Search This Blog

Monday, January 25, 2010

Vài nhận xét sau khi đọc bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn

Vài nhận xét sau khi đọc bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn

Nguyễn Văn Hóa

Sáng ngày 3/11/09 mở email, tôi nhận điện thư của ông Trần Kiêm Đoàn với subject trên email “Re: Mô Phật”, có kèm theo bài viết. Chừng nửa tiếng sau, lại có thêm email của Do Chi (có lẽ là Đỗ hữu Chí, bạn của ông Đoàn) khen tặng vài dòng bài viết của tác giả Trần Kiêm Đoàn (xin phép tác giả cho tôi được viết tắt là TKĐ từ đây). Tôi chưa đọc bài viết của TKĐ vội. Theo thói quen mỗi sáng, tôi lượt một vòng các websites đã ‘bookmarked’ để tìm đọc một số bài viết mới, trong đó có talawas blog. Tôi thấy bài viết của TKĐ đã đăng, phần ‘comments’ có một số ý kiến hay, xác đáng.

Từ hơn một năm nay, tôi quyết định không đăng bài của tác giả TKĐ trên mạng lưới cá nhân Hội Tụ nữa, vì một lý do rất đơn giản tôi nhận xét nội dung không còn hợp với ‘nhãn quan’ của tôi. Tháng 5/2009, lúc còn ở Santa Ana, tôi đã có ý định shut down mạng lưới Hội Tụ luôn, nhân đóng tiền trể cho server hosting. Sau đó, nhà biên khảo Trần Đông Phong là người tôi từng mến mộ được gặp mặt trao đổi, giao tình lần đầu phôn hỏi lý do tại sao mạng HT bị xóa?. Anh ấy hỏi thẳng, nếu tôi có kẹt tiền anh sẽ đóng góp ủng hộ, vì thấy tiếc cho nội dung mà tôi đã bỏ công phu phổ biến. Tôi cảm ơn và từ chối lời ủng hộ, nhưng cảm động vì những lời chia xẻ đó. Thế là tôi tiếp tục đóng tiền hosting và cho website HT chạy trở lại, từ tháng 5 đến nay. HT là một mạng lưới cá nhân, nhưng có tên miền là giaodiem.us dễ gây ngộ nhận, nhưng lý do tại sao tôi vẫn cố duy trì tên miền đó thì rất nhiều độc giả, thân hữu từng theo dõi trong 3 năm qua (2006-09) đã biết rõ rồi. Cho nên, HT từ đó là một mạng lưới của cá nhân tôi, đóng góp cho vui thôi, hoàn toàn không thuộc nhóm chủ trương nào cả. Tôi tự tiện phổ biến những bài viết của ai tôi thích trên Net, nếu được phép xử dụng. Bài viết “Đôi điều với Liên Thành…” của tác giả TKĐ lần này là trường hợp ngoại lệ, vì tôi đã đọc trước trên talawas, nhận thấy nội dung có một số “vấn đề”, nên muốn link bài đó từ talawas mà không đăng bài do tác giả gởi đến.

Đọc xong “Đôi điều với Liên Thành về “Biến Động Miền Trung”, tôi có nhận xét là tác giả TKĐ muốn nhắm tới một công hai việc: muốn làm vai trò báo động cho cộng đồng cư dân Phật Giáo vùng Sacramento trước buổi ra mắt sách của ông Liên Thành sắp diễn ra, đồng thời kèm theo vài lời biện hộ vu vơ cho hai nhân vật lãnh đạo Phật Giáo (tranh đấu) uy tín một thời là hai Ngài Thích Đôn Hậu và Thích Trí Quang –mà có lẽ một thời gian dài TKĐ đã ấm ức về cuốn sách của Liên Thành, nhưng chưa có cơ hội hợp lý để nói (hoặc không dám nói?). Đó là một nhận xét “ức đoán”, song dù có đúng hay không nội dung bài viết để lộ ra nhiều “hạt sạn” khá to. Tôi xin được nhặt ra vài “hạt sạn” đó.

1. Tác giả TKĐ quá đặt năng vấn đề “danh tướng”

Đoạn văn thứ ba trong phần mở đầu TKĐ đã nhận xét BĐMT của Liên Thành (từ đây xin viết tắt là LT và BĐMT) đã tạo “nhiều dư luận xôn xao” là “bởi… tâm lý, khát vọng, lý luận hậu quả bi thảm của cuộc chiến Việt Nam….”, và “Sự phân định, xác quyết, chỉ danh điểm mặt hai tuyến nhân vật thiện-ác, chánh-tà….là một nhu cầu tình cảm, tâm lý và tri thức của cả một thế hệ đang lần bước đến tuổi già…” Nhận xét như vậy, hóa ra TKĐ đã vô tình xác nhận việc làm của LT là cần thiết và quan trọng đấy chứ! Hơn nữa, công việc ấy và tác dụng của nó đâu phải chỉ dành cho những người “bước đến tuổi già” như LT hay TKĐ, còn để lại cho thế hệ hậu sinh nữa, và càng quan trọng hơn, nếu mỗi đóng góp lịch sử làm cho sáng tỏ thêm giữa thiện-ác, chánh-tà… soi rọi sự chiến thắng của chế độ Cộng sản hiện nay có xứng đáng để nó tồn tại hay không, vô hình trung là đóng góp, chuyển ngọn lửa chính nghĩa về cho đồng bào, trí thức đang đấu tranh cho dân chủ, tự do tôn giáo… trong nước là công việc –tôi xin mượn ý của Phật để gọi đó là hành vi Bồ tát vậy.

Làm sáng tỏ hơn một phần lịch sử của “BĐMT” trong thời kỳ 1966 ở miền Nam VN, còn đóng góp thêm vào việc giải tõa những uất ức của những người Phật tử mộ đạo mà cứ bị gán ghép là Cộng sản, thân Cộng; làm sáng danh cho những phần tử Phật Giáo tranh đấu từ chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm xuất phát từ lý do đơn thuần chống lại sự “kỳ thị, phân biệt đối xử” của nhà cầm quyền với Phật Giáo mà thôi, hoàn toàn không dính líu gì tới Cộng sản, hay ‘sách lược thống nhất đất nước’ nhưng có lợi cho Cộng sản miền Bắc cả. Tôi chưa có dịp đọc hết toàn bộ cuốn sách BĐMT trên Net, nên chưa dám có ý kiến gì về trọng lượng, sự chân xác của nó; nhưng giả như có những tác giả nhận xét về cuốn sách ấy không thích đáng chỉ làm cho gia tăng trọng lượng cuốn sách, lúc ấy sẽ khó phủ nhận tính chính nghĩa của BĐMT, và công việc “biện hộ, gỡ tội” cho một số nhân vật lãnh đạo Phật Giáo tranh đấu trong quá khứ trở nên vô nghĩa.

Từ suy nghĩ đó, khi tôi đọc thấy hàng chữ “Tập sách BĐMT… và những bài viết của LT về một số nhân vật thành danh xứ Huế đã tạo nhiều dư luận xôn xao…” thì tôi đã bắt đầu cảnh giác về tinh thần lệch lạc của TKĐ. Như đã có biện giải ở trên, viết về giai đoạn lịch sử -chưa quá xa mờ, khi một số nhân chứng, tác nhân vẫn còn hiện hữu đó đây, mà hành động lịch sử của họ đã tạo ra một hiện trạng nghiệt ngã (đưa tới hậu quả chế độ cầm quyền hiện tại) thì không có một phạm trù giới hạn, không một nhân vật nào (đời thường hay tu hành) có thể được miễn trừ. TKĐ dùng nhóm chữ “một số nhân vật thành danh xứ Huế” gây cho tôi ấn tượng –đó là điều cấm kỵ mà LT đã vi phạm, nên mới gây dư luận “xôn xao”. Đó là tâm lý trọng “danh tướng”, và có thể vì tâm lý đó, nên TKĐ mới dùng một số nhóm từ khác để mỉa mai LT như : “thuộc dòng dõi quý tộc triều Nguyễn”, “người Hoàng phái” như LT lại đi nói điều phách tấu?!”, “người Hoàng phái danh gia đệ tử” ; chê LT có chức vụ chưa xứng đáng để viết hồi ký : “viên cảnh sát trưởng địa phương”, “một ông trưởng ty tỉnh lẻ”, “một trưởng ty cảnh sát nhỏ bé”, “nhân viên cấp tỉnh”, “một viên thiếu tá địa phương” và vân vân…
Tôi thiết nghĩ, với tư cách một nhà văn đã “thành danh” như TKĐ thì không nên để vấp phải khuyết điểm này, khi viết.

2. Tính khoa ngôn của tác giả TKĐ

Tác giả TKĐ đã dùng các nhóm từ sau để phê phán nội dung của BĐMT: “đại ngôn thái quá”, “phách tấu” (nói theo kiểu Huế có nghĩa là nói dóc, nói “phẹt”…) Ở một đoạn văn khác ( in ra khổ giấy 8x11, trang 9/11), TKĐ khinh rẻ trình độ “học vấn” (?) của LT, nên chi LT “Hoặc vì không đầu tư học hỏi nghiêm túc, không chịu tham khảo tới nơi tới chốn; hoặc vì một động cơ khó hiểu hay dễ dãi nào khác đã khiến Liên Thành đang đứng ở ngã tư thế giới nhưng vẫn tưởng như còn đang đứng ở Ngã Ba Bánh Bèo xứ Huế “mô rứa răng ri, thích chi noái nấy” qua 400 trang của BĐMT !...” Qua đoạn văn này, tôi nghĩ TKĐ đã không những bộc lộ sự khinh mạn kẻ “đối tác” nặng nề mà còn chứng tỏ ông “mục hạ vô nhân”. Có thể vì ông tự-kỷ-ám-thị rằng mình là một “tiến sĩ tâm lý học”–một “giáo sư đại học” !? * ( Tôi có nghe thấp thoảng ông có bằng cấp tiến sĩ!) và một nhà văn “thành danh” mà phải hạ mình viết một bài phê phán cuốn sách LT là việc chẳng đặng đừng, không xứng đáng chút nào cả, nên chi phải “phang”, dạy dỗ LT bằng những câu văn như thế mới là thích đáng!? Tôi sợ rằng, độc giả cũng rất tinh ý nhận ra những chỗ phô trương đầy sai lầm của ông. Tôi thí dụ trong đoạn văn sau đây:

“Trong một tiến trình truy tìm bằng chứng, phân tích, lý giải để tìm câu trả lời cho một vấn đề, nếu chỉ đứng về mặt phương pháp luận thì Đông–Tây rất khác nhau. Người phương Tây thiên về lý, phương Đông ta thiên về tình; phương Tây thường lý luận và chứng minh bằng dữ kiện khách quan độc lập, phương Đông ta thường suy diễn bằng cảm nhận và kinh nghiệm chủ quan tập thể. Xác định điều này để nói lên sự dè dặt và cẩn trọng cần thiết về tính khả tín – mức độ đáng tin cậy – khi đọc và tìm hiểu một bản tin thời sự hay một tác phẩm liên quan đến tình hình thời cuộc như Liên Thành và BĐMT.”

Tôi cho rằng đoạn văn trên có vài điểm không chính xác. Thứ nhất, khi nói về phương-pháp-luận (methodology) thì không thể đơn giản quy kết “phương Tây thiên về lý”, “phương Đông thiên về tình”. Bởi, phương-pháp-luận mang tính hệ thống, quy tắc, kỹ thuật, lôgic trong đó, ta tạm gọi là tính khoa học. Phương pháp luận của Đông phương dù có điểm khác biệt với Tây phương –nhưng không phải là “phương pháp luận thiên về tình”. Nói trống rỗng như vậy dễ làm cho độc giả hiểu lầm là người viết có kiến thức thô thiển về triết học Đông phương (bởi phương-pháp-luận là một phạm trù của triết học), không nắm vững về triết học Ấn Độ, triết học Trung Hoa qua các trường phái triết học luận gia, pháp gia, biện chứng pháp v.v.. Và, tại sao lại nói “Đông phương ta”? Chữ “ta” là để chỉ về cái chung về chủng tộc hay văn hóa? Chủng tộc đã sai mà chỉ định về văn hóa cũng sai luôn. Người ta nói Trung Hoa và Việt Nam mang tính “đồng văn”, đó là cách nói cường điệu dựa trên yếu tố ngôn ngữ là chữ Nôm có gốc từ chữ Hán; thứ đến là một số phong tục tập quán từ 1000 năm lệ thuộc dù VN bị ảnh hưởng Tàu, nhưng qua thời gian dân tộc ta đã phủ nhận triệt để -từ cách ăn cách mặc cho đến tín ngưỡng, giọng nói, chữ viết. Đó là chưa nói đến văn hóa Việt Nam có một nội dung đủ để “đối chọi” với văn hóa Trung Hoa. Nói “Đông phương ta” bộc lộ một sự thiếu sót về lãnh vực nghiên cứu nào đó của TKĐ. Điểm khác, TKĐ cho rằng “phương Tây thường lý luận và chứng minh bằng dữ kiện khách quan độc lập, phương Đông ta thường suy diễn bằng cảm nhận và kinh nghiệm chủ quan tập thể” cũng thiếu chính xác, tối nghĩa. Trước hết, nên phân biệt “dữ kiện” (data) trong khoa học thường nghiệm khác với dữ kiện thuộc về nhân văn, xã hội, đồng thời cũng nên biết phân biệt giữa hai từ nghĩa sự kiện (facts) và dữ kiện. Hai, chứng minh và lý luận là hai yếu tố ắt có và đủ, trước khi đi tới kết luận. Lý luận mà không chứng minh, dễ trở thành lý sự; ngược lại có chứng minh mà thiếu lý luận thì đánh mất khả năng hệ thống hóa và không thuyết phục. Để chứng minh và lý luận, có khi người ta phải biết tổng hợp, phân tích các sự kiện. Các dữ kiện và sự kiện có khi cần phải nối kết và dựa lưng vào nhau mới tìm thấy một kết luận tốt nhất; chứ không phải phương Tây là… “dữ kiện khách quan độc lập”. Thế nào là “kinh nghiệm chủ quan tập thể” ? Kinh nghiệm là một yếu tố chủ quan, đã hẳn. Nhưng, chủ quan là đối tượng của cá thể -không thể nói là “chủ quan tập thể”. Đó là cách ghép danh từ thiếu chính xác. Thí dụ tôi nói: các kinh nghiệm chủ quan cá thể bỏ vào “bồn trí tuệ” (từ của TKĐ dịch “Think Tank”!) sẽ trở thành một kinh nghiệm chủ quan tập thể thì có thể chấp nhận được; bởi từ đó các cá thể sẽ bị hòa tan để trở thành một kinh nghiệm chủ quan duy nhất, đồng nhất thể. Điều này chỉ có thể xảy ra trong “bồn trí tuệ” của Đảng Cộng sản thôi, xin tác giả chớ nhầm lẫn với tinh thần “Đông phương ta”.
Tôi nhận thấy rằng tác giả TKĐ đi quá xa trong tinh thần “khoa ngôn” khi ông phô bày về kiến thức, khả năng, kinh nghiệm về lãnh vực tình báo. Và tôi nghi ngờ kiến thức, kinh nghiệm của tác giả.

Để phô bày kiến thức, tác giả cho biết đã đọc được: “Of Spies and Lies” của John F. Sullivan. Tuy nhiên, trong 12 dòng TKĐ viết về cuốn sách tôi không thấy ông nêu được giá trị thật sự của tác phẩm tình báo này là cái gì?. Tôi sợ một số độc giả “mọt sách”, có nghiên cứu về tình báo sẽ cho là TKĐ “khoác lác” liệt kê sách ra để hù LT. Thành thật, tôi chưa đọc cuốn sách này, nhưng có tò mò vào Net để tìm hiểu các bài “reviews” của độc giả, tôi nhận ra cả tác giả lẫn cuốn sách tình báo thuộc loại ‘xoàng’.

Cuốn thứ hai TKĐ nêu ra là của James J. Wirtz: The Tet Offensive: Intelligence failure in War mà TKĐ cho là một ‘tác giả chuyên nghiệp tình báo’. Tác giả TKĐ nhận xét về cuốn sách được 3 dòng : “tình báo Mỹ đã biết trước cuộc tổng công kích này từ tháng 11 năm 1967, nhưng chưa xác định được ngày giờ đích xác. Sự thất bại của tình báo Mỹ bắt nguồn từ sự thất bại của tình báo Việt Nam, mặc dầu đã biết trước sự cố từ hơn 3 tháng trước.” Nhận xét như vậy, một lần nữa tự tố cáo tác giả có thể chưa đọc gì hết cuốn sách này. Sự “thất bại về tình báo” trong trận Mậu Thân 1968 dẫm vào nhiều vấn đề tế nhị hơn nhiều. Thí dụ: tướng Fred Weyan đã có sẵn kế hoạch tiêu diệt toàn bộ cán binh cộng sản, nhưng có vài mâu thuẫn và do dự giữa hành động quân sự và chính trị giữa các tướng chỉ huy quân đội Mỹ như Westmoreland và chủ nhân của Tòa Bạch Ốc là Johnson. Riêng ở Huế, có thể tình trạng khác hơn vì đa số dân Huế đều tôn quý sự cúng bái tổ tiên vào đêm lễ Giao Thừa, từ đơn vị về nhà với gia đình quá gần, vì du di tình cảm với nhau nên cấp chỉ huy đã để cho hơn nửa quân số về ăn Tết với gia đình. Một lý do khác các vị chỉ huy ở Huế dù đã nhận biết tin tình báo Việt Cộng ‘tấn công’, nhưng vì tinh thần văn hóa của người Việt không tin Cộng Sản có thể nào mà muốn giết nhau trong đêm Giao thừa thiêng liêng của dân tộc!. Có thể cho đó là sự thất bại của tình báo về kế hoạch chống trả, phản công; nhưng sự thất bại ấy không phải là “sự thất bại của tình báo Mỹ bắt nguồn từ sự thất bại của tình báo VN…” Đổ tội như vậy là đỗ tội oan cho khả năng của “tình báo VN”, không nắm vững tổ chức và kỹ năng của tình báo Mỹ. Thật tế cả hai phía tình báo đều biết trước, nhưng ở Huế lại chịu hậu quả thê thảm nhất, đau thương tột cùng. Có lẽ đó là “quả báo” mà người dân Huế phải trả nợ cho những oan cừu. Dù sao với sự thiệt hại về khổng lồ về nhân mạng, nhất là lực lượng Mặt Trận GPMN… cũng là bài học cho muôn kiếp sau vậy. Theo tôi, có vài cuốn sách của hai tác giả Việt là Nguyễn Kỳ Phong và Vũ Ngự Chiêu viết về Tết Mậu Thân cũng đủ giá trị để hiểu thực hư của vấn đề tình báo trong giai đoạn đó ra sao. Nhưng nếu muốn tìm hiểu cho ra ngọn ngành về tình báo Mậu Thân của Mỹ và VNCH thắng hay bại, tại sao thắng, tại sao bại, tại sao có người gọi là thắng về quân sự, nhưng bại về chính trị? Vả lại, tại sao bây giờ ta có thể nói Cộng sản thắng tạm thời nhưng phải chịu bại cả trăm năm sau? Muốn hiểu thì nên nghiên cứu về hệ thống tổ chức tình báo Mỹ, không chỉ riêng có CIA (phải nắm từ Directorate.. cho đến từng chief of station, case officer) mà còn cả 14 cơ quan tình báo khác nhau (kể luôn cả cơ quan FBI); phải biết phân biệt giữa 14 cơ quan này với 6 tổ chức tình báo riêng của tổng thống như: PFIAB, IOB, NSC, SIG, Igs,… Không ai có thể dám tự hào mình biết rõ về tổ chức tình báo khổng lồ đó, và do đó nên tránh việc “dạy dỗ” hay chê bai người khác về tình báo. Đó là một sai lầm ấu trĩ.

-Về kinh nghiệm tình báo của tác giả: TKĐ kể lể qua gia thế ông cũng có hai người anh: Một là chỉ huy trưởng Biệt Kích Dù “….gắn liền số phận sinh tử với mấy tổ nhảy toán tình báo vào đất địch.” Người thứ hai làm ở phòng An ninh Không đoàn 41 (theo chỗ tôi biết, có lẽ đây là không đoàn trinh sát L-19 ở phi trường Đà Nẵng?); người anh thứ nhất đã tử nạn rồi (đọc đến đây, tôi xin được chia xẻ nỗi buồn ngày trước của ông Đoàn!). Tuy kể ra vậy, nhưng tôi không thấy hai “dữ kiện” này liên quan chi tới kinh nghiệm cá nhân về tình báo của TKĐ cả? Trong văn chương biện luận, tôi nghĩ đây là điều thừa thải, không nên có.

Kinh nghiệm đáng nói là TKĐ đã từng hợp tác làm việc cho Peter Downs nào đó bằng công việc “dịch nhi bất tác” các hồ sơ ‘classified’ (không hiểu vì sao tác giả lại xổ Nho ở đây? –cứ viết thẳng là dịch hồ sơ mật có vẻ ngon lành hơn không?)– Peter, nguyên là giám đốc cơ quan xã hội Tinh Lành VN (VNCS). Đó là chuyện đáng nghe trong lãnh vực tình báo, dù nội dung của nó chẳng liên quan cho tới cuốn sách của LT cả. Tình báo là lãnh vực bí mật, ai cũng biết. Người phục vụ cho tình báo có thể bất cứ thành phần nào trong xã hội: một nhà báo, một giáo sư, một người dịch hồ sơ cho Tin Lành (như TKĐ), một anh đạp xích lô, một quân nhân (như LT) vậy thì tại sao TKĐ trong nhiều dòng chữ lại cố tình hạ thấp, khinh thị ông LT chưa đủ trình độ để làm…tình báo? Thú thật, tôi không thể tìm ra tông tích của Peter Downs cũng như tổ chức tôn giáo có tên ‘Vietnamese Christian Social Services’ ở miền Trung trước 1975 là ai. Nếu được, mong nhận được lời giải thích thêm của tác giả hay các độc giả khác có biết đến. Xin cám ơn trước. Dầu sao, tôi không tin nếu chính quyền CS ở Huế đã biết ông TKĐ từng hợp tác làm việc cho một tổ chức tình báo trá hình tôn giáo mà chỉ bị cho “nghỉ dạy học, đi đạp xích lô” thôi sao? Một chính quyền gồm những kẻ mà TK Đ gọi là: “một thiểu số thành phần xuất thân giữ trâu, giữ bò vô học trở thành người chiến thắng” lại đối xử với ông TKĐ ‘dễ chịu’ đến thế khi đã biết ông làm công việc “dịch nhi bất tác” cho một tổ chức tình báo?

Vắn tắt, tôi nhận thấy kiến thức, kinh nghiệm về tình báo của TKĐ còn quá mờ nhạt mà đã lên giọng thầy đời với LT, là một điều nên tránh.

Còn rất nhiều hạt sạn khác nữa trong bài viết của TKĐ, nhưng tôi chỉ chọn một số hạt sạn tiêu biểu nhất thôi. Có lẽ tôi hiểu được nỗi lòng của một ‘cựu huynh trưởng gia đình Phật tử’ (như TKĐ) chẳng đặng đừng mà phải lên tiếng “muộn màng”. Cái “muộn” của LT khi viết hồi ký (hay “hồi ức..”) có lý riêng của nó, cũng như bài lên tiếng “muộn” của TKĐ cũng có cái ‘lẽ’ riêng. Khi ông TKĐ đã rào đón rằng, “Trong giới hạn của một bài viết ngắn dưới hình thức “đôi điều góp ý”, thay cho lời chào hỏi xã giao khách phương xa đến viếng vùng mình, người viết không có tham vọng và có lý do đứng ở một vị trí nào đó để làm công việc biện minh không cần thiết và phán xét chưa đủ căn cứ cho các nhân vật và hoàn cảnh đã được nêu lên trong BĐMT..” thì ở phần cuối (trang in 10/11) một lần nữa tác giả lập lại, “Đây chưa phải là bài điểm sách và cũng chẳng phải là bài phản hồi nghiêm túc tương xứng với vấn đề đặt ra mà chỉ là đôi điều góp ý.” Thế mà TKĐ lại quên khuấy chuyện “đôi điều góp ý” thì chừng 2 trang giấy là đủ rồi… lại dài hơi, vòng vo tam quốc làm cho bài “phản biện” của mình vấp phải quá nhiều khuyết điểm, “thậm chí” có thể nói là một bài viết tiêu cực, phản cảm. Có chỗ có thể gây phiền lòng cho một số người “đàn ông Huế” khi TKĐ cho rằng, “Huế nghèo nhưng thanh bạch. Thanh bạch trong cách sống và trong lời nói. Người bốn phương yêu Huế vì cái phong cách Huế mà đặc biệt là sự tao nhã, tính văn hóa và dáng vẻ khiêm cung trong ngôn ngữ.”; đó là cách tâng bốc đặc tính địa phương, nhưng lại là mệnh đề dùng sai chữ. Người ta nói, “thanh bạch trong cung cách sống; thanh nhã (hoặc thanh tao) trong lời nói”, không ai lại nói “thanh bạch trong cách sống và trong lời nói” làm độc giả dễ hiểu nhầm tác giả ‘chơi chữ’ -vì “giận” LT mà chơi “đàn ông Huế” (trong đó có tôi) là ăn nói vô duyên òm, nói lãng nhách, nói trống rỗng… sao!? Hơn thế, nhiều đoạn văn khác TKĐ lại vi phạm sự tao nhã, tính văn hóa, vẻ khiêm cung… với ông LT mất rồi. Trong cái tính văn hóa ấy, tôi tin ông TKĐ còn cưu mang tinh thần muốn “đánh” nhưng không muốn làm mất lòng ai, nên vừa đánh vừa vuốt. Tôi thí dụ, đoạn văn “tìm hiểu phản ứng của một số người… thì được biết thái độ của họ đã thể hiện trong nhiều cách thế khác nhau:…… Những người cho Liên Thành là dối trá thì phản ứng lạnh nhạt. Họ cho rằng đây chẳng qua là một cuộc đánh trống khua chiêng của Liên Thành tự quảng cáo mình một cách dễ dãi phù hợp với bản chất cố hữu của ông từ trước tới nay với sự hỗ trợ mạnh mẽ của nhóm “Phù Ngô phục hận” đầy bản lĩnh đang đứng ở hậu trường (?!)” (trang in 2/11), nhưng ở trang 9/11 TKĐ viết : “Trước khi phong trào tranh đấu Phật giáo phát khởi tại Huế thì Mỹ đã quyết định thay chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm vì tâm huyết sâu sắc, lòng yêu nước đậm cốt cách liêm khiết Nho phong và cách dùng người nhân hậu của Cụ đã bị nịnh thần và phản thần chuyên quyền lợi dụng. Nhất là ở miền Trung, tham vọng quyền lực và vật chất của thế lực gian thần ngày càng tác oai tác quái đã làm mờ đi chính nghĩa của cụ Ngô. Niềm tin khô cạn, nhân tâm lý tán….” (**) Nội dung này hàm ý một kiến thức lịch sử hời hợt của TKĐ, nhưng nói lên được nỗi lòng kính mến người quá cố là Tổng thống Diệm. Điều ấy thì độc giả có thể chấp nhận và tôn trọng được, nhưng nếu đã nói như vậy đâu có thể trách cứ nhóm “Phù Ngô phục hận” “đứng đàng sau LT” được, vì họ có chánh nghĩa; và đâu cần phải trách cứ LT làm gì, vì LT chỉ là ‘con cờ’, là ‘nạn nhân’ thôi, có phải không!?

Trong lúc viết sắp xong bài này, tôi đã đọc hết 22 ý kiến tham luận của độc giả về bài viết của TKĐ trên talawas. Tôi muốn ngưng bài viết ngang đây, để tránh sự ôm đồm và dài dòng. Trước khi ngưng, tôi xin được bày tỏ vài lời về thái độ của tôi đối với hai nhân vật lãnh đạo Phật Giáo miền Trung: Ngài Thích Đôn Hậu (đã qua đời) và Thích Trí Quang. Đối với tôi, Ngài Đôn Hậu là đã rõ ràng là ngài đã chấp nhận và hợp tác với chế độ Cộng sản “thắng trận”, khi ngài đã tham gia vào Quốc hội CS, và vân vân... Không còn gì để bàn cãi nữa; dù cho trong quá khứ ngài là một nạn nhân bị cường quyền “cưỡng ép”. Riêng ngài Thích Trí Quang, (xét từ tâm lý của tôi), tôi tin ngài có cảm tình với Cộng sản –từ khi người CS có gắn bó lịch sử với tinh thần yêu nước, nhưng có thể ngài không bao giờ thích hợp với chủ nghĩa cộng sản. Trong quá khứ, nhất là giai đoạn 1966, Thích Trí Quang đã vi phạm nhiều sai lầm, quá khích, đi quá đà trong chiến thuật đấu tranh của một tôn giáo từ bi, hỷ xã, vượt quá khỏi giới hạn của một lãnh tụ tôn giáo không hề màng tới danh lợi, quyền hành thế tục. Nhưng, tôi không tin ngài Thích Trí Quang là một cán bộ cộng sản (hay nói cách khác là một đảng viên đã từng tuyên thệ gia nhập đảng CS). Có nhiều người (dù trong giới biên khảo lịch sử) cũng có khuyết điểm là không nắm vững tường tận về kỹ thuật móc nối người, tuyển chọn, thử thách, bồi dưỡng, và “nghi thức” để trở thành một đảng viên cộng sản mà đã vội quy kết kẻ khác là đảng viên Cộng sản. Do đó, tôi có quyền nghĩ những xuất xứ nói thầy Trí Quang cộng sản chỉ là điều vu chụp, không đúng. Giữa năm 2004, qua sự giới thiệu và hướng dẫn của giáo sư Thái Kim Lan, tôi có vinh dự được diện kiến với thầy Trí Quang tại phòng riêng của Thầy tại Chùa Già Lam trong gần 3 giờ. Tôi gọi là “vinh dự” cũng phải thôi, vì nếu không có gs Thái Kim Lan thì tôi có đáng gì đâu mà được thầy tiếp chuyện. Khi trở về Mỹ, tôi không bao giờ viết về nội dung của cuộc nói chuyện đó, chỉ vì nghĩ tôi chưa đủ tư cách để viết. Người có đủ tư cách viết là gs Thái Kim Lan, vì chị ấy vừa là đệ tử, vừa là người thân cận thầy suốt một chiều dài lịch sử. Nhân đây, tôi chỉ xin được phép thầy cho tôi tiết lộ một ý kiến ngắn ngủi của thầy khi chúng tôi có đề cập đến các hiện tượng xã hội sa đọa hiện thời. Thầy nói, “một chế độ mà để cho thanh thiếu niên nam nữ trong xã hội sa đọa, trụy lạc như vậy thì đâu có được…” Tôi mang theo âm thanh của lời nói đó trong suốt mấy năm qua, không phai nhạt. Từ đó, tôi hiểu được tâm trạng của một bậc lão sư tuổi già sức yếu như thế nào. Mong rằng những người viết sử, chính trị - dù ghét phong trào đấu tranh Phật Giáo xuất phát từ tháng 5/1963 dưới chế độ của Tổng thống Diệm kéo dài liên tục nhiều năm sau đó, nên cân nhắc lợi và hại của việc vu chụp thiếu căn cứ một số vị lãnh đạo Phật Giáo ngày trước là cộng sản. Từ tâm tư thầm kín của thầy Trí Quang, đến những chuyển biến tinh thần của cá nhân tôi qua nhận thức thực tế xã hội và con người cộng sản hiện nay, tôi nghĩ rằng hành động bênh vực chế độ hiện nay là một điều sai trái. Đó là một chế độ bất lực, đang tự hoại, cho nên đất nước cần có một chế độ dân chủ, có hiến pháp mới, phổ thông đầu phiếu để chọn người tài đức lãnh đạo; một xã hội trong đó người dân phải được bảo vệ với những quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, phải có tiếng nói chính trị đối lập. Nếu giả như người dân chọn nhầm người lãnh đạo, dân chúng vẫn có đủ thời gian và cơ hội để chọn lại theo luật định.
Để kết luận tôi nghĩ rằng, cuốn sách của ông Liên Thành có thể có nhiều sai lầm, nhưng cần thiết. Nếu có sai lầm chúng ta sẵn sằng vạch ra những sai lầm đó cho công luận thấy, nếu có điều đúng chúng ta phải nhìn nhận, để từ đó chúng ta có thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Nguyễn văn hóa
Thursday, November 05, 2009

(Các chữ đánh đậm trong bài là để nhấn mạnh của người viết)

(*) dạy đại học, nhưng tôi không biết TKĐ dạy về môn gì? Tiếng Việt? [qua kế hoạch soạn thảo của ông ĐHT đón Nguyễn Đắc Xuân đến California, có mục TKĐ đón chào NĐX và mời NĐX đến nói chuyện ở trường Đại học Cộng đồng River-Consumes Community College. Tôi có một thời gian ở Sacramento, nên cũng biết khá rõ các địa danh của vùng này! -ghi thêm cho rõ ý, ngày October 06, 2009. Xin cáo lỗi.
(**) Xin độc giả lưu ý, đoạn văn từ "Tìm hiểu phản ứng... đến...không đáng nói mà thôi." thiếu chủ từ, hoặc có thể hiểu là tác giả xử dụng 'chủ từ ngầm' (ai tìm hiểu?) -thêm sáng ngày 06 October, 2009.

No comments: