Search This Blog

Saturday, January 23, 2010

Để kéo dài ước mơ cho thế hệ màu-xanh-hy-vọng

Nguyễn Văn Hóa

“Hạt mưa sá nghĩ phận hèn”! –Kiều



(Một ngày…nào đó vào đầu Xuân Nhâm Tuất - Dương lịch 1982)

Khi hai mẹ con của chị tôi và người anh kế tị nạn từ Tây Đức qua Mỹ đoàn tụ với gia đình theo đơn bảo lãnh của người anh trưởng được một năm, là lúc tôi khăn gói với túi xách nylon tị nạn cũng vừa đến Mỹ. Mấy anh chị em tôi chung tiền với nhau thuê một căn apartment 2 phòng ngủ trên đường số 5, nằm thẳng góc với trường Đại Học San Jose State. Cả thảy bốn người mà chỉ có 2 phòng ngủ, nên phải chia ra hai mẹ con người chị một phòng, tôi và người anh kế một phòng. Gộp tiền của nhà nước Mỹ chu cấp cho mỗi người, tính ra cũng đủ chi phí, còn có dư dã chút đỉnh, nên thỉnh thoảng vẫn có lúc ngồi cà phê, thuốc lá với bạn bè. Chị tôi nhờ siêng năng, nên thời gian ở Tây Đức họ cho đi làm thêm, khi qua Mỹ để dành chừng hơn 5 ngàn đôla, chơi sang tậu một chiếc xe Toyota Corolla mới keng. Chưa ai có bằng lái hết, mà chẳng ai dám lái…nên chiếc xe cứ đậu hoài trong cái garage có mái che, như để chưng diện vậy. Thấy vậy, tôi ngứa con mắt, tôi hỏi mượn chìa khóa xe, và leo lên phóng tà tà khắp cả chục con đường vắng. Lúc ấy thành phố San Jose chưa phát triển như bây giờ, có những con đường hai bên đầy cỏ, hoa dại mọc. Và, cũng vì chiếc xe mắc dịch ấy, nên chỉ mấy ở Mỹ chừng một tháng, lần đầu tiên tôi được nằm ngủ một đêm ở Sở Cảnh sát, cộng thêm 15 ngày mỗi cuối tuần phải đi làm phạt vệ sinh công cộng (thay vì đóng tiền phạt), vì tôi lái xe không có bằng mà hơi thở khi nói lại có mùi rượu…và bằng chứng không thể chối cãi được là bước chân đi rất là lạng quạng, dù ông police chỉ mới “test” hai câu đầu tiên.

Chiếc xe Toyota Corolla mắc dịch ấy về sau còn tạo ra cho tôi một điều oái ăm là nạn “bồ bịch” mà đến ngay ông Hồ Chí Minh vào thưở tam thập nhi lập đã từng quá “lăng nhăng”. Căn cứ vào các sử liệu phong phú được phổ biến chừng hai thập niên trở lại, thấy cụ Hồ quá “lăng nhăng tình ái”. Mà nói “lăng nhăng” cũng không chính xác. “Lăng Nhăng” là hôm nay bà này, mai bà nọ. Còn cụ Hồ thì sống với một thân xác rất người phàm –sống-thực-tiễn, đói ăn khát uống, nên ông có một nhu cầu giải quyết sinh lý. Đến ngay cả các bộ hạ, đồng chí đàn em của ông cũng biết luôn cả nhu cầu tâm-sinh-lý đó nữa, nên nhờ vào uy quyền, ông đã từng “thoải mái” được giải quyết nhu cầu đó một cách kín đáo. Chỉ có điều họ là những kẻ giả dối về chính trị, nên họ không chỉ tìm cách khuất lấp, che đậy, mà còn cố đánh lừa vào tâm lý một đám quần chúng trong một đất nước đang còn mắc cạn trong những đầu óc hẹp về sự hiểu biết và suy nghĩ, họ tạo ra hình ảnh một ông-Hồ-anh-hùng-cô-độc vì nước thành một ông thánh sống. Tự nhiên, khi chết rồi ông trở thành ông thánh chết.

Phần tôi, nói thực lòng từ hơn sáu tháng trong các trại tị nạn cho đến khi qua Mỹ, tôi không nghĩ đến xác thịt nên không thích đi “chơi bời”, đúng nghĩa là đi “chơi đĩ”. Một thanh niên cường tráng, ở lứa tuổi ba mươi, ai mà không khao khát một thân xác phái nữ. Nhưng, cứ sau mỗi một lần “chơi đĩ” tôi có cảm tưởng đeo đẳng dài lâu là như “giao cấu” với một đống thịt, mặc dù là một “đống thịt” được cấu tạo đầy mỹ thuật. Tôi có cảm giác nhờn nhợn, chán nản, tầm thường… có khi còn lấn cấn một chút “quân tử Tàu” là thắc mắc vì sao em đẹp vậy mà đi làm một cái nghề thật oan uổng; đó là chưa kể những ám ảnh về những căn bệnh đáng hổ thẹn sẽ bám trên thân xác mình. Nghĩ là thế, nhưng bạn bè lôi cuốn thì vẫn khó khước từ. Dạo ấy, tôi có ông bạn Bắc kỳ-tên Mạnh rất mê “chơi đĩ”. Mạnh cũng đang còn độc thân, cường tráng, qua Mỹ trước nhiều năm nên đã đi làm chuyên viên điện tử. Mỗi tháng nhét túi hai cái checks, nên tiền bạc rủng rĩnh. Cứ mỗi lần Mạnh lãnh tiền nhằm vào ngày cuối tuần thế nào cũng có màn thăm viếng mấy con Mỹ ở khu gần Đại học Berkeley. Phải là dân “sành chơi” và quen thuộc mới có thể gõ cửa vào được những căn phòng ấm áp, lịch sự nơi này. Khi “nhân thân” đã được mời vào phòng khách, bao giờ cũng được được “đáp lễ” bằng những ly Cognac, Martell không tính tiền. Ai uống rượu không được thì giải khát bằng bia đủ loại. Nơi đây là một căn building có con số rất dễ nhớ: 1945. Mỗi lần đi với Mạnh, hoặc có thêm vài thằng bạn khác viếng building 1945, là tôi chợt nhớ đến cười thầm –cuộc “cách-mạng-như-đi-dạo-phố” (theo tưởng nghĩ từ các tài liệu lịch sử) mùa Thu 1945 , và Hồ Chí Minh lên làm chủ tịch nước. Tôi hay nói thầm, “đi viện bảo tàng cách-mạng-1945 thăm mấy con đĩ Mỹ” để tự tìm niềm vui với những lần nhập cuộc đó. Không ai lại đi “chơi đĩ” bằng một bộ mặt băn khoăn bao giờ !

Mạnh là một người bạn chí tình. Một chiều thứ bảy, thời tiết vào đông, ngoài trời mây âm u, tôi ở nhà một mình. Thật buồn. Tôi phôn cho Mạnh và bật khóc. ‘Mạnh ơi, đ..má tao đang nhớ vợ con và bà già’. Đầu giây, nghe những tiếng “thổn thức” vừa hết câu của tôi, hắn đã cười hích hích như tiếng con Khỉ, không lớn như vừa đủ để “giải tỏa” cái tình cảm yếu mềm dễ hiểu của tôi, rồi chuyển thành tiếng, ‘Ối Giời, ra đi để lại mẹ già, vợ dại con thơ...không nhớ sao được. Thôi cứ ngồi nhà đợi, chừng 20 phút nữa, tao đến..’ Tôi không còn nhớ, hôm đó tụi tôi có lên Berkeley “chơi đĩ Mỹ” không, nhưng tình bạn gắn bó ấy kéo dài…cho đến khi Mạnh thành lập gia đình.

Sống ở trên đất Mỹ, từ những ngày đầu, tôi cũng như bao người Việt tị nạn ly hương khác, mỗi tháng nhận trợ cấp nhỏ vừa đủ để sống trong vài năm đầu, và tất nhiên tiếp tục đi học. Ban đầu là trau dồi lại vốn liếng Anh văn ọp ẹp, rồi học thêm nghề điện tử. Mỗi tháng vẫn nhịn bớt tiền tiêu vặt, chung với anh chị, gởi về nhà một thùng quà ‘căn bản’ là 2 pounds (có khi dấu nhét thêm vài tờ 20-đô ‘tiền tươi’ vào trong ngõ ngách của thùng quà.) Bên nhà, nếu không bị bọn hải quan tìm được và đánh cắp, thì vài tấm giấy tiền này có khi lại giá trị hơn cả thùng quà! Cuộc sống cứ thế mà kéo dài ra. Giấy tờ bảo lãnh vợ con thì đã làm ngay từ những ngày đầu tiên, nhưng không hy vọng gì chế độ Cộng sản sẽ cho đoàn tụ dễ dàng. Ai cũng hiểu điều đó.

Một ngày đẹp trời vào Xuân Nhâm Tuất (năm 1982), vợ chồng ông Ngọc (anh vợ tôi) và chị Tường Bích (chị vợ) từ Nam Cali lên thăm mộ chồng (ông Tường Phong, nghe nói chết vài năm trước vì bệnh ung thư, khi đang dạy học ở Stanford), rồi hẹn hò và mời tôi đi ăn tiệm. Cái danh về sự “tài giỏi” của ông Bùi Tường Phong tôi đã từng nghe ở Việt Nam. Chị Tường Bích lần đầu tiên tôi biết mặt, vì chị ấy đã xa nhà, đi du học Pháp từ lâu.

Chỗ hẹn của chúng tôi trong buổi ăn hôm ấy là quán hủ tiếu Anh Đào, nằm trên đường Santa Clara. Hôm ấy, chị Tường Bích mang theo cô con gái (duy nhất) với người chồng đã mệnh bạc, chừng như 6, 7 tuổi. Trông cô bé nhỏ nhắn, không xinh lắm, nhưng thật dễ thương và có khuôn mặt buồn. Chúng tôi ngồi xây quanh một chiếc bàn tròn, quanh tường là cửa kiếng, gần lối cửa ra vào. Những tô hủ tiếu được bồi bàn mang ra còn nóng hổi, và khi chúng tôi cầm muỗng đũa quậy vào thức ăn chưa tới 5 phút, thì hốt nhiên nghe vài tiếng súng nổ póp..póp... vào bàn sát bên cạnh -có một số nam nữ choai choai, ăn bận trông có vẻ “bụi, yé yé” đang ngồi. Tiếng nổ không lớn lắm, có lẽ là vì loại súng nhỏ. Tôi thảng thốt vừa quay đầu nhìn ra phía cửa thì thấy một vài tên choai choai từ ngoài vào đang cầm súng bắn vào bàn bên cạnh. Một phản xạ rất tự nhiên, nhưng đồng thời một tia sáng chớp nhanh trong đầu –tôi nghĩ ngay đến sự an toàn của cô bé con chị Tường Bích trước. Tôi nhào vào ôm choàng người bé, miệng vừa hô lớn lên: Nằm hết xuống đất, tụi nó đang bắn nhau. Biến sự chỉ xảy ra trong nháy mắt...những người thân của tôi đồng nằm rạp xuống nền… thoang thoảng vài tiếng thút thít kéo dài ra thêm mấy chục giây. Tôi liếc nhìn qua bên cạnh mình, một cậu thanh niên đang quằn quại với máu, cách vài bước có người khác nào đó nữa bị thương… Bọn hung thủ lên xe trốn chạy. Tôi không đủ thản nhiên, và cũng không thấy cần thiết, để nhìn kỷ, để biết rõ hơn…hành vi bạo động vừa qua là vì lẽ gì. Không cần biết tới bọn du thử du thực này là ai. Có thể chúng thanh toán nhau vì tình, vì tiền…hoặc vì một lý do khỉ gió nào đó…chẳng cần nói tới. Sau đó vài ngày, đọc tin biết có một cậu chết, một người khác bị thương…

Chúng tôi chưa hết hoàn hồn, nhưng một lát sau thì mọi người đã đứng dậy, cùng kéo nhau ra xe về nhà…Tôi thấy chị Tường Bích sợ quá, khóc. Anh B. Ngọc nhìn tôi với thái độ mến phục vì hành động vừa qua với cháu bé. Thật tình, tôi cũng không hiểu vì sao trong một giây sát na ấy, tôi có sự tính toán nhanh như chớp đó: Nếu có bị lạc đạn thì kẻ nhận lãnh phải là tôi, chứ không thể để cho cháu bé gái phải gánh chịu –dù cho điều đó có xảy ra hay không! Thế thôi.

Về sau, tôi còn gặp lại chị Tường Bích vài lần nữa. Lần sau cùng, chị bàn với tôi là muốn đem tôi về Huntington Beach ở với chị. Chị muốn “nuôi” tôi ăn học cho thành tài (nói đúng là "thành danh"), trong khi chờ vợ con qua đoàn tụ. (Lúc ấy, chị Tường Bích đã là dược sĩ từ lâu.) Với tình cảm tha thiết đó, tôi muốn nghe lời chị. Tôi xiêu lòng. Nhưng rồi với chút máu “trượng phu”, tôi lại băn khoăn. Tại sao lại cần người chị vợ “nuôi” mình nhỉ? Đã qua được đất Mỹ, thì đâu phải cần ai nuôi ai? Thế rồi, biết bao cú điện thoại, tôi cứ lần khân, và hẳn là chị ấy nản lòng không còn gọi nữa.

Cũng trong thời gian ấy, cách nhau chừng vài tháng thôi (!), bất ngờ tôi nhận được cú điện thoại của chị (ca sĩ) Hà Thanh. Dù không ‘bà con dòng họ’ gì với nhau –nhưng qua một thời gian dài…ở Sài Gòn, chị đã trở thành người thân của gia đình tôi. Chị “hụt” chuyến vượt biển năm 1979 vì nhân duyên, lẽ ra trong chuyến đi của anh tôi, phải có mẹ con chị. Mà không ngờ, chỉ vài năm sau đó chị đã được ra đi chính thức để đoàn tụ với người thân. Một chuyện hi hữu vào thời gian chế độ Bắc-cộng-trị cực kỳ khắc nghiệt. Thật đáng mừng.

Sau hơn mười năm chờ đợi, vợ con tôi cũng được đoàn tụ, nhưng để rồi tan vỡ… Có thể nào gỡ bỏ mọi phiền trược cuộc đời bằng mấy chữ “nhân duyên, vô thường", được không? Tôi không quan tâm nhiều đến sự ‘tan vỡ’ đó. Tôi không bao giờ đánh giá tư cách của một người phụ nữ, kể cả người vợ-không-còn-yêu-mình-nữa. Theo tôi, người phụ nữ có hai thứ quyền bất khả xâm phạm: -quyền “yêu” bất cứ ai mà họ yêu và quyền chọn “sống một đời sống hạnh phúc” mà họ cảm nhận được sự hạnh phúc đó. Điều quan trọng là tôi mãn nguyện, tôi hài lòng với thực tại, khi con tôi cũng như –những người con của các chị…Hà Thanh, Tường Bích, chị Phượng hàng xóm, một số người thân quen khác mà tôi nhận tin được …đã thành đạt, đã trở thành những người trưởng thành, hữu ích cho xã hội, mà nếu như hoàn cảnh của các cháu sống trong cái nợ đời, nợ trần gian, nợ xã hội-chính trị của một chế độ cực kỳ khắc nghiệt, kỳ thị-phân biệt được tính toán và sắp xếp theo một “chính sách về giai cấp” đầy nhỏ mọn, thấp kém… các cháu không có một cơ hội nào để trở thành cái biểu tượng cụ thể mà đám con cháu của đảng viên Cộng Sản Việt Nam ngày nay thòm thèm và mơ ước!. Tôi gọi thế hệ thiếu nhi Việt Nam này là thế-hệ-của-màu-xanh-hy-vọng.

Từ sự mãn nguyện đó, tôi không có lý do gì để nghĩ về…những kỷ niệm thân quen với gia đình tôi của chị Hà Thanh. Theo thời gian, tôi quên mất. Nhưng, một ngày nào đó, sau hơn hai thập niên, tôi bắt gặp lại hình ảnh cũ của ca sĩ Hà Thanh trong những shows truyền hình, những dĩa nhựa nhạc, với sự giới thiệu của ông MC-chống-nạn-và-chống-Cộng Việt Dũng, chợt đánh thức tôi về một màu xanh lá vườn… hy vọng của thế hệ thiếu nhi ngày hôm qua, để xuất phát một bài viết nho nhỏ: “Hà Thanh, tiếng hát của màu xanh” …

Trong thời gian tôi làm website giaodiem.com/ giaodiem.net, tôi ý thức tôi đang làm một công việc có thể sẽ bị thế lực Cộng sản (trong và ngoài nước) lợi dụng. Tôi không thể không biết trong số người cộng tác viết lách, hoặc là những kẻ chủ trương có người là Cộng sản, “thậm chí” có kẻ có thể đang làm công tác tình báo, công an văn hóa cho chế độ CS Hà Nội, nhưng tôi không ngại, không lo, vì tôi đang chủ động nó… cho đến một lúc tôi thấy không thể chủ động được nữa, tôi đã làm cho nó tan vỡ… Những ai (làm chính trị, đảng phái) từng theo dõi, tìm hiểu, khai thác…giaodiem.com, giaodiem.net đều có thể nhận ra điều đó.

Trong số những tác giả được “giới thiệu” hoặc tự tìm cách tham gia vào giaodiem.com như ông Trần Kiêm Đoàn và vân vân… tôi đã đăng bài của họ; đi xa hơn nữa –còn tìm cách lancer họ. Có người thuộc vai trò ‘nòng cốt’ của G.Đ. hay C.L. đã từng tỏ ý không ưa Trần Kiêm Đoàn, không muốn thấy những bài báo của TKĐ xuất hiện nhiều trên giaodiem.com, nhưng tôi không quan tâm, cứ việc đi theo hướng tôi đã định, vai trò tôi đang lãnh…

Và sau bài viết nói trên ( Hà Thanh, tiếng hát của màu xanh ), bất ngờ tôi nhận được một bài viết của TKĐ về người ca sĩ thuộc hàng “đàn chị” đó gởi tới:

(quý vị có thể đọc lại theo đường link này: Hà Thanh, Tiếng Hát Của Dòng Sông Xanh )

Tôi nhận biết thêm một vài thông tin mới, té ra chị HT và ông Đoàn thuộc một dòng họ, bà con thân thuộc với nhau, một dòng họ “Trần Kiêm” danh giá của xứ Huế mà chỉ cần đọc mấy dòng chữ sau, ta cũng hiểu tác giả muốn nói gì rồi:

“/Gọi tên hoa súng: LỤC HÀ/ Gọi thôn LIỄU HẠ: quê nhà bên sông/ Gọi TRẦN KIÊM: họ sắc... không/ Gọi HÀ THANH: tiếng hát dòng Hương Giang/…

“Có hai gã Trần Kiêm lang bạt xa quê gặp nhau bên trời Tây cùng nói về một nhân vật. Thi sĩ Kiêm Thêm nói về "mụ O" và tôi nói về "bà Chị" nghệ sĩ của mình là ca sĩ Hà Thanh bằng một mẫu "sơ yếu lý lịch" hợp soạn hòa âm rất chơn chất và... nên thơ như thế đó...................................................

"...........Làng Liễu Hạ và họ Trần nhà tôi -- có lẽ luôn cả Huế -- hầu hết là những rặng thông già kẻ sĩ không lớn kịp với mùa Xuân nghệ sĩ đang lên…”

Đọc xong, tôi chột dạ. Liệu có phải là bài viết của tôi nhắc nhỡ kỷ niệm về người ca sĩ hữu danh một thời ấy là “vô duyên” không? Có phải là tôi thấy sang bắt quàng làm họ rồi phô diễn với công luận về điều đó?. Nhưng, thực lòng tôi đâu có biết chị ca sĩ ấy có dòng họ “lớn, danh giá” đến dường ấy! Nếu biết trước, hẳn là tôi phải cân nhắc nhiều hơn trước khi đặt bút. Dù vô tư đến đâu, tôi vẫn có cảm giác hơi ‘ngượng’ khi đọc xong “Hà Thanh, tiếng hát của dòng sông xanh”, nhưng vẫn trang trọng đưa lên giaodiem.com. Hẳn có nhiều độc giả, từ vài năm về trước đã đọc rồi.

Xét một cách tỉ mỉ và thận trọng, thì bài viết của tôi không chỉ đơn thuần là nói về một kỷ niệm vu vơ, mà còn muốn chuyên chở nhiều ý khác nữa, có thể là một yếu tố lịch sử nữa, chẳng hạn như tôi đề xuất sự nghi ngờ về ‘cái chết của ông Bùi Tường Huân’. Bởi lý, tôi đã tình cờ gặp gỡ và nói chuyện với ông ở ngay nhà chị H.T. trước ngày tôi vượt biển. Vì cớ sao sau đó một thời gian không lâu ông lại ‘bị chết’ trong một thân xác còn khỏe mạnh và một tinh thần xem ra rất minh mẫn?. Nhưng, cảm tưởng “một thân xác khỏe mạnh” là một lý cớ chủ quan, không vững. Nếu không phải vì trọng bệnh, thì liệu ông Bùi Tường Huân, nếu được xuất ngoại để đoàn tụ với vợ con rồi sau đó sẽ có nhiều “sự thật” không hay sẽ được bật ra về âm mưu của Cộng sản trong những ngày sôi động 30/4/1975? Qua một số dữ kiện lịch sử, một số người biết rõ ông quá thân cận với thầy Trí Quang…và về những nhân vật “đặc biệt” như William Colby, vân vân…, hay vì vai trò Bộ trưởng Quốc phòng mấy ngày của ông trong chế độ được tạo dựng đầy rủi ro Dương Văn Minh?? Đứng ở vị thế ‘khảo sát lịch sử’, tôi có quyền đề xuất một nghi vấn đó. Đến ngay cả cái chết trước đây của ông W. Colby, vợ ông cũng đã từng nêu ra vài sự kiện làm cho công luận đặt thành nan đề mà. Song, ở khía cạnh ‘tình’ thì tôi biết là không nên. (Ông Bùi Tường Huân còn có mối quan hệ dòng họ với gia đình bên chồng của chị Tường Bích -dòng họ Bùi Tường –Bắc kỳ).

Thế nên, ở phương diện chữ ‘tình’ và với tư cách của một người cầm bút, nếu vô tình vấn nạn tôi đề xuất đã làm bất bằng, không vui cho gia đình và dòng họ “Trần Kiêm” thì, tôi sẵn sàng một lời tạ lỗi đến họ, trong đó chắc chắn phải có chị ca sĩ Hà Thanh và gia đình vợ con của ông B.T.H. vậy.

*

* *

Lần đầu tiên tôi gặp mặt ông Trần Kiêm Đoàn là đầu tháng 5/2008 ở Sài Gòn. Tôi được ông Nguyễn Hòa (là người thân quen của Trần Kiêm Đoàn) mời ăn ở một quán nhậu thuộc quận Thủ Thiêm. Vì phải loay hoay với chiếc xe hơi “mắc dịch” hiệu Fairy-made-in-ba-Tàu mới mua, nên tôi đến trễ. Nguyễn Hòa thì tôi gặp nhiều lần ở quán cà-phê-bông-giấy trên đường Phạm Ngọc Thảo rồi, ông Đoàn lần đầu tiên tôi gặp -với một nét mặt nghiêm nghị, đạo mạo trong dáng vẻ hơi “nhà quê”, chào hỏi tôi vài câu lấy lệ… Trên bàn một cái lẫu đã ăn còn trơ xương cá và những thứ rau thập cẩm vụn nát. Không ai trách móc tôi đến trễ, nhưng tôi vẫn nói vài lời xin lỗi, xong rất tự nhiên dù không ai mời, tôi cầm đũa ăn qua quít trong sự cảm thông của một người “được mời mà tới trễ”…Đột nhiên, ông Đoàn đòi trả tiền và xin cáo từ. Tôi cũng đứng lên, chia tay thôi. Khi đi ra khỏi cổng quán nhậu, hẳn là mọi người đều đưa mắt vào chiếc xe hơi hiệu FAIRY-của-ba-Tàu (lắp ráp tại Hà Nội) mới màu đen láng coóng của tôi. Tôi chỉ vào chiếc xe: hẹn hai hôm sau sẽ lái chiếc xe này để chở cho hai vợ chồng ông Đoàn (có thêm đứa con trai của họ nữa) cùng đi ra Huế, ông tiết kiệm được tiền xe đò mà còn có dịp để trò chuyện nữa..

Ông Nguyễn Hòa là con người tử tế, ông rủ rê tôi tới chỗ này chỗ nọ, có lúc tôi đèo ông trên xe máy Atila đưa ông về nhà ở quận Phú Nhuận, ông mời tôi vào nhà chơi nhưng tôi từ chối vì bận. Có lúc ông mời tôi dự một bữa ăn với cô người-mẫu-chân-dài rất hấp dẫn nói tiếng Việt từ Đức qua thăm dò thị trường trong một quán ăn sang với một giá cắt cổ, để chỉ ăn một vài miếng qua loa, rồi được thanh toán bằng một tấm bill tôi tin gần bằng lương một tháng của một người lao động trong thành phố HCM. Dĩ nhiên là cô người mẫu sexy ấy (nghe nói là con của một quan chức ngoại giao Việt Cộng) trả tiền!

Ông Hòa ăn nói sắc sảo, có phần miệng lưỡi. Một buổi sáng trong quán cà-phê-bông-giấy, ông Hòa giới thiệu tôi với ông Lưu trọng Lư (?) người Bắc (mới) –ăn nói còn hơn ông Hòa một bực về mức độ “lẻo mép”. Bên cạnh là một phụ nữ (cũng nói giọng Bắc mới) đang khoe khoang cho mấy đứa con vào học trường 'nước ngoài', một năm tốn đến mấy chục nghìn đôla (Mỹ). Ông Lư lên giọng đề cập tới lịch sử, ông nói ông có đủ tư liệu để chứng minh Võ Nguyên Giáp là con nuôi của tên trùm mật thám Pháp (Marty), và chiến thắng Điện Biên Phủ là hoàn toàn của Tàu. Tôi chỉ ngồi nghe thôi, và không hề trao đổi. Bất cứ một bàn tròn cà-phê nào mà thiếu vắng lời qua tiếng lại sẽ tạo nên một không khí nhàm chán, vô vị. Mọi người rồi cũng tự động tan hàng. Ông Hòa nghiêng vai nói nhỏ vào tai tôi, “Đ..mẹ, ở đây mình phải biết nịnh tụi Bắc kỳ!”. Tôi thản nhiên trước câu nói lạ lùng đó, nhưng không biểu lộ một cử chỉ nào cả. Tôi hiểu.

Vài hôm sau, tôi hẹn vợ chồng ông Đoàn ở gần nơi quán nhậu cũ, để cùng tôi đi ra Huế. Đó là hành trình dài gần hai ngày đường. Trên đoạn đường, dừng lại nhiều chỗ: tạt vào phố Quy Nhơn, ghé lại đêm Nha Trang, Đà Nẵng… để rồi chui qua đường hầm Hải Vân (một công trình tôi cho là “điểm son” của chế độ Cộng sản) rồi ra Huế. Tất nhiên, một chặng đường dài như thế thì không biết bao nhiêu là chuyện được nói ra, được trao đổi. Đây không phải là dịp để tôi phải tường thuật đến câu chuyện dài đó. Tôi chỉ xin ghi nhận vài điều: Trần Kiêm Đoàn trách cứ tôi tại sao lại để cho website giaodiem.com “chống Công Giáo; người ta là một tôn giáo lớn làm sao lại đi chống người ta được chứ?” Dĩ nhiên tôi có trả lời, nhưng không biện hộ. Bởi, như tôi đã nói, tôi ý thức được việc tôi làm, điều quan trọng là tôi có đạt được mục đích sau cùng hay không. Chống để hòa hợp, chống để rồi sống với nhau trong sự cảm thông, nếu không muốn nói một cách ủy mị là “tình yêu thương”. Như nhiều lần tôi có bày tỏ thẳng thắn với nhà biên khảo Trần Đông Phong, đại ý ‘Thương nhau lắm thì phải cắn nhau đau’; phải để cho những kẻ vì uất ức lịch sử bộc lộ ra hết đi, tuôn trào ra hết đi, để cùng ôm nhau khóc trong “sự sống” còn lại.

Điều ấy có thể là ước mơ, lý-tưởng-hóa. Nhưng, nếu mọi người đều mang chung một-ước-mơ, biết đâu một ngày nào đó ước mơ có thể được cụ-thể-hóa trong đời sống!?.

Chừng một, hai năm sau khi web giaodiem.com trở thành tiếng-dội-ồn-ào vì tính-cách-controversial của nó, anh Quán Như Phạm Văn Minh đã email cho tôi một vài lần cảnh giác coi chừng đừng vi phạm vào việc “chống lại tín lý” của tôn giáo khác. Điều đó đúng, bởi tín lý (creed) là niềm tin, là đời sống tinh thần của tín đồ. Dù họ có mê tín, dị đoan, si mê… gì đi nữa –những yếu tố tâm lý ấy đã bám rễ vào xương thịt, vào sự suy nghĩ, những phản xạ sống của họ. Nếu chống lại tín lý, tất mình chống lại sự sống của họ. Tuy nhiên, tôi không quan tâm tới lời “cảnh giác” của anh Quán Như, vì mục đích của tôi vẫn chưa đạt tới. Cho đến một lúc, tôi nhận ra Cộng Sản muốn khuynh loát, chủ động và lợi dụng mục đích chống Công Giáo, chống Vatican… để thủ lợi về chính trị. Đó là điều không thể chấp nhận. Có thể vì nhận ra điều đó về sau này, ông Nguyên Vũ-Vũ Ngự Chiêu (một tác giả trong quá khứ đã cộng tác thường xuyên với web giaodiem.com) đã phẩn nộ gọi hành động chống Công giáo đó là “..Hiện tượng mọi rợ văn hóa” (theo tôi, “chống” một tôn giáo mà không nhằm tới “mục đích chính nghĩa” thì hành vi ấy có thể coi là “mọi rợ” –mà ngôn ngữ, từ ngữ “thô thiển” chỉ là một yếu tố biểu hiện rất nhỏ của tinh thần “mọi rợ văn hóa”.)

Nói ra điều này, tôi có chủ ý “biện hộ” dùm cho ông Trần Kiêm Đoàn –nếu những ai vì cụm chữ có tính cách báng bổ nhóm “Phù Ngô phục hận” trong bài viết “Đôi điều với Liên Thành, tác giả ‘Biến Động Miền Trung’” mà suy luận TKĐ chống Công giáo là oan cho ông. Ông không hề chống Công giáo mà còn “âm thầm” chống người “chống Công giáo” nữa là khác. Như trong chuyến đi Huế, ông Đoàn kể cho tôi nghe ông từng “mắng” tác giả Trần Chung Ngọc qua trao đổi với các nhóm emails (không phải là một diễn đàn internet). Tôi đáp lời: có điều đó thật sao, vì quả tình tôi không hay biết. (Có phải lý do là vì ông Trần Chung Ngọc nhân danh là một Phật tử để “chửi Công giáo, chửi Vatican”? Nhưng, nếu ông Trần Chung Ngọc đừng “nhân danh Phật tử” mà chỉ “đánh Công giáo” để biện hộ cho chế độ CS Hà Nội thôi thì có thể chấp nhận được không?).

Có nhiều dư luận trên các diễn đàn internet nói tôi làm “tay sai CS ”, “bị lợi dụng” khi dùng mạng lưới giaodiem.com để chứa chấp những nội dung “đánh phá Công giáo”; điều đó không có gì sai. Nhưng không ai biết, đàng sau vế “bị lợi dụng” đó, mục đích sâu của tôi là gì cả! Tôi là người từng viết chapeau, từng edit bài viết của tác giả Trần Chung Ngọc, hẳn là tôi nắm vững nội dung của những bài viết đó trước mọi người. Tôi có nhận xét: nếu có thức giả nào đó muốn phê bình, muốn phản biện lập luận của ông Ngọc cũng dễ thôi, nhưng tiếc là sao chưa thấy những bài viết “phản hồi” ra hồn nào cả ? Giá như ông Trần Kiêm Đoàn thay vì “mắng” vu vơ trong các thảo luận qua email groups nói trên, ông viết một bài phê bình thẳng thắn tác giả Trần Chung Ngọc thì hẳn là được dư luận vỗ tay tán thưởng rồi. Bài viết “Đôi điều với Liên Thành…” là một việc làm đáng tiếc. Đáng tiếc vì nó không nên có.


*

* *


Một bài viết “đáng tiếc” (cho 'chính tác giả') khác là của tác giả Nguyễn Hữu Liêm vừa xuất hiện trên các mạng lưới internet, “Nơi giữa đại hội Việt kiều: một nỗi bình an”. (được biết Trần Kiêm Đoàn là người thầy của Nguyễn Hữu Liêm thời trung học ở Quảng Trị). Ông Nguyễn Hữu Liêm mang một tính cách gần giống ông Đoàn ở điểm –theo tôi, ông cũng là người “âm thầm” chống những người “chống Công giáo”. Tính cách đó thể hiện trong rất nhiều bài viết của Nguyễn Hữu Liêm, cộng thêm với thái độ sống ngoài đời nữa. Theo gót một vài giáo sư, thức giả, lý thuyết gia thần học ở Mỹ -ông từng nêu ra các vấn-đề-không-có-phản-đề, thí dụ như: “Liệu con người có thể sống mà không có Chúa?” (‘Can We Live Without God’?) và vân vân… Độc giả hiểu và thông cảm, tác giả muốn xác định giá trị đạo lý về sự hiện hữu của Chúa. Lần này, cùng-một-tính-cách tương tự, Nguyễn Hữu Liêm mượn ý của Hegel nhằm bao phủ cho nội dung bài viết của mình bằng một mở đề với "...God...". Với độc giả, hẳn không phải ai cũng nắm vững về triết học Hegel, nhưng tôi tin không thiếu người rành rõi về triết học Hegel. Tôi xin “vẽ hươu” vài đường về câu trích dẫn “The State is march of God on earth.” mà ông Liêm trích dẫn; đúng ra phải viết sát nguyên văn là “The march of God in the world, that is what the state is.” Về Hegel, khi ông dùng chữ “God” thì chúng ta khoan vội nghĩ, God là Chúa, là Đức Chúa Trời… trong tôn giáo. Đối với triết học Tây phương nói chung, God –phải hiểu như là một “logos”. Logos là nền tảng khải đạo của triết học Tây phương, the word of God. Nhưng, God ở đây là một khái niệm trừu tượng, chứ không phải God trong Kinh Thánh. Do đó, God có thể hiểu là Chân-Thiện-Mỹ, là ý-lực-trọng-điểm (the substantial will –một khái niệm của Hegel) mà Nhà Nước/Chế Độ cũng là một ý-lực-trọng-điểm. Nên Nhà Nước/Chế độ hiện hữu là thực tại của Chân-Thiện-Mỹ (God). Nhà nước/Chế độ là một phương tiện đạo lý hiện thực để nhằm “trấn áp”, chế ngự những điều xấu –con người trong xã hội đầy rẫy những kẻ xấu, tội phạm. Hiểu như vậy, ta có thể cho rằng triết học của Hegel là một triết học phản-động với lý thuyết cách mạng của triết học Mác-Lê, bởi –một chế độ mang tính giai cấp bóc lột đại đa số quần chúng, giai cấp bị bóc lột đó phải làm cách mạng (lại) để lật đổ chúng. Tinh thần triết học của Hegel trong “The Ethical Life: The State/ Nhà nước…” còn bao gồm ba thành tố: Luật Hiến Pháp (the Constitutional Law)/ Luật Quốc tế (the International Law) và Lịch sử Thế giới/ (World History). Nói vắn tắt, triết học Hegel là một triết học xác định/xác nhận (affirmative) mặc nhiên sự hiện hữu cần thiết và tất yếu của một chế độ-nhà nước. Khi ông Nguyễn Hữu Liêm muốn mang một vỏ bọc (một hình thức bảo hiểm bằng cao su ! –nhằm trấn an độc giả trước khi đi vào nội dung bài viết?) “the march of God…” có thể đánh lừa được một số người nào đó, nhưng không thể che mắt được hết mọi người nhằm cho một mục đích riêng tư nào đó (chẳng hạn như đi xin việc lớn với chế độ ?). Tôi không muốn làm công việc thiên-hạ-thường-tình “chụp mũ” ai đó là Cộng Sản, chưa kể tôi còn tôn trọng những người yêu thích lý thuyết Mác-xít, ngưỡng mộ (“the bookist”) về chủ nghĩa Cộng Sản. Vấn đề đó khác biệt với sự đã nhận biết, chứng kiến... bằng mắt, bằng lý trí, bằng tâm hồn về một chế độ khốn kiếp như chế độ Việt Nam hiện nay mà còn đi làm công việc bênh vực - và quảng bá sự bênh vực đó trước công luận là một thái độ không thể chấp nhận được. Theo một cuốn Tự điển tiếng Việt-Nôm, trong nghĩa của chữ “Hèn” (do chữ “Hàn” ) còn có nghĩa là “lòng dạ trống không, yên tĩnh...”, ngoài các nghĩa dốt nát, nhỏ nhen, khiếp hãi, run sợ... Một tinh thần “Bình An” (yên tĩnh) không thể là tinh thần của một người trí thức. Giả như có người đặt vấn đề với ông Liêm bằng tinh thần triết học của Hegel: Các chế độ miền Nam ngày trước –cũng là một hiện hữu của một nhà nước pháp quyền, là ý lực thiết đặt của Thượng đế trên trái đất vì cớ sao chế độ Cộng Sản Bắc Việt lại dám vi phạm “thẩm quyền” của Thượng đế để quỷ quyệt tìm mọi cách đòi “giải phóng” nó? Từ đó, có thể kết luận như thế này: Nhà nước Việt Nam hiện hữu là kết quả của một ý-lực-ăn-cướp thẩm quyền của Thượng đế trên trái đất , được không?.

Mục đích của bài viết này, chỉ nhằm kéo dài... nỗi niềm ước mơ cho thế-hệ-màu-xanh hy vọng mênh mang trên đất nước ngày càng thêm xanh thẳm. Thế thôi.



nguyễn văn hóa

Sunday, November 29, 2009

No comments: