Search This Blog

Monday, January 25, 2010

…Để tưởng niệm nhà biên khảo Trần Đông Phong

PHÂN ƯU
Được tin nhà biên khảo TRẦN ĐÔNG PHONG (tức giáo sư Trần Đức Thắng) vừa đột ngột từ giã thế gian vào lúc 6:30 PM ngày 24/12/2009 tại Orange County, California vì trọng bệnh.
Chúng tôi thành kính chia buồn với Bà quả phụ Ngọc Minh và Tang quyến.
Cầu xin hương linh anh Trần Đông Phong sớm tiêu diêu nơi tiên cảnh.
__________________________________________________________

Nguyễn Văn Hóa & mạng lưới Hội Tụ

Trao đổi với nhà biên khảo Trần đông Phong
posted: 27.3.2007 | lần thứ 2 ngày 11/7/09

Nguyễn văn Hóa

Giữa trung tuần tháng 3, nhà biên khảo Trần đông Phong có điện thư liên lạc với tôi, đề cập đến vài vấn đề lịch sử, đồng thời nhờ tôi một việc là minh xác một chi tiết nhỏ liên quan đến cuốn sách “Đi Tìm Dấu Tích Thời Niên Thiếu của Bác Hồ ở Huế” của tác giả Nguyễn đắc Xuân có đề cập đến cụ Bùi quang Chiêu, (tôi có viết một bài giới thiệu về cuốn sách nầy, đăng trên website giaodiem.com năm 2005.)

Được biết, ông Trần đông Phong ngoài tác giả cuốn “Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng”, (Nam Việt xuất bản năm 2006); ông còn là tác giả một số bài viết, nói chuyện, trả lời phỏng vấn do mạng lưới vietnamexodus của Tường Thắng thực hiện. Tôi có theo dõi mạng lưới vietnamexodus trong vòng hơn 2 năm trở lại, nên nắm được nội dung, tinh thần làm việc của một số tác giả xuất hiện trên mạng lưới này. Trần đông Phong là một trong số tác giả mà tôi “thích” qua cung cách trình bày vấn đề, nội dung đề tài lịch sử nêu ra, đặc biệt ở các giai đoạn trước 1945, phong trào Thanh niên Tiền phong, Mặt trận Việt Minh, Cộng sản Đệ tứ, cố Chủ tịch Hồ chí Minh, cố Tổng thống Ngô đình Diệm và một số nhân vật yêu nước đứng ở vị thế “độc lập”, trong đó có cố Kỹ sư Bùi quang Chiêu.

Trong hai bài trình bày một số dữ kiện lịch sử (oral history) về nhân vật Bùi quang Chiêu có liên quan đến Hồ chí Minh, do Tường Thắng phỏng vấn nhà biên khảo Trần Đông Phong đã đăng trên mạng lưới vietnamexodus.com.

Bây giờ, tôi xin trích đoạn hai lá thư nói trên.

Thư thứ nhất (giữa tháng 3/2007):

Thưa anh H.,
“………………………………………………
“Sau năm 1975, hơn 25 năm tôi không hề cầm bút, không hề viết một câu nào trên báo chí ở hải ngoại vì tôi nghĩ rằng thế hệ chúng ta bất tài, thế hệ chúng ta có tội đối với các thế hệ trẻ vì chúng ta đã không hoàn thành được nhiệm vụ bảo tồn và xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con em chúng ta… Tôi nghĩ rằng đó là một mối nhục, nhục không phải vì thua trận mà nhục vì đã không làm tròn nhiệm vụ mà các bậc tiền nhân đã kỳ vọng ở thế hệ chúng ta, những người đã nhận được sự giáo dục đầy đủ do các thế hệ trước xây dựng nên cho chúng ta. Do đó, trong bao năm qua tôi đành câm lặng.

Cách đây mấy năm, một người bạn của tôi, một nhà văn, một nhà báo lão thành đã từng bị Việt Minh bắt giam năm 1945 ở Hà Nội, đã từng bị ở tù thời Ngô đình Diệm, đã từng bị Việt Cộng bỏ tù ở Chí Hòa gần 20 năm, từ trần tại Washington DC. Vì bị bệnh ung thư mắc phải trong những tháng tù đày. Trước khi mất, anh ấy bắt tôi hứa là phải viết lại những điều cần nói cho thế hệ sau trước khi không còn nói được nữa.
Tôi miễn cưỡng phải nhận lời người bạn cũng như là người thầy của tôi dù rằng sự hiểu biết của tôi chỉ không bằng một phần mười của ông ta. Tuy nhiên trong thâm tâm, khi viết trở lại, tôi tâm nguyện rằng sẽ viết những điều gần sự thật để các thế hệ sau nhờ đó mà tìm kiếm, sưu tầm thêm nữa để tìm cho ra Sự Thật.
Và gần đây một số bài viết của tôi xuất hiện, trong đó có cuốn sách xuất bản hồi năm 2006
.” (ngưng trích)

--Và, trích đoạn khác của điện thư thứ hai:

Anh H. thân mến,
“…………………………….
“Luật sư Dương văn Giáo mà tôi có đề cập đến trong bài nói về ông Bùi quang Chiêu, được người Nhật trao cho một số tài liệu của Mật Thám Pháp (Sécurité Féderal) sau ngày 9 tháng 3 năm 1975 trong đó có chuyện Trần văn Giàu của Cộng sản cộng tác với Mật thám Pháp. Ông Giáo một phần là người trí thức, một phần ông nghĩ rằng Cộng sản cũng là người yêu nước cho nên ông không thèm công bố chuyện này, do đó mà không ai biết gì về Trần văn Giàu để cho hắn ta làm Chủ tịch Lâm Ủy Hành Chánh Nam Bộ và trong chức vụ này hắn đã ra lệnh thủ tiêu hàng ngàn người trí thức Việt Nam trong đó có cả Luật sư Dương văn Giáo…

Tôi cũng muốn nhờ anh một chuyện: Tôi đọc trong Giao Điểm thấy anh có viết bài điểm sách về “Đi Tìm Dấu Tích Thời Thơ Ấu của Bác Hồ ở Huế” của Nguyễn đắc Xuân, nghe nói rằng ông Phó bảng Nguyễn sinh Huy có học với ông Bùi quang Chiêu tại trường Canh Nông ở Huế vào khoảng năm 1901 hay 1902 gì đó. Lúc ấy ông Nguyễn sinh Huy đang làm hành tẫu tại Bộ Hộ và ông Bùi quang Chiêu thì có dạy ở trường Canh Nông, không rõ chuyện này có đúng hay không, xin anh cho tôi biết. Tôi cũng có viết một bài về cụ Phó bảng Nguyễn sinh Huy và được nhiều người rất thích.
……………………………………………………………” (ngưng trích ngang đây)

Trên đây là hai trích đoạn trong hai lá thư của tác giả Trần đông Phong (xin viết tắt: TĐP). Đầu năm Đinh Hợi, tôi có đọc “Việt Nam Cộng Hòa 10 Ngày Cuối Cùng” của tác giả họ Trần mà tôi đã bộc lộ nhận xét đó là tác phẩm viết với sự “công tâm”, trong phần trao đổi với Amy Tan đăng tải trên mạng lưới giaodiem.us vừa qua.

Có nhiều người không xuất thân từ quá trình được đào tạo chuyên môn về sử học, nhưng viết về vấn đề lịch sử rất đứng đắn, đúng quy phạm về nghiên cứu sử, có giá trị…là nhờ ở sự công tâm; nhưng cũng có người được đào tạo với trình độ hậu đại học (cấp tiến sĩ) thì ngược lại. Trường hợp của tác giả Trần đông Phong là một. Như vậy, thành quả về khoa bảng chỉ là tiêu chuẩn, điều kiện quy ước có tính định chế để một cá nhân có thể hành nghề mô phạm về sử học thôi, không nhất thiết đòi hỏi cho những người có nổ lực, hoài bảo tự học hỏi để nghiên cứu và viết sử.

Giữa trung tuần tháng 3/07, tôi có nghe hai loạt bài “oral history” của nhà biên khảo Trần đông Phong đề cập tới nhân vật Bùi quang Chiêu –là người Kỹ sư đầu tiên của nước Việt đã gặp gỡ “chú Ba” (tức Hồ chí Minh sau này) trên chuyến tàu Latouche Tréville, xuất phát từ bến Nhà Rồng, Sài Gòn. Tôi rất thích thú. Làm sống lại giai đoạn lịch sử ở thời kỳ này, là việc làm hết sức ý nghĩa, mà tác giả TĐP lại có may mắn là được quen biết, tiếp xúc với cụ bà Henriette Bùi quang Chiêu (con gái út của cụ Bùi quang Chiêu), hiện còn sống ở Pháp, năm ngoái (2006) có tổ chức lễ sinh nhật đại thọ 100 tuổi của cụ. Với nhân chứng sống này (còn có thêm hình ảnh nữa) hùng hồn thách thức bất cứ sự hoài nghi, xuyên tạc đến từ bất cứ đâu.

Về hai nhân vật mà tác giả TĐP nêu ra là Dương văn Giáo (luật sư) và Bùi quang Chiêu thì trong tác phẩm của tác giả Trần ngươn Phiêu (bác sĩ), “Phan văn Hùm, thân thế và sự nghiệp, (Hải Mã xuất bản 2003)”, đã có nhắc đến khá chi tiết, nhất là về cái chết của họ là do nhóm Cộng sản Đệ tam chủ mưu. Tôi trích dẫn, “…Vài ngày sau 23 tháng 9, 1945 nhà giáo Nguyện thị Lợi phụ trách báo Tranh Đấu cũng bị thủ tiêu ở Cần Giuộc, Chợ Lớn. Cuộc khủng bố trắng, săn bắt, ám sát các nhân sĩ ái quốc có uy tín nhưng không thuộc Đảng Cộng sản từ đó đã xảy ra hằng ngày, bắt đầu từ Bùi quang Chiêu đến Hồ văn Ngà, Trần quang Vinh, Bác sĩ Hồ vĩnh Ký và vợ là Bác sĩ Nguyễn thị Sương (nguyên thủ lãnh Phụ nữ Tiền Phong) ..v.v… Nhà viết báo và cách mạng danh tiếng trong thời kỳ “Đông dương Đại hội”, Diệp văn Kỳ, khi biết rõ ý đồ của Trần văn Giàu, đã lánh mặt, mặc áo tu lên ở Tha La Xóm Đạo (Trảng Bàng) cũng bị bắt và sát hại trong đêm.” (sđd, trang 349). Và, trường hợp của Dương văn Giáo thì, “…Một nhân tài có tiếng tăm khác bị thanh toán là Luật sư Dương văn Giáo. Cái chết của ông Giáo có thể có liên can một phần nào đến cấp chỉ huy trực tiếp của ông Trấn (tức, Nguyễn văn Trấn, tác giả "Viết cho Mẹ và Quốc Hội” –ghi chú của NVH), là ông Trần văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chánh Nam bộ.” (dẫn như trên). (*)

Nhân vật Bùi quang Chiêu, ngược lại, trong tác phẩm: “Việt Nam 1920-1945: Cuộc cách mạng và phản cách mạng thời đô hộ thuộc địa” của Ngô Văn, do Chuông Rè xuất bản năm 2000 thì được đề cập rải rác khắp cuốn sách. Ngô Văn là một nhà biên khảo đệ tứ cộng sản (Tờ-rố-kít/Trotskist), dù không coi ông Bùi quang Chiêu như một “kẻ thù chính trị” nhưng đứng ở quan điểm ‘đấu tranh cách mạng’, đã nhìn nhân vật họ Bùi như người “ôn hòa”, chủ trương lập hiến để thỏa hiệp với thực dân Pháp, chủ trương “Pháp-Việt đề huề.” Chủ trương đó họ gọi là “dominion”. Ở đây, tôi có sự đồng thuận với ông Trần đông Phong về ngữ nghĩa và thực tiễn chính trị về từ “dominion” là hiểu theo tinh thần “political dominion”, chứ không phải là tôn giáo (religious dominion). Dominion, là thực thi quyền tự trị (self-governing nation, sovereignty), kiểm soát một cách hoàn hảo về chủ quyền (perfect control in right of ownership) của quốc gia nằm trong một khối thịnh vượng chung (commonwealth) dưới sự đứng đầu của một quốc gia mạnh hơn, chứ không có nghĩa là thỏa hiệp, nô lệ, đầu hàng thực dân. Tôi tin quan niệm về “lập hiến” của cụ Bùi quang Chiêu nằm trong ý nghĩa này.
Nhìn từ quan điểm lịch sử, nếu hai cụ Phan châu Trinh và Phan bội Châu, vốn có một số kinh nghiệm và kiến thức về Cộng sản quốc tế khi xuất dương hoạt động cách mạng ở nước ngoài, nên không chấp nhận đường lối bạo động và đấu tranh giai cấp, thì hẳn giải pháp của cụ Bùi quang Chiêu là thích hợp với thực tế chính trị nhất (realpolitik), phải phù hợp chứ không thể là đối nghịch với chủ trương của hai cụ Phan.

Theo tôi, nghiên cứu về đảng Cộng sản Việt Nam, chúng ta cần phải biết sự hình thành và phát triển của Cộng sản Đệ tam (Komintern) cho đến lúc nó tàn lụi. Sự hình thành và phát triển của Komintern bắt đầu từ năm 1919 (sau Đệ I Thế Chiến), do Lênin và Trotsky thành lập. Đặc biệt về tác phẩm, “Làm Gì?” (‘What is to Be Done?’ của Lênin viết năm 1902). Tác phẩm này quan trọng, vì trong đó Lênin vạch ra sự chỉ đạo [không chỉ dành riêng cho nước Nga mà cho cả thế giới, nhất là các nước nằm trong quỹ đạo của Kominter] chiến lược cách mạng cộng sản, hành động cách mạng thực tiễn, sách lược cách mạng bạo động để cướp chính quyền, vận động các tổ chức quần chúng để hỗ trợ cho đấu tranh giai cấp nhằm lật đổ chính quyền tư sản, xây dựng một chính quyền của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản v.v… Như vậy chúng ta cần nắm vững hệ thống nhất quán 7 Hội nghị Quốc tế của Đảng Cộng sản và Hội nghị sau cùng (thứ Tám) cho đến ngày giải thể tổ chức Cộng sản Đệ Tam Quốc tế do Stalin chủ động ( 15/5/1943) giữa Đệ II Thế Chiến. Đến thời điểm này thì Stalin muốn xây dựng một đế quốc cộng sản Đại Nga (Great Russian nation-state), và các nước chư hầu phải nằm trong quỹ đạo kiểm soát, chỉ đạo của họ. Tinh thần “anh em” quốc tế vô sản không còn nữa. Trong thời kỳ này, có những xung đột chính trị, thanh trừng đẫm máu của Đệ Tam đối với thành phần Đệ Tứ Cộng sản (do Trotsky thành lập và lãnh đạo từ năm 1938); do đó, sự thanh trừng đẫm máu này có dây xích liên hệ với các nước chư hầu, đặc biệt các quốc gia thuộc địa đang còn nằm dưới sự cai trị của thực dân mà đảng Cộng sản Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh là một biểu trưng nổi bật nhất trong thế giới cộng sản thời kỳ đó.

Nhưng, để nắm vững bối cảnh quốc tế về sự hình thành các phong trào cộng sản, thì phải trở về với nguồn gốc hình thành Quốc tế Cộng sản, từ Đệ Nhất Quốc tế Cộng sản đến Đệ nhị Quốc tế Cộng sản. Phong trào xét lại sau Đệ nhị Quốc tế. Cơn ác mộng sau Cách mạng Nga 1905 (mà các sử gia Hà-nội đã gọi là 'cuộc cách mạng dân chủ tư sản') đã có những tác động gì lên các phong trào Cộng sản. Từ sự thất bại của Đệ nhị Quốc tế đối diện với Thế chiến Thứ nhất, cho đến sự hình thành Đệ tam Quốc tế.

Từ đó, chúng ta sẽ nhìn thấy bản chất và sách lược của Cộng sản Quốc tế một cách cụ thể, không mơ hồ, hay bị những giao động (hoặc nhầm lẫn và đơn giản hóa giữa hai thế lực vô thần và hữu thần.) giữa mâu thuẫn của các tổ chức tôn giáo quốc tế và cộng sản quốc tế -nhiều khi làm cho các đảng phái cách mạng, chính trị đưa tới sự chống báng hay hùa theo (a tòng) một cách tai hại. Tôi nghĩ tinh thần của thành phần Cộng sản Đệ Tứ trong các nước thuộc địa nằm trong sự giao động này, cuối cùng đã bị Cộng sản Đệ tam thanh toán. Thảm họa này không chỉ xảy ra ở miền Nam Việt Nam từ trong các thập niên 1930, 40 mà ngay ở Huế cũng bị ở quy mô nhỏ hơn (về số người bị giết). Tôi nhớ tác giả Tuệ Chương Hoàng long Hải có đề cập đến thảm trạng tương tự đã xảy ra ở làng Sịa (cách Huế chừng 10, 15 (?) cây số) , thành phần Cộng sản Đệ Tam đã giết hại gần 200 người thuộc thành phần trí thức, có ăn học. Mặt khác, một số lớn thanh niên Huế vào thời kỳ đó cũng đã hăng say lên đường vào Nam theo tiếng gọi của Thanh niên Tiền phong... Cho nên, trong số người bị thanh trừng có thể bao gồm thành phần này. Ở miền Nam, theo tác giả Trần đông Phong thì, người chủ động thi hành các cuộc 'thanh toán đẫm máu' là do ông Trần văn Giàu (Cộng sản Đệ tam dưới sự lãnh đạo của Hồ chí Minh) và các thuộc cấp như Nguyễn văn Trấn.v.v.. đã thảm sát gần 2 ngàn người trí thức ở Nam bộ. Nói tóm lại, nạn nhân của Cộng sản Đệ tam không chỉ riêng thành phần Cộng sản Đệ tứ, mà đủ các thành phần trí thức khác –dù ở trong các tổ chức đảng phái cách mạng hay không, nhưng đi theo đường lối khác hoặc không theo Cộng sản Đệ tam, đều có thể bị thanh tóan. Các nạn nhân như Dương văn Giáo, Hồ văn Ngà, Phan văn Hùm, Tạ thu Thâu, Bùi quang Chiêu v.v…và hàng ngàn người khác chỉ là một trong những trường hợp điển hình.

Trở lại với câu hỏi của nhà biên khảo Trần đông Phong, tôi ghi lại một đoạn trong cuốn “Đi tìm dấu tích thời niên thiếu của bác Hồ ở Huế”, Nhà xb Văn Học, 2003, (xin viết tắt: ĐTDTTNT…) của nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn đắc Xuân đã đề cập đến nhân vật Bùi quang Chiêu như sau,

"Sau mấy chục năm tìm tòi nghiên cứu, căn cứ trên các hồi ức và tài liệu thành văn cùng thời, đến giờ này tôi đã có thể khẳng định rằng bà Hoàng thị Loan -thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mất ở Huế vào ngày 7.2.1901 trong lúc chồng bà là cụ Cử nhân nguyễn Sinh Sắc đang bận việc xây mộ cho song thân ông ở quê nhà Nghệ An.
“…Và, theo lời khai của Bùi quang Chiêu với Sở Mật Thám Sài Gòn (Mật văn số U.S.1, tài liệu số 19, ngày 21 tháng 9-1922) thì vào năm 1901 hay 1902 gì đó ông Nguyễn sinh Sắc có học về Canh Nông với kỹ sư Bùi quang Chiêu (1) ở trường Canh Nông Huế. Chính vì thế mà Bác đã tìm gặp Bùi quang Chiêu trên chuyến tàu hai người cùng sang Pháp năm 1911. Bùi quang Chiêu khai:

“…Nguyễn ái Quốc…vào cuối năm 1911, tôi đã đi với anh ta trên chuyến tàu thủy mà tôi đã quên tên. Anh ấy làm ở trên tàu. Anh ấy tìm tôi vì tôi là thầy dạy học của thân phụ anh ta ở trường nông nghiệp Huế năm 1901 hay 1902…” (AOM, SPCE, 364). Tôi rất quan tâm thông tin nầy nhưng chưa thể xác định được thời điểm cụ học nông nghiệp với Bùi quang Chiêu trước hay sau thời điểm cụ “vinh quy bái tổ” vào tháng 8.1901.”
Ở footnote (1) cùng trang, tác giả ghi thêm : “Bùi quang Chiêu (1873-1945), quê ở làng Đa Phước Hội, h. Mõ Cày, tỉnh Bến Tre. Đổ kỹ sư canh nông tại Pháp, về nước làm việc ở sở Canh nông và tằm tơ Châu Đốc, sau đó ra Huế dạy ở trường Canh nông.” (sđd, trang 90).

Trước khi trao đổi với nhà biên khảo Trần đông Phong, tôi muốn trình bày vắn tắt về quan điểm viết sử của riêng tôi. Như đã nói trên, người ta không cần phải được đào tạo chuyên môn về sử học mới có thể viết sử. Bởi, có nhiều điều kiện để một người có thể tự học hỏi nghiên cứu để viết sử; tuy nhiên, để đi làm một công việc nghiên cứu hay giảng dạy về sử ở bất cứ một trường đại học hay một học viện nghiên cứu nào đó cũng đòi hỏi người ấy phải được đào tạo theo hệ thống ‘academic’, nếu có chứng minh thêm các công trình như viết sách, viết báo về các đề tài lịch sử rồi càng tốt. Theo sự hiểu biết của tôi, nếu một học viện nghiên cứu nào đó cần thuê mướn một người chuyên ngành về sử, thường họ chỉ đòi hỏi người ấy có trình độ Cao học (graduated) về sử là đúng yêu cầu (qualified) rồi, có khi họ gọi chức vụ đó là “historian” (mình dịch là “sử gia” thì cũng hợp lý thôi, chứ chưa cần tới cấp tiến sĩ (Ph.D). Cấp tiến sĩ chỉ cần để “qualified” cho sự giảng dạy ở cấp đại học và cao học. Nếu họ mướn một người làm công việc nghiên cứu có tính cách sử thì họ gọi là “historical researcher.” Sở dĩ tôi nêu ra sự kiện này để thấy người Việt mình có khi cũng khó tánh, tôi thấy có người đủ một số tiêu chuẩn để gọi là “sử gia”, nhưng vì không thích cá nhân đó, họ bắt bẻ không chịu gọi là “sử gia” mà chỉ nên gọi là “nhà nghiên cứu sử” thôi. Ngược lại có những cuốn sử rất có giá trị lại không được nhìn nhận chỉ vì người viết không có học vị tiến sĩ sử học. Sự thiển cận trong vấn đề đặt cách gọi cho “chính danh” này xuất phát từ tinh thần trọng khoa bảng, mong cầu tước vị trong xã hội một cách quá đáng của người Việt. Nhìn vấn đề cao hơn, thì bởi nước mình chưa hề có một Viện Hàn Lâm đúng nghĩa. Có khi người ta đặt ra những cơ sở với danh xưng như : ‘Viện Sử học’, ‘Viện Khoa học…’ v.v… này kia cho nó “kêu” thôi, nhưng thực chất chỉ là để phục vụ cho mục tiêu tuyên truyền của chế độ. Và không may, hầu như một chế độ nào có một hệ thống chính trị độc tôn, thường hay bị nạn này.
Vậy nên, theo tôi, giá trị của một tác phẩm lịch sử tùy thuộc vào công trình nghiên cứu, tính khoa học, nổ lực được chứng minh trong những khám phá mới, phẩm chất và giá trị của nguồn sử dụng, phương pháp luận sử v.v… Nhưng, khuyết điểm của một tác phẩm sử được viết bởi một người không được đào tạo chuyên môn về sử học thường được dư luận tha thứ dễ hơn, trong khi một người được đào tạo khoa bảng về sử học thì ngược lại.

Tôi nhận xét, nhà nghiên cứu Nguyễn đắc Xuân thường ngay thẳng xác nhận trong một số bài báo mình là một “đảng viên Đảng Cộng sản”, điều đó gián tiếp xác nhận những công trình viết lách của ông “có thể” là sẽ phục vụ cho mục tiêu chính trị của Đảng Cộng sản VN, cho nên tôi thường không thắc mắc lắm về những sai sót, lệch lạc trong các cuốn sách của ông NĐX, nếu có. Trường hợp của cuốn “Đi Tìm Dấu Tích Thời Niên Thiếu của Bác Hồ ở Huế” không thể là một ngoại lệ (Xin mở ngoặc: “thời niên thiếu” chứ không phải “thời thơ ấu” như tác giả TĐP đã ghi !).

Tuy nhiên, nếu liên hệ nhân vật Bùi quang Chiêu mà tác giả Nguyễn đắc Xuân đã nêu trong cuốn sách nói trên với nội dung hai buổi phát thanh của nhà biên khảo TĐP trên mạng luới vietnamexodus, tôi thấy cần nói thêm vài ghi nhận trong cuốn sách ấy mà tôi chỉ giới thiệu đại cương trước đây.

Đi sâu vào trong ĐTDTTNT…, chúng ta sẽ thấy có rất nhiều hạt sạn. Nhưng cần ghi nhận ưu điểm đầu tiên là tác giả NĐX đã “can đảm” (với sự khéo léo) nói thẳng các tác phẩm –do mục đích chính trị, hoặc vì lòng sùng bái lãnh tụ quá đáng, của Thanh Tịnh như “Đi từ giữa một mùa sen”, của Sơn Tùng : “Les Années de l’ Enfance de l’Oncle Ho à Hue” v.v…là “hư cấu” tiểu sử thời niên thiếu của ông Hồ chí Minh, và của Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng Nghệ Tĩnh đã phô bày sự tạo dựng sai lạc. Đó là một “lịch sử” đầy mơ hồ, sự kiện mâu thuẫn, năm tháng trái ngược nhau, tông tích dễ lẫn lộn về một “vị lãnh tụ” của họ. Vì thế, tôi cho rằng cuốn ĐTDTTNT… của Nguyễn đắc Xuân đã làm một công việc “chữa cháy”. Tác phẩm thì “nhỏ” (dày chưng 250 trang), nhưng công việc thì lớn, vì theo lời tác giả đã bỏ ra trong hai thập niên để bổ sung, điều chỉnh có lẽ để cho mục đích “chữa cháy” hoàn hão hơn (theo ấn bản năm 2003.)

Hai “thành quả” khác (theo ghi nhận của tôi) là tác giả đã tìm ra được ngôi nhà ngày xưa hai mẹ con bà cụ Hoàng thị Loan (vợ của cụ Nguyễn sinh Sắc và bé sơ sinh Nguyễn sinh Xin) đã sống là ngôi nhà ở số 112 đường Mai thúc Loan, Thành nội, Huế; và quan trọng hơn là ông NĐX cố chứng minh trong lúc cụ bà Loan trong cơn bạo bệnh đã chết trong cô đơn, cơ hàn thì cụ Nguyễn sinh Sắc không có mặt ở Huế. Chính vì cái chết khổ đau này [lúc ấy cụ bà Loan hẳn còn trẻ, vì cụ bà lúc lấy chồng chỉ mới 13 tuổi, mà cụ ông Nguyễn sinh Sắc (năm 1901) còn là thanh niên sung sức (sinh năm 1863)] đối với dư luận của xã hội Việt Nam có thể đổ lỗi cho cụ ông là người chồng bất nghĩa, thiếu bổn phận làm chồng làm cha trong gia đình. Điều này đối với phong hóa xã hội Việt Nam đương thời rất coi trọng : “Tình phu phụ, nghĩa quân thân” (Truyện Hoa Tiên); hay: “Có âm dương, có vợ chồng. Làm người ai thoát khỏi vòng phu thê” (Gia huấn ca). Vậy thì trong cơn đau yếu, hoạn nạn của cụ bà, cụ Cử Sắc đang ở đâu? Hai đứa con trai theo cụ (là Sinh Khiêm và Sinh Cung ở đâu)? Nếu cụ không ở Bắc như vài tài liệu của Đảng CS nêu ra thì lúc ấy cụ đang ở làng Dương Nổ, thế tại sao cụ không thể có mặt lúc cụ bà mất? Tôi không dám thất lễ nghĩ, hay là cụ ông đang đắm chìm trong "tửu sắc" đâu đó mà quên đi vợ đang ốm đau và thui thủi một mình ở căn nhà đường Mai thúc Loan?. (**) Nhưng, trong phương pháp luận luận sử, điểm này không thể bỏ qua được. Vấn đề là có đủ dữ liệu "gần" với sự thật để chứng minh hay không!
Theo tác giả Vũ ngự Chiêu, thì:

--1984: Cụ Sắc đỗ cử nhân.
--1895: Thị Hội hỏng, xin “tọa Giám”, nhưng không dám quyết đoán cụ Nguyễn sinh Sắc và hai con trai vào Huế năm nào, đồng thời ông ghi nhận thêm trong các tài liệu của Cộng sản cũng không nói rõ năm nào luôn.
--1898: Cụ Sắc thi Hội lại hỏng lần nữa. Cụ Sắc làm nghề “kèm trẻ” ở nhà Nguyễn sĩ Độ ở làng Dương Nổ (có hai con là Khiêm (anh) và Cung (HCM) đi theo, còn cụ bà Loan và và con mới sinh tên là Nguyễn sinh Xin ở lại Hà Nội.
--1901 (đầu năm) Cụ bà Loan chết vì bạo bệnh, cụ Sắc bồng bế 3 con (có thêm Xin) về lại làng Hoàng Trù. Đứa con út (Sinh Xin) chết.
--1901, cụ Sắc đỗ thi Hội với chức Phó bảng.
--1904, được bổ làm chức quan nhỏ ở bộ Lễ , rồi sau đó làm Tri huyện ở Bình Khê, Bình Định.
--1910: cụ Sắc bị cách chức quan, vì say rượu và đánh một người (làm chánh tổng) vong mạng.
(“Việt Nam Nhân Vật Chí”, Vũ ngự Chiêu, Văn Hóa xb. 1997, trang 366, 367 ).

Theo Cao thế Dung trong “Việt Nam Huyết Lệ Sử”, Đồng Hướng xb. 1996, thì rõ hơn một chút nữa vì tác giả trích dẫn từ “Quốc Triều Đăng Khoa Lục” của cụ Cao xuân Dục:
-1901: (Cụ) Sắc đậu Phó Bảng đời Thành Thái thứ 13, cùng khoa với Phan châu Trinh.
Trong phần chú thích 18 (sách đd, trang 404), ông Cao thế Dung viết thêm: --“Theo tài liệu của Đảng CSVN,…. Sau khi nhạc phụ qua đời, ông Sắc về ở hẳn nhà vợ, làm nghề thầy đồ dạy học. Năm 1894, ông đậu Cử nhân, Thi hỏng khóa thi Hội năm 1895, ông vào Huế xin làm tọa Giám tức được lương ăn, theo học Quốc Tử Giám, chuẩn bị kỳ thi Hội năm 1898, nhưng mãi đến 1901 mới đậu Phó Bảng.” Ở chú thích 17, trang 403, Cao thế Dung ghi lại chú dẫn của Chính Đạo Vũ ngự Chiêu, viết rằng, “Không hiểu rõ Nguyễn tất Thành (tức Hồ chí Minh) học đến đâu nhưng chắc chắn ông không được vào học trường Quốc Học Huế. Mùa hè 1911, nghĩa là một năm sau, thân phụ bị cách chức Tri huyện vì “nghiện rượu và tàn ác với dân chúng” [theo hồ sơ của Pháp Archives Nationale, Carton 326, Dossier 2627… -in đậm là nhấn mạnh của nvh.]

Tựu trung, cụ Sắc và hai con vào Huế năm 1905, 1906, hay 19xx … không phải là vấn đề chính; vấn đề quan trọng hơn, Nguyễn tất Thành có được vào học trường Quốc Học không, và thời điểm cụ Sắc làm “thục sư” (từ ngữ của ông Nguyễn đắc Xuân, chỉ người kèm trẻ học) ở làng Dương Nổ, và lúc cụ bà Hoàng thị Loan chết ở căn nhà số 112 đường Mai thúc Loan (công lao khám phá của NĐX) cụ Sắc, hai con Khiêm và Cung ở đâu?
--Nhà biên khảo (đồng thời là giáo sư sử trước 1965) Nguyễn hữu Châu Phan cho rằng, “…Nguyễn sinh Cung cũng như nhiều anh em học sinh đóng vai trò chủ chốt trong việc thông ngôn giúp đồng bào đã phải lẫn tránh trước sự truy nã gay gắt của thực dân.” Nhưng rồi sau đó, Nguyễn sinh Cung đến trường (Quốc Học) học lại, và bị cò Pháp bắt ngay trong lớp học.” (Phong trào kháng thuế Thừa Thiên Huế Năm 1908, Nguyễn hữu Châu Phan, tập san Nghiên Cứu Huế số I, 1999, trang 33).

Sự kiện này (Nguyễn tất Thành có hteo học ở Quốc Học) được tác giả Nguyễn đắc Xuân nhắc lại với lời chú dẫn Pháp ngữ theo tài liệu của Tòa Khâm sứ Trung kỳ, ở Viện Bảo tàng Hồ chí Minh: “Personnement, Nguyễn Sinh Huy n’a jamais été suspecté pendant son séjour en An-nam. Il fut réprimandé en raison de la conduite de ces deux fils, alors élève au collège Quốc Học qui avaient tenu devant leur maîtres des propos anti-français à l’occasion des manifestations populaires en 1908.” (theo ĐTDTTNT.., NĐX, trang 174, --chữ đậm là do tôi (nvh) muốn nhấn mạnh.)

Ta có thể tạm chấp nhận ông Nguyễn sinh Cung (tức Nguyễn tất Thành, tức Hồ chí Minh) có theo học ở trường Quốc Học và vì bênh vực đồng bào tranh đấu chống thuế làm thông ngôn đối đáp với quan thực dân, rồi bị đuổi học. Vậy trong thời gian nầy, hai anh em Khiêm và Cung có lẽ đang ở làng Dương Nổ với cha là cụ Cử Sắc (từ 1908-1910). Ở đây, khi đọc ĐTDTTNT..., tôi nảy ra một thắc mắc: Theo NĐX qua cuộc phỏng vấn với ông Nghè Duyến (cháu hoặc con của ông Nguyễn sĩ Độ ?), kể:

"...Ông nội con rất trọng thầy (tức cụ Sắc) , không những ông giao nhà cho thầy ở, lo cho thầy và hai chú (tức hai anh em bác, Khiêm và Cung) ăn uống đầy đủ mà ông còn cử một bà o lo giặt giũ săn sóc cho gia đình thầy nữa.
"Từ ngày về nhà mình, thầy Sắc và hai chú rất thoải mái. Học trò trong làng minh và các làng chung quanh cơm đùm gạo bới đến xin thầy Sắc học rất đông..." (sđd, trang 71).

Thắc mắc của tôi: Cụ cử Sắc và hai con trai được sống trong hoàn cảnh thoải mái như thế này, tại sao cụ không đem cụ bà về sống chung để cho vợ chồng, con cái được đêm ngày sớm tối có nhau, cụ bà có cơ hội săn sóc cho chồng con chu đáo hơn; và hơn nữa thêm một "miệng" ăn thì đâu có khó khăn gì, mà cụ bà vốn tảo tần vẫn có nhiều cơ hội để tìm kiếm việc làm khác thay vì làm nghề dệt vải ở trong Thành nội !?. Nhưng theo khám phá của nhà nghiên cứu Nguyễn đắc Xuân ba tháng từ cuối năm 1910, cụ Sắc “…được triều đình cử làm giám khảo hai kỳ thi Hương ở Bình Định và Thanh Hóa. Trên đường về Huế, cụ ghé qua Vinh về làng quê ở làng Kim Liên để xây mộ cho song thân. Trong khi ở đó 3 tháng thì được tin vợ của ông từ trần ở Huế (ngày 17/2/1901), ông trở về Huế tức thì và gặp lại 2 con trai ở với mẹ chúng.” [Bà Nguyễn thị Thanh (chị của Nguyễn sinh Cung) khai với Mật thám Pháp, ĐTDTTNT.., trang 89; nhưng không thấy tác giả NĐX cho biết nguồn lấy từ đâu !? ].

Với dữ liệu này, cho thấy tác giả NĐX muốn chứng minh khi cụ bà Loan mất, cụ Nguyễn sinh Sắc không có mặt ở Huế, tức không có cơ hội để chứng kiến cảnh vợ hấp hối, từ trần và lo liệu việc tang lễ cho vợ sau đó. Vì thế nên, tác giả NĐX mới đưa vào dữ kiện cụ Bùi quang Chiêu đã khai với Mật thám Pháp là ông có gặp Nguyễn Ái Quốc vào năm 1911 trên chuyến tàu ông “đã quên tên” trên đường sang Pháp (đã dẫn chi tiết ở trên). Trong dữ liệu này có vài hạt sạn chúng ta cần nhặt ra:

+ Một, khó có thể tin một người có trình độ văn hóa cao (thời đó) như ông Bùi quang Chiêu đi trên một chuyến tàu sang Pháp với hải trình kéo dài cả tháng trời trên biển khơi mà ông không nhớ tên tàu khi khai với Mật thám Pháp?

+ Hai, cụ Nguyễn sinh Sắc đậu Phó Bảng năm 1901 (thi lần thứ 3), làm sao có thì giờ đâu để đi học thêm về nghề Canh nông với kỹ sư Bùi quang Chiêu? Trong thời điểm 1901, 1902, tôi không tin Pháp đã mở một trường Canh nông thực hành nào ở Huế, dù chỉ là cấp cán sự (ngang trình độ trung học đệ nhất cấp !) Ông Bùi quang Chiêu có thể đã từng giảng dạy về Canh nông ở Huế, nhưng theo tôi phải bắt đầu từ các thập niên 1910-1920… mới hợp lý. [Độc giả có thể tìm đọc thêm "Các Vua cuối triều Nguyễn", tập 2 của Vũ ngự Chiêu, dẫn theo tài liệu của CAOM (Aix) và G.G.I. trong mục "3. Giáo dục" từ trang 556...]

+ Có thể nào, tác giả NĐX đem dữ liệu về “lời khai với Mật thám Pháp” của cụ Bùi quang Chiêu vào đây như một chứng cớ lịch sử (historical evidence), nhằm vừa tạo thêm nghi vấn chồng lên sự kiện mới vừa để chứng minh trong thời gian cụ bà Loan mất, cụ Nguyễn sinh Sắc đang ở ngoài Bắc (dù tác giả "tin chắc", nhưng đối với giới nghiên cứu sử vẫn còn là giả thiết); đồng thời gián tiếp cho độc giả biết thêm cụ Bùi quang Chiêu (và đảng Lập hiến) có liên hệ với Mật thám Pháp? Nếu điều này đúng, thì có thể tác giả đã không hề biết ở hải ngoại trong nhiều năm qua, nhóm “đệ tứ” đã có những tài liệu lên án một cách hệ thống qua các tài liệu phổ biến về thủ đoạn tàn sát tập thể thành phần “CS đệ tứ” của đảng CSVN, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch HCM qua bàn tay sắt máu của các thuộc cấp như quý ông Trần văn Giàu và Nguyễn văn Trấn .v.v..? Và, cũng có thể ông NĐX không hề hay biết cụ Bùi quang Chiêu còn có một người con gái (là nữ bác sĩ đầu tiên của VN) còn sống sót đến ngày nay thọ 100 tuổi (năm 2006) là một "nhân chứng sống" như nhà biên khảo Trần đông Phong đã công bố?
Từ đó, chúng ta có thể tạm kết luận, chính từ hành động muốn “chữa cháy” về những hư cấu của các cán bộ văn hóa cộng sản trước đó về Hồ chí Minh, tác giả NĐX đã vô tình làm cho đám cháy lớn hơn nữa… nếu như chúng ta đi sâu vào những chi tiết, sẽ thấy sự kiện chồng chéo mâu thuẫn, làm cho những mắc xích lý ra là phải nối kết với một chuỗi sự kiện, đứt lìa ra.

Quan niệm của tôi về viết sử là phải biết phối hợp giữa phương pháp luận sử học (historical methodology) và phương pháp luận nghiên cứu (methodology of research). Nghiên cứu lịch sử là khảo sát về sự kiện, mà trong sự nối kết các sự kiện có thể hiển lộ (hoặc tiềm ẩn) một biến cố nào đó. Cho nên, khi khảo sát một biến cố còn có nghĩa là mỗ xẻ biến cố để đi vào từng sự kiện riêng lẻ. Mỗi biến cố là một vòng tròn nằm trong mắc xích của các sự kiện. Cái này sinh ra cái kia. Vậy có thể nói ngắn gọn, phương pháp luận sử học là khảo sát, phân tích, đối chiếu, suy luận về một chuỗi sự kiện lịch sử; trong khi phương pháp luận nghiên cứu là biết sử dụng các nguyên tắc khoa học để hỗ trợ (phương tiện) cho phương pháp luận sử học. Do đó, dù lịch sử không phải là một khoa học chính xác, nhưng ngôn ngữ lịch sử là ngôn ngữ của sự kiện, chứ không thể là ngôn ngữ trừu tượng của triết học, hay ngôn ngữ cảm thức của văn chương. Viết tiểu sử (biography) về một nhân vật lãnh đạo đã từ trần đã lâu trong một xã hội chiến tranh triền miên đã là vấn đề khó, huống gì viết về người lãnh tụ trong một chế độ chính trị nặng tuyên truyền, bưng bít là còn nhiêu khê hơn. Giả như tác giả Nguyễn đắc Xuân phác thảo (outline) trước một bảng điểm thời gian (time tables) từ lúc ông Hồ chí Minh sinh ra cho đến ngày làm bồi trên tàu Latouche Tréville của hãng Chargeurs Réunis, xuất dương --để liên hệ kết nối các sự kiện lại với nhau một cách lôgíc, thì sẽ tránh được sự chồng chéo sự kiện mâu thuẫn, đầu voi đuôi chuột. Nhưng đó cũng chỉ là cách giải quyết tạm thời trong một xã hội khép kín, trong một chế độ chính trị tự cô lập. Trong thời đại thông tin internet, sự sai lầm và che đậy sớm muộn cũng sẽ bị bày ra dưới ánh sáng mặt trời.
(Xin cám ơn nhà nghiên cứu Trần đông Phong (và ông Nguyễn đắc Xuân ký tặng tôi sách lúc gặp tôi ở Huế vào năm 2002) đã cho tôi cơ hội để chia sẻ quan điểm với quý vị.)

Tuesday, March 27, 2007
NVH.

Chú thích bổ sung:

(*) Tưởng cũng nên nhắc lại trong bài điểm sách cuốn "Viết cho Mẹ và Quốc Hội", Như Phong Lê văn Tiến đã nhắc lại lời kể của tác giả Nguyễn văn Trấn "...Ông cũng cho ta nghe lời người Chú tâm sự với một thằng Cháu là Phan văn Khải mà ngày hôm nay đang ngự chót vót trong Bộ Chính Trị..." Một giai thoại khá thú vị khác, Ông Trấn kể: "...hồi tháng Chín năm 1945 khi nghe tin Hồ chí Minh làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, bà con Nam Bộ hỏi nhau: "Hồ chí Minh là thừng cha nào!"... Vì cớ sự đó nên mới có chuyện khi ông "Hồ-hữu-khuynh" đi dự Hội nghị Fontainebleau, ông Bùi Lâm tiễn đưa đã ghé tai bảo nhỏ với bác, "Đi kỳ này đừng bán nước nhé!" (Phan văn Hùm, thân thế và sự nghiệp, Trần ngươn Phiêu, sđd, trang 393).

(**) Tác giả Nguyễn đắc Xuân trong footnote (1) trang 43, còn ghi lại một giai thoại "thục sư" của cụ Cử Sắc. Khi dùng từ ngữ "thục sư", hẳn tác giả NĐX muốn thi-vị-hóa nghề gõ đầu trẻ của cụ Sắc ("thục" có nghĩa là cái nhà nhỏ), thay vì dùng "gia sư", thầy kèm trẻ tại gia; nhưng "thục" còn có nghĩa là phụ nữ -"Cho hay thục nữ chí cao" -truyện Kiều. Bởi vậy, Thanh Tịnh mới kể rằng, "...Nguyễn sanh Huy đã từng là thầy dạy Hán tự ở nhà Bà Kí (chị cả của Dục Đức, cô ruột của vua Thành Thái -NĐX chú thích), phụ nữ ly hôn của Diệp văn Cương ở Sài Gòn. Nguyễn sanh Huy đã dạy học cho con trai ông này tên là Diệp văn Kỳ, hiện (1920) là nhà báo ở Sài Gòn. Nguyễn sanh Huy chỉ được nuôi ăn ở nhà bà Kiêm nhưng không lãnh 1 đồng lương nào." Ông Thanh Tịnh quả là đa sự, bởi qua giai thoại này lại làm cho hậu thế càng thêm thắc mắc, cụ 'sanh Huy' làm "thục sư" mà chỉ ăn ở nhà bà Kiêm thôi, không lãnh 1 đồng lương nào, thì hẳn là bà Kiêm phải mang ơn nghĩa nặng. Ông Diệp văn Cương về sau bị Việt Minh giết là chuyện cũng đành, thế nhưng cụ 'sanh Huy' ăn ở nhà bà Kiêm vào năm nào? Hai con trai cụ đang ở đâu? Chẳng lẽ trong một thời gian từ 1898 đến 1901 và trong mấy tháng ngắn ngủi của cuối năm 1900 (tháng 2/1901 cụ đổ Phó Bảng), mà cụ phải làm nhiều chuyện quá: được triều đình cử vô Bình Định, ra Thanh Hóa chấm thi Hương, ghé Nghệ An xây mộ cho song thân, là vừa kèm trẻ ở nhà cụ Sĩ Độ lẫn "ăn ở" nhà bà Kiêm, thì đúng cụ 'sanh Huy' là người thiên biến vạn hóa. Song, lại thêm một nghi vấn sử nữa: Thời gian cụ cử Sắc làm "thục sư", "ăn ở nhà bà Kiêm" là vào lúc nào? Trước khi, trong khi hay sau khi cụ bà Hoàng thị Loan bạo bệnh mà lìa trần??





H1.-cụ bà Henriette Bùi quang Chiêu (con gái ông BQC, 100 tuổi). Hình của vietnamexodusà

H2.-Hai ông Dương văn Giáo và Bùi quang Chiêu (phải) trên chuyến tàu xuất dương sang Pháp [nguồn: vietnamexodus]:


--Nghe Tường Thắng "phỏng vấn" nhà biên khảo Trần đông Phong:
Bấm lên hàng này để nghe lại phần 1 | Phần 2

In lại từ © copyright giaodiem.us | 2006

No comments: