nhẹ, và tôi tự đặt thêm cho giọng hát của chị bằng một nhóm chữ trừu tượng khác, “giọng hát của Từ Bi”.

Lời chào của chị Hà gởi đến tôi –qua bản nhạc Lòng Mẹ, nhân ngày mẹ con chị đoàn tụ ở Mỹ với gia đình tính đến nay, đã gần một phần tư thế kỷ. Hôm ấy chị hát một lèo hết bản nhạc nhạc Lòng Mẹ, kể cả phần điệp khúc, hát xong chị nói thêm vài lời và chia tay. Cúp phôn. Tôi không có cơ hội để gặp gỡ một lần nữa, chỉ nghe được tin chị qua người khác. Nhưng, từ đó đến nay tôi vẫn cứ thắc mắc hoài, tại sao chị Hà chọn bản nhạc Lòng Mẹ hát cho tôi nghe mà không phải là bản nhạc khác? Lòng Mẹ? Ý chị muốn ngợi ca lòng mẹ của mẹ tôi, lòng mẹ của chị đối với cháu Uyên, hay là lòng mẹ Việt Nam? Tôi không trả lời được điều thắc mắc này; dù sao, với sự quen biết, đi lại giữa chị và gia đình tôi, cho phép tôi nêu ra điều thắc mắc cắc cớ này.

Đúng ra, tôi không quen biết chị Hà, vì lẽ thế hệ của chị lớn tuổi hơn tôi. Tôi cũng không hề quan tâm đến chị mang họ gì, chỉ biết tên hiệu ca sĩ của chị là Hà Thanh. Ở Sài Gòn, có lúc nghe người ta đồn ngày trước, chị là người yêu của nhạc sĩ có bản nhạc nổi tiếng “Đàn ơi, xa rồi” của Hoàng Nguyên Cao Tự Phúc. Và, hình như là ông Hoàng Nguyên CTP có tham gia vào phong trào tranh đấu Phật Giáo của một thời chính trị hoang tưởng của thế hệ trẻ ở Huế thì phải!.

*

* *

Chị Hà là bạn của người anh kế tôi (ông Nguyễn Tiến). Sau khi anh tôi đi học tập cải tạo chừng bốn năm thì được Cộng sản cho về. Tôi là em, nhưng lập gia đình trước, anh tôi còn độc thân. Trong thời gian học tập về, ông gia nhập vào Hội trí thức yêu nước (HTTYN), và đi làm cho Viện Khoa học Xã hội ở Sài Gòn. Tôi không biết chị Hà và anh tôi quen nhau từ hồi nào, nhưng vào thời gian này, chị hay đến nhà tôi chơi, và thỉnh thoảng, tôi còn thấy hai người đi hát chung ở Hội TTYN. Có lần tôi đi dự một buổi văn nghệ do Hội TTYN tổ chức, tôi được nghe anh tôi hát một vài bản nhạc, xong rồi ông ấy đàn cho chị Hà hát. Tôi nhớ hôm đó chị hát thật tuyệt. Tôi cố ý ngồi một mình ở một góc xa, thế mà chị nhìn thấy tôi từ lúc nào, khi hát xong, chị đi ra cửa nhìn tôi chào hỏi thật tử tế.

Dần dà, tôi và chị Hà cũng trở nên quen thân, trong tình chị em. Tôi vẫn thường cỡi xe Honda, có khi đạp xe đạp thăm hai mẹ con chị. Chồng chị bị đi học tập cải tạo ngoài Bắc, nghe nói ông ấy làm thứ trưởng quốc phòng 3 ngày trong chính phủ của ông Dương văn Minh, trước khi miền Nam mất vào tay người cộng sản miền Bắc. Không biết nhà cửa của gia đình chị có bị cộng sản tịch thu hay không, chỉ biết mấy lần tôi đến thăm chị, chính quyền Việt cộng cho hai mẹ con chị ở trong một căn phòng nhỏ vừa đủ để một cái gường lớn hai mẹ con nằm, góc trong có một cái cầu tiêu và một chỗ để đứng tắm. Trên tường ngay chỗ đầu nằm, đóng một miếng gỗ lớn để thờ Phật và thắp nhang. Ngay chỗ gường ngủ, để vài cái ghế nhựa để tiếp khách. Khu nhà chị Hà ở nằm trên đường Công Lý, nay đã đổi thành tên khác. Mỗi lần tôi đến thăm chị, thấy tình cảnh này, tôi rất cảm động. Có lần chị kể, tấm gỗ trên tường làm bàn thờ Phật nhỏ, đóng không kỹ sao đó nó rơi xuống gần đầu nằm nhỏ Uyên, súyt chút nữa bể đầu. Chị vừa kể vừa ứa nước mắt. Cháu Uyên lúc đó chừng 6, 7 tuổi, người nhỏ nhắn, da thật trắng, nét mặt khôi ngô, xinh xắn. Chị ở trong hoàn cảnh kinh tế không khá gì hơn bao nhiêu người khác sau ngày “giải phóng”, thế mà nhiều khi chị phải nhịn để có tiền mua cho con gái phó mát ăn với trái chuối để giữ gìn sức khỏe cho con mình. Đúng là, “Một lòng nuôi nấng vỗ về những ngày còn thơ. Một tình thương mến êm như tiếng đàn lời ca…”

Tôi vừa nghe được nguồn tin, giờ đây thì cháu Uyên đã lớn khôn, trưởng thành và thành đạt về đường học vấn ở Mỹ.

Thế hệ của cháu Uyên cũng ngang bằng với các cháu bé Tý và hai em trai sinh đôi “cu anh” và “cu Em” con của chị Phượng. Nhà chị cách nhà gia đình tôi chỉ một bức tường kép. Chị P. người Bắc di cư trong một gia đình nề nếp nho phong, có chồng ở ngành Không quân, vào thời gian biến động 30/4/75, ông một mình ra đi vội vã, để lại vợ con. Chị ấy sống trong cảnh cô đơn kín cổng cao tường, quyết một lòng nuôi con, chờ đợi đoàn tụ với chồng. Cu Anh và cu Em là hai bé trai kháu khỉnh, dễ thương… đôi khi được bà ngoại và mẹ cho hai nhỏ qua chơi với tôi. Có lần cu Anh thấy tôi bận cái quần xà lỏn có “cửa sổ”, hớ hênh sao đó, nó lấy tay chỉ rồi la lên “Ê, cậu H. lêu lêu mắc cỡ, mặc quần lòi chim ra ngoài.”, rồi cười ré lên thích thú. Mới đây, tôi đã nghe được tin mấy mẹ con chị P. cũng đã được đoàn tụ với gia đình nhiều năm trước, các cháu cũng đều trở nên những người thành đạt và giỏi giang.

Trong chuyến vượt biển của anh tôi, lẽ ra anh tôi đã hứa hẹn mang theo là hai mẹ con chị Hà, thế nhưng trong thời gian lên đường khẩn cấp, chị Hà bất ngờ trở về quê thăm gia đình, nên đành phải bỏ lại. Bù vào hai chỗ mà phía chủ ghe tổ chức vượt biển “cho”, anh tôi đem theo hai mẹ con của người chị tôi ra đi. Đứa con trai của người chị tôi, ngày nó ra đi học lớp 8, lớp 9 gì đó thôi, nhưng qua Mỹ chừng 8 năm sau cháu cũng là một người thành công và tài giỏi. Ngày còn làm học sinh ở quận Tân Bình, nó là học sinh “tiên tiến, cháu ngoan bác Hồ”. Tôi còn nhớ một kỷ niệm. Một buổi sáng sớm nhân kỷ niệm lễ chiến thắng 30/4 của cộng sản, cháu thức dậy sớm, mặc áo sơ mi trắng, quần xanh, cổ choàng khăn đỏ, tụ tập trước sân nhà tôi là khu vực của phường 4, quận Tân Bình, chuẩn bị đi diễn hành. Trên vai đeo một cái trống con, hai tay cầm đùi trống, đánh trống theo điệu nhạc quân hành… Cắc cùm cùm, cắc cùm… cắc cùm cùm, cắc cùm và cả bọn đồng ca,

Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng,

Lời bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng…


Thấy người trong nhà đứng trước hiên nhìn ra, nét mặt nó bẽn lẽn, e thẹn, nhưng tiếng trống vẫn cứ tiếp nối… cắc cùm cùm, cắc cùm…

Từ Huế trở về lại nhà tôi thăm, chị Hà biết tin anh tôi đã lên đường bình an và được tàu vớt sang Tây Đức, chị mừng, nhưng trong nét mặt không che dấu được nỗi buồn, thất vọng… Tôi không biết nói sao cho phải lẽ.

Thế rồi thi thoảng, tôi cũng đạp xe xuống thăm chị. Hai mẹ con chị vẫn thui thủi, cô đơn trong căn phòng nhỏ. Có lần, tôi gặp ông Bùi tường Huân đi học tập cải tạo trở về, đến thăm hai mẹ con chị. Trông ông ấy có phần ốm đi hơn ngày xưa, nhưng nét mặt vẫn còn tinh anh, sức khỏe tốt. Chị Hà từng kể cho nghe, gia đình vợ ông ấy đã được W. Colby đem đi cả tháng trước ngày 30/4/75! Tôi định trao đổi với ông nhiều chuyện, nhất là chuyện Phật Giáo, và chính quyền Dương văn Minh trong mấy ngày cuối cùng, nhưng thấy chị Hà ra dấu bằng ánh mắt “đừng”, nên tôi đành bỏ qua chuyện đó. Thế mà một thời gian ngắn, sau khi tôi ra đi, tôi nghe ông BTH đã chết trước khi được lên đường đoàn tụ với vợ con. Có nên nêu ra những khúc mắc nào trong cái chết này không? Liệu cộng sản có muốn xóa những liên hệ đến một quá khứ mà họ rất e ngại? Vẫn còn là một bí ẩn…

Có lần ngồi nói chuyện với đứa cháu con chị tôi, hiện là giám đốc bộ phận nghiên cứu và phát triển (research & development) của một công ty điện toán, tôi muốn ‘thử lòng’ nên nói với nó: “Bây giờ đã thành đạt rồi, thì mầy nên nghĩ đến việc làm một cái gì đó để về giúp nước!” Đang cười nói vui vẻ, bỗng dưng mặt nó như muốn nổi quạu, trả lời tôi, “thì cậu phải làm sao cho hết cộng sản đi, rồi con về giúp nước cho.” Nghe nó trả lời, tôi tiu ngỉu. Phải suy nghĩ thật kỹ mới hiểu được vì sao một đứa bé từng choàng khăn đỏ, có tiếng “cháu ngoan bác Hồ” mấy chục năm về trước mà giờ đây nó phát biểu được những lời như thế.

Hôm nay, vào những ngày đi vào mùa Xuân nắng ấm, tôi bỗng nhớ tới chị Hà và tiếng hát của màu xanh qua bản Lòng Mẹ chị đã hát tặng tôi vào một phần tư thế kỷ qua. Không phải chỉ giọng hát mà cả nội dung của bài ca cưu mang một lòng mẹ bao la, dạt dào. Đó là thứ lòng mẹ rất Việt, ngọt ngào, trái ngược với thứ ‘lòng mẹ tuyên truyền’, “Mẹ già cuốc đất trồng khoai. Nuôi con đánh giặc đêm ngày...” Không có “thứ” lòng mẹ nào lại chỉ muốn suốt đời ăn khoai sắn để lo cho con trai ngày đêm đi đánh giặc! Đó là thứ lòng mẹ “vô hậu”, không tương lai. Và những đứa con có hiếu để thì không thể để cho mẹ mình khốn khổ, thê lương, “áo rách sờn vai” hoài như thế mãi. Phải biết làm cho người mẹ hiu hắt trở thành một người mẹ thuần hậu, miệng nở nụ cười thỏa thuê với đàn con khôn lớn, nên người hữu dụng cho tương lai, để lòng vẫn hoài mong đàn con “quay về vui vầy dưới bóng mẹ yêu” một ngày đẹp trời nào đó.

Nghĩ về sự thành đạt của các người cháu, con chị Hà, các con chị Phượng, con chị tôi và con em của hàng ngàn, hàng vạn người mẹ khác nơi đất khách quê người… tôi bỗng nhớ đến các cháu thiếu nhi đang ở nơi quê nhà “buồn thiu” trong học đường với sự phân chia, kỳ thị chính trị -nửa tinh vi, nửa trần truồng, thô bạo. Các cháu hầu như không có những cơ hội may mắn nào để xuất ngoại, để có một tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Các cháu sẽ không còn mang những nỗi sợ hãi như một đám trẻ trong khu xóm nhà tôi, ngày tôi còn ở trong nước, chúng vẫn hay tụ năm, tụ ba, hát đùa chơi với nhau:

Đêm qua em mơ gặp bác Hồ,

Tóc bác rụng, râu bác trụi lơ.

Em kinh hãi run run… thưa bác,

Xin bác Hồ… hãy tha cho con

Xin bác Hồ… hãy tha cho con…


Người chết thì không thể “tha” cho ai được, nhưng chính người sống thì có thể mang lại cho thiếu nhi Việt Nam một tương lai tốt đẹp, được đối xử bình đẳng, được học tập bình đẳng, được nâng đỡ một cách công bằng, không phân chia giai cấp, quá khứ chính trị của cha mẹ chúng. Phải không, thưa các bác còn sống!

Nguyễn văn Hóa

Friday, March 16, 2007

No comments: