Search This Blog

Monday, January 25, 2010

Bàn về quan điểm lịch sử mới của Seth Jacobs



Nguyễn Văn Hóa

Bàn về quan điểm lịch sử mới của Seth Jacobs khi nhìn lại chiến tranh Việt Nam và chính sách đối ngoại của Mỹ.
(bổ sung ngày 31.10.2006 –nvh)

Seth Jacobs là một sử gia, giáo sư sử học trường Đại học Boston, bang Massachuttes. Ông còn là người Do Thái (họ Jacobs !). Đặc biệt trong vòng 6 năm qua, ông viết 2 cuốn sử đề cập đến chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa của Tống thống Diệm và mối liên hệ triết lý chính trị đối ngoại của Hoa Kỳ trong giai đoạn mở đầu Chiến Tranh Lạnh sau Thế Chiến Thứ II. Nói ngắn gọn về ‘triết lý chính trị đối ngoại’ đó là “yếu tố tôn giáo.” Thật vậy, tôn giáo vừa là công cụ, chiêu bài, vừa là chính sách thực tiễn áp dụng phổ quát lên vai trò lãnh đạo của các quốc gia đồng minh nhỏ bé của Hoa Kỳ, như một sức mạnh tinh thần khả dụng đối đầu với sự truyền bá “vô thần” của hai quốc gia địch thủ là Nga sô và Trung Hoa lục địa. Bài khảo luận lịch sử “khai vị” cho 2 cuốn sử nói trên được đăng tải trên tạp chí Boston College, Volume 25 chuyên đề: Diplomatic History, Số 2, Thu 2001: ‘“Our System Demands the Supreme Being’: America’s Religious Revival and the ‘Diem Experiment.’ 1954-1955” .

Và tiếp theo sau là cuốn:

1. “Người Mang Phép Lạ của Mỹ ở Việt Nam: Ngô Đình Diệm, Tôn Giáo, Chủng Tộc và Sự Can Thiệp của Mỹ ở Đông Nam Á, 1950-1957,” Duke University Press, 2004 (America’ s Miracle Man in Vietnam: Ngo Dinh Diem, Religion, Race and U.S. Intervention in Southeast Asia, 1950-1957, Duke University Press, 2004).

Cuốn thứ hai, vừa xuất bản trong tháng 9, 2006:

2. “Vị Quan Lại Chiến Tranh Lạnh: Ngô Đình Diệm và Nguồn Gốc của Chiến Tranh Mỹ ở Việt Nam, 1950-1963,” Nhà xb. Rowman & Littlefield, 2006. (Cold War Madarin: Ngo Dinh Diem and the Origins of America’s War In Vietnam, 1950-1963, Rowman & Littlefield, 2006).
Một bài báo khác trên tạp chí Boston College, Số Mùa Xuân 2005 (Spring 2005) , gần như thu tóm luận sử của hai cuốn sách nói trên, “Hoa Kỳ đã hổ trợ vị Tổng thống thất bại và ‘đạo đức giả’ Miền Nam Việt Nam như thế nào?” (How America Came to Back South Vietnam’s Depised and Doomed President?). [i]

Không phải ai cũng có thể chấp nhận ‘tiền đề’ luận điểm lịch sử trên đây một cách dễ dàng, và dù cuộc Chiến Tranh Lạnh giữa Cộng Sản và Tư Bản đã triệt tiêu, lịch sử nhân loại đang bước qua khúc quanh tiến bộ mới, nhưng với sự xung đột quyền lợi của các siêu cường đưa tới chiến tranh vùng hoặc toàn cầu, vai trò “tôn giáo” được sử dụng như công cụ và chiêu bài vẫn không thay đổi. Một số nhà bình luận chính trị quốc tế đã ví von so sánh chính sách Hoa Kỳ đã tạo dựng Saddam Hussein tương tự như họ đã tạo dựng và ủng hộ các chế độ miền Nam trước đây, rồi đến khi thực tế chính trị không còn phù hợp với quyền lợi của mình, Hoa Kỳ đã đạp đổ các chế độ đó không thương tiếc. Nếu chúng ta đồng ý một cách giản đơn lời bình luận này, thì chiến tranh trên bình diện cụ thể là vật chất nhưng lại hóa dạng thành một cuộc xung đột văn hóa và sự tôn thờ Thượng Đế, Chúa nào chính thống, Chúa nào tài năng phép tắc hơn!?, hay Chúa của tao hơn Chúa mày! (Trên các tin tức thời sự chiến tranh ở Trung Đông hiện nay, báo chí thỉnh thoảng tường thuật vài lính Mỹ thường nói, Our God is better than your God đó sao!).

Nhưng từ thực trạng xung đột văn hóa tầm quốc tế nói trên, đồng thời chúng ta cũng nhận ra không còn vấn đề xung đột giữa hữu thần và “vô thần” (qua sự sụp đổ và biến dạng chính trị ở các quốc gia cộng sản) nữa. Vô thần, hay nói cách khác, con người không còn có niềm tin nào ngoài thế giới vật chất và lý trí không còn chỗ đứng trong sinh hoạt xã hội thực tại, dù tâm linh chỉ là một hình thức thụ động. Trong thời kỳ xung đột của Chiến Tranh Lạnh giữa Chủ nghĩa Tư Bản và Cộng Sản, ông Ngô Đình Nhu nhìn thấy rõ căn nguyên của sự mâu thuẫn giả hình đó. Ông nói, “Trong cuộc Cách Mạng Thế Giới này (tức Cộng Sản và Tư Bản –nvh), Âu Châu đã song hành “viện trợ” (ý hệ -nvh) cho các quốc gia chậm tiến. Đó là một thái độ. Một bên là thái độ của chủ nghĩa thực dân, bên kia là cộng sản. Bởi vì Âu Châu là nơi sản sinh lý thuyết chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân lại cho ra đứa con song sinh: một đứa gọi là Chủ nghĩa Thực dân, một đứa gọi là Chủ nghĩa Cộng sản.” [ii]

Từ quan điểm lịch sử đó, ông Ngô Đình Nhu muốn tiến hành đường lối chính trị thực tiễn: “Tất cả anh em chúng ta ở Á Phi phải tìm con đường thoát thứ ba, không phải là lực lượng thứ ba, không giống như Âu Châu và Chủ nghĩa Cộng sản. Làm thế nào đế thoát khỏi nó, bằng phương pháp gì, theo từ nghĩa nào? Đó mới chính là vấn đề, và để giải quyết nó chúng ta không thể bắt chước bất cứ ai, bởi chúng ta muốn phát triển một chính sách mới, dĩ nhiên chúng ta phải có phương pháp mới, và để có phương pháp mới chúng ta phải nổ lực trong lãnh vực văn hóa. Đúng vậy, vấn đề xây dựng quốc gia, xây đắp một nền dân chủ ở Châu Á là một vấn đề văn hóa.” [iii]

Đó là yếu tính chính trị giải thích được tại sao ông Nhu chống lại chính sách can thiệp quân sự trực tiếp của Hoa Kỳ. Và, để trả lời một câu hỏi về tương quan giữa Ấn Độ và Việt Nam trong vị thế “trung lập”, Ngô Đình Nhu mở rộng quan điểm chính trị của ông với vai trò của Phật Giáo trong vấn đề phát triển như sau:

“Chúng ta tự đặt một câu hỏi, có gì trong Phật Giáo có thể làm cho chúng ta tiến bộ, mà thường chỉ nghe nói đến Từ Bi (Compassion). Người dân trong các nước Phật Giáo giải thích về lý thuyết Từ Bi. Nhưng nếu chúng ta lấy Nhân Vị để đo lường Từ Bi, thường thường [chúng ta thấy rằng] [iv] Từ Bi là cơ hội để khai thác khuynh hướng của người dân làm việc từ thiện và quên mất vấn đề công lý. Công Lý phải đi trước Từ Bi, Từ Bi phải bắt đầu với công lý. Với nền công lý trong xã hội, chúng ta nhận ra rằng, chúng ta đã lo lắng thái quá với khái niệm Từ Bi trong Phật Giáo, bởi lẽ Từ Bi ấy được thai nghén trong Nhân Vị là gì? Có nghiã là chúng ta phải có công lý trước, và Từ Bi theo sau. Chúng ta không đòi hỏi phải cho người dân vật chất (nào đó –nvh) mỗi tháng một lần, xong họ về nhà thỏa mãn với lòng Từ Bi của chúng ta rồi họ chẳng quan tâm ai chết trong chính căn nhà của chúng ta nữa. Vậy là sai lầm. Từ Bi hiện hữu vì nền tảng của công lý hiện hữu.” [v]

Và lý thuyết Nhân Vị của Ngô Đình Nhu có thể tóm tắt trong khái niệm này –Con người chỉ thật sự có giá trị, nhân cách khi hắn có thể làm chủ tư hữu căn bản trong đời sống, chẳng hạn như nhà ở, ruộng vườn canh tác, công việc làm, mà ông gọi là chủ quyền tư hữu (‘private ownership’). Từ sự làm chủ tư hữu, hắn (con người) tiến tới sự tự do và độc lập với chính quyền, nên chính quyền không thể áp đặt sự độc tài chuyên chế lên hắn!

Thế nhưng, khi nói đến chế độ của ông Ngô Đình Diệm thường các sử gia đánh mất vai trò chủ đạo tư tưởng chính trị của ông Ngô Đình Nhu; cũng bởi lẽ tư tưởng chính trị này chưa có cơ hội thi triển. Trong khi ấy, để đối trị với hai nước lớn Cộng sản lớn trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, chính sách của Hoa Kỳ nửa úp nửa mở dùng “tôn giáo” (Ki-tô giáo) như một khả thể văn hóa đối đầu với chủ trương “vô thần”, vô hình chung lại đối nghịch với chủ trương chính trị của Ngô Đình Nhu. (Cần đặt ra một câu hỏi nơi đây, tại sao trong ý thuyết ông Ngô Đình Nhu không hề có ý chống báng Phật Giáo mà còn có thài độ thỏa hiệp nữa, nhưng tại sao trong thực tế ông lại đàn áp PG? Đây là đề tài sẽ được thảo luận ở bài viết khác!)

Ở đây, người viết xin nêu ra yếu tố “tôn giáo” như là “khả thể văn hóa”. Vậy, “khả thể văn hóa” đó là gì? Seth Jacobs trình bày nó qua quan điểm lịch sử của ông:

Sáng ngày mồng 2 tháng 11, 1963, hai anh em ông Diệm và Nhu bị thảm sát….
“Thế là chấm dứt 9 năm của Hoa Kỳ trong nổ lực tạo dựng cho ông Ngô Đình Diệm trở thành một vị lãnh đạo quần chúng có khả năng chống cộng đối chọi với Hồ Chí Minh ở miền Bắc. Chính quyền Eisenhower và Kennedy đã đổ vào hàng tỉ đô la cho ông Diệm với sự tin chắc rằng ông, chỉ có mình ông thôi, là đại biểu cho sự sống còn quốc gia miền Nam Việt Nam. Một lô cố vấn chính trị Mỹ đến Sài Gòn để giúp đỡ ông Diệm mọi thứ từ giao tế nhân sự đến thảo hoạch hiến pháp; cố vấn quân sự Mỹ đến huấn luyện quân đội Nam Việt Nam chống lại du kích quân cộng sản và sự đe dọa nền trung lập với uy thế của ông; báo chí luồng chính của Mỹ đã ca tụng ông Diệm là “Một Phép Lạ của Việt Nam” (báo Life) và “một người mà lịch sử ban cho như một hình ảnh vĩ đại của thế kỷ 20” (tờ New York Times). Gần cả thập niên, những nhà làm chính sách Mỹ đã kiên trì với chiến lược mà nhà báo Homer Bigart đã châm biếm là “bơi và chìm theo với Ngô Đình Diệm.” Nhưng sau tấn bi kịch mà ông Diệm thủ vai chính đã tàn, tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã chứng minh là sự hổ trợ trong gần thập niên là danh sách phí tổn láo khoét và nền cộng hòa của Miền Nam Việt Nam càng rối loạn tệ hại hơn cả trong trong mấy tháng đầu mà chế độ non yếu được hình thành.

Trong lúc mọi hiện tượng lịch sử là đối tượng của những làn sóng xét lại và chống-xét-lại, thật là khó mà định tính chính sách “bơi và chìm theo” là gì ngoài sự thảm họa. Khi ông Diệm trở thành thủ tướng của Nam Việt Nam năm 1954, chỉ có chừng vài chục cố vấn Mỹ trong quốc gia non yếu. Thế mà vào lúc ông bị giết, nhân sự Mỹ “toàn quốc” đã lên vượt qúa con số 16 ngàn người. Pháp là quyền lực thống trị ở Việt Nam trong gần thế kỷ, từ chối thừa nhận cái gọi là một “cuộc thử nghiệm Diệm” và từ bỏ cựu thuộc địa của họ trong mấy tháng đầu khi ông Diệm nắm chính quyền, do đó, họ đổ lỗi cho Hoa Kỳ có trách nhiệm chính cho sự tô bồi làn sóng đỏ ở Đông Nam Á châu. Chế độ của ông Diệm đánh dấu giao điểm chính sách của Mỹ từ cố vấn và hổ trợ đến đồng minh trong cuộc nội chiến của người Việt. Sự cam kết với ông Diệm là điều kiện tiên quyết đưa tới kết thúc thất bại và nhục nhã của Hoa Kỳ.

Các sử gia về chiến tranh Việt Nam thường quy tội hợp đồng định mệnh này cho đặc tính chống cộng của chiến tranh lạnh Mỹ và sự nặc danh của các chính khách Sài Gòn . Tinh thần chống cộng hung dữ của ông Diệm, theo như các biện luận, đã làm cho ông ta trở thành một chiến sĩ được ủy nhiệm của thế-giới-tự-do cho chiến tranh lạnh của Mỹ ngăn chận ảnh hưởng của Nga sô và Trung Hoa bên kia phía bắc vĩ tuyến 17, đặc biệt kể từ khi Hoa Thịnh Đốn không còn quan tâm đến bất cứ một địch thủ xứng đáng nào với thủ tướng miền Nam Việt Nam. Còn theo các bản tường trình đầy thận trọng vào giữa thập niên 50 ở Sài Gòn đã có các chính khách chống cộng không chê vào đâu đuợc có thể là chọn lựa thay thế ông Diệm, mà một nhóm thảo hoạch chính sách của Tổng thống Dwight Eisenhower đã được thông tin về sự hiện diện của họ, như cựu thủ tướng Phan Huy Quát, có lúc gần như đã thay thế ông Diệm, như J. Lawton Collins, đặc sứ của Eisenhower ở Việt Nam, đã không ngừng khuyến cáo hiệu quả của sự thay thế đó. Một vài ứng viên thích hợp khác là tổng trưởng ngoại giao Trần Văn Đỗ và Tướng Nguyễn Văn Hinh. Các nhân vật này đều chống cộng và họ có nhiều kinh nghiệm chính trị hơn ông Diệm. Thế nhưng không một ai nhận được sự ủng hộ của chính quyền Eisenhower.

Hơn nữa, luận điểm cho rằng từ khởi đầu ông Diệm chứng tỏ là nhà cải cách tự do, và chỉ trở thành một người độc tài chỉ mấy tháng sau cùng thôi –là một lối tường thuật của các chính quyền Kennedy và Johnson đã truyền bá trong thời gian đầu đến giữa thập niên 1960 –là một điều sai lầm rõ rệt. Những sự lượng giá tổng hợp của các quan sát viên Mỹ trong thời gian đầu của chế độ ông Diệm đã tương đồng với phẩm chất đã mang lại sự giết hại ông trong 9 năm sau đó : kỳ thị chống lại các người không-Công-Giáo, từ chối sự chia xẻ quyền hành, sẵn sàng dùng bạo lực để đàn áp những người đối lập. Ông Diệm chẳng bao giờ muốn giả bộ trở thành bất cứ cái gì khác ngoài con người thật của ông là, ông chẳng bao giờ muốn sự đổi thay.
Những lời giải thích truyền thống về sự lao đầu với thử nghiệm ông Diệm cũng không đứng vững đối với những người đối diện với chính sách đó, lẽ ra cần phải hiểu biết khá hơn. Hiệp ước Geneva 1954 thiết lập bởi cuộc thương thảo hòa bình đa phương cho Chiến tranh Đông Dương cho phép Hoa Kỳ có hai năm để tạo dựng một ứng viên có khả năng thách thức với Hồ Chí Minh trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc. Tại sao Eisenhower và Tổng trưởng Ngoại giao John Foster Dulles lại chọn lựa một người Công Giáo sùng đạo trong một quốc gia có đến 90 phần trăm là Phật tử? Tại sao lại cột buộc tương lai của Mỹ ở Đông Nam Á châu vào một cá nhân có tính khí thất thường và thiếu sự mềm dẽo cần thiết để đương đầu với các vấn đề quan trọng? Và, tại sao sử gia Barbara Tuchman đã dẫn giải về những chính trị gia thông minh đã có thái độ trái ngược với lý trí và sự đỉnh ngộ cần có? Trong một buổi nói chuyện sau bữa ăn tối với các nhân viên của Bộ Ngoại Giao vào ngày 11 tháng 4, 1955, Dulles đã nêu ra lý lẽ trần truồng là, chính giá trị và niềm tin tôn giáo đã lèo lái chính sách của ông.” [vi]

Trong khi đó, tờ Đài Bắc Thời Báo (The Taipei Times) là một cơ quan ngôn luận mang màu sắc Phật Giáo, thân chính phủ Đài Loan hiện nay, rất đồng quan điểm với Seth Jacobs. Chúng ta cần biết, chính phủ Đài Loan hiện nay chống lại chính sách “một nước Trung Hoa” của Trung Cộng, khác biệt với hậu thân Quốc Dân Đảng của họ Tưởng (**) đang có khuynh hướng đi tới sự hợp tác để thống nhất một nước Trung Hoa theo chính sách của lục địa. Đây là dữ kiện mà những người làm chính trị để bảo vệ cho tinh thần Phật Giáo VN trong giai đoạn hiện tại cần tìm hiểu thêm. Dưới đây chúng tôi xin lược dịch bài điểm sách của Bradley Winterton trên mạng The Taipei Times:
“Tôn Giáo đã làm cho Mỹ kết hôn với mâu thuẫn ở Việt Nam” (Religion kept US married to Vietnam conflict.) [vii]

“Trong thập niên 1950 có ba nhà lãnh đạo Á châu nổi bật đều là tín đồ Ki-tô giáo –Tưởng Giới Thạch của Đài Loan, Lý Thừa Vãn của Nam Hàn và Ngô Đình Diệm của Nam Việt Nam. Cuốn sách xuất sắc này đã nói đến câu chuyện Mỹ đã can dự sâu xa để hổ trợ cho ba nhà lãnh đạo đó như thế nào.
Nhưng trước khi nói những gì về tác giả, điều quan trọng là cần phải giải thích lý thuyết của Seth Jacobs.

Jacobs tin rằng tôn giáo đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự can thiệp của Mỹ ở Việt Nam hơn là người ta thường nghĩ cho đến ngày nay. Á Châu đã được các nhà hoạch định chính sách ở Captitol Hill nhận thức là khu vực đã bị kiểm soát bởi những kẻ Vô thần, Cộng sản từ mệnh lệnh của thủ-phủ vô-thần Mốt-cao (Moscow).

Cộng thêm vào, bản thân người Á châu qua biểu kiến là những người thụ động, dễ dàng uốn nắn, và đa số gắn chặt với một tôn giáo –Phật Giáo, vốn khuyến khích tinh thần tiêu cực như vậy. Chính vì vậy, đối với họ, chỉ có những nhà lãnh đạo Phật Giáo thì không đủ.

Tín đồ Ki-tô, với sự kiên quyết đối đầu với vô thần dưới mọi dạng thức, do đó chỉ có những cá nhân này mới có đủ khả năng để dẫn dắt những người dân hiền lành này chống cự lại với ma quỷ từ phương bắc.
Để hổ trợ cho phân tích này, tức là chống lại quan điểm Mác-xít cho rằng mọi động lực xã hội đều xuất phát từ kinh tế, Jacobs tìm hiểu sự trao đổi ngoại giao giữa các nhà chính khách Mỹ của thập niên 1950 và các đại biểu của họ ở Đông Nam Á châu. Ông còn dựa trên các sách vở căn yếu đã tạo hình nên quan điểm công chúng Mỹ về khu vực trong thời kỳ đó. Tất cả các nguồn này đều nhấn mạnh đến khía cạnh tôn giáo trong sự tranh chấp.

Đó là quan điểm đơn thuần nghiên cứu mang tính kinh viện nhưng nó lại không hòan toàn khác biệt với hoàn cảnh ngày nay. Trong năm 2005, một lần nữa chúng ta lại thấy sự hiện diện nặng nề của Mỹ ở vùng đất xa xôi với lý do can thiệp đặt nặng trên vấn đề tôn giáo. Bush, Cheney và cả Rumsfeld đều đề cập đến quan điểm trong kinh thánh về trận chiến hoàn vũ mà họ đang can dự.

Trục Ma-qủy (Axis of Evil) chính là thừa kế của Đế quốc Ma (Evil’s Empire) quỷ dưới thời Reagan đã một dạo từng đưa tôn giáo ra chiến trường, thêm vào đó là một chuỗi sách vở được tạo nếp suy nghĩ cho chính quyền Hoa Kỳ.
Sự đồng dạng không chỉ ngừng ngang đó, Trong cuộc chiến Việt Nam, đồng minh trong sự “tự nguyện”, được thiết đặt lại lần nữa --Úc, Tân Tây Lan và chừng một tá quốc gia khác đang trở thành sự che đậy quốc tế cho sự can thiệp của Mỹ.

Một cuộc thập tự chiến chống-vô-thần đã được tuyên xưng –một từ ngữ đã từng được dùng trong những ngày qua –và toàn thể dự án được biểu hiện dưới lá cờ “nô lệ đối nghịch với tự do”. Song hành với ngày hôm nay, nói cách khác là, sự phù hợp đáng kinh sợ.

Ban đầu cuốn sách tập hợp được quan niệm chung của người Mỹ để hỗ trợ cho hành động ở Đông Nam Á với, Xin cứu chúng tôi ra khỏi sự dữ (hay “ma quỷ”) (Deliver Us from Evil) của Tom Dooley, được Jacobs coi như là một “đòn tuyên truyền thật thông minh cho Chiến Tranh Lạnh, trong đó kẻ thù cộng sản được coi như là ma quỷ, Mỹ và đồng minh Nam Việt Nam là hiện thân của đức lý.”

Dooley là một y sĩ, kẻ đã chứng kiến “Con đường đi tìm Tự do” của làn sóng người tị nạn từ miền Bắc Việt Nam bị kềm kẹp dưới chế độ Cộng sản di cư vào Nam trong các năm 1954 và 1955. Kể lại những câu chuyện hung bạo là nét đặc biệt của ông, đáng kể nhất là các tu sĩ Công Giáo với những chiếc đinh đóng vào sọ đầu bắt chước như vòng gai của Chúa Giê-su. Những vết thương mưng mủ của các người Việt tị nạn, mặc dù đã được diễn tả sinh động, càng làm ra vẻ cho ghê gớm thêm lên.

"Xin cứu chúng tôi ra khỏi sự dữ" được Jacobs mô tả là mang “tính kỳ thị, thiếu sự tinh tế, nhận thức khô khan so với tính phức hợp của lịch sử và chính trị Việt Nam.” Thế mà, những kẻ quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn đều đọc nó, và xem chừng một số lượng rộng rãi công chúng Mỹ cũng đọc nó luôn.
Sự thật thì Dooley là một anh chàng đồng tính luyến ái, bị sa thải ra khỏi quân đội vì lý do kỹ luật, dù vậy ông không bị mối nhục với công chúng vì được che đậy, chỉ đề cập qua loa, rồi bưng bít luôn. Dooley đã trở thành một kẻ quá hữu dụng cho công cụ tuyên truyền để những sự thật nói trên được phép công khai hóa.

Cuốn tiểu thuyết "Người Mỹ trầm lặng" (The Quiet American) của Graham Greene là sự kiện hoàn toàn trái ngược. Được đánh giá cao ở Âu Châu, nó lại bị báo chí Mỹ chỉ trích. Còn gì hơn nữa, khi cuốn sách được làm phim và chiếm giải Oscar với đạo diễn Joseph Mankiewiccz, toàn bộ cuốn sách đã bị đảo ngược, và người Mỹ bị chế nhạo là Pyle, trở thành một kẻ anh hùng còn trắng-hơn-người-da-trắng nữa.

Thái độ tương phản giữa người Âu và người Mỹ còn biểu thị song song với các biến cố mới đây nữa.

Một đề tài khác trong kỷ nguyên này ở Mỹ là người ta sợ Mỹ quá mềm mỏng để đối đầu với làn sóng Đỏ. Cuốn sách đáng thuyết phục nhất cho tinh thần đó là, Người Mỹ xấu xí (The Ugly American) của Lederer và Burdick, cũng đã được tác giả phân tích rộng trong cuốn sách này.

Chính trị Việt Nam, luôn luôn là sự phức tạp như các kẻ đã can dự vào hai phía bắc và nam, chẳng hạn có đến bốn tôn giáo khác biệt, cũng như thái độ khác biệt giữa người Pháp và Mỹ (là hai kẻ ở ngoài đến hành hạ khu vực này), đồng thời được diễn tả ở đây một cách sáng sủa khác thường. Đó là lối văn mang tính sâu sắc đặc biệt và đầy thuyết phục của Jacobs, trong khi ở vài chỗ thì vượt quá những điều rối rắm của hoàn cảnh cụ thể.

Và, Việt Nam là nơi chốn đầy tính phức hợp. Trong Thế Chiến II, chẳng hạn, Mỹ từng hỗ trợ cho Hồ Chí Minh, cũng giống như sau này họ hỗ trợ Saddam Hussein ở Iraq. Lần này chỉ vì Hồ đang chống lại Nhật, kẻ đuợc phép đóng quân ở Việt Nam vì chính phủ thân-Quốc-Xã của Vichy Pháp.

Lần nữa, Ngô Đình Diệm phải chiến đấu chống lại nhiều đối thủ, kể cả Cộng sản, hầu mong nhận được sự hỗ trợ của Mỹ.
Rồi ông ta bị ám sát vào tháng 11, 1963 trong vùng Chợ Lớn của Trung Hoa ở Sài Gòn dưới nanh vuốt của nhóm tướng lãnh âm mưu. Sự cai trị của ông ta được coi là tàn bạo, thay vì biệt danh là anh hùng được ban phát từ Hoa Thịnh Đốn –là “người mang phép lạ của Á châu”, hay “Churchill của Châu Á” và vân vân.

Cũng như Tưởng Giới Thạch, cuốn sách này mang lại nhiều điểm thú vị để biết vì sao ông ta trở nên thân thiết trong trái tim của những người Mỹ, và thí dụ tại sao, ông ta đã xuất hiện đến 10 lần ngoài trang bìa của báo Time, nhiều hơn bất cứ một nhân vật nào khác.
Đây là cuốn sách hay. Tác giả nói rằng, nghiên cứu về lý do Mỹ đã can dự như thế nào ở Việt Nam trở thành một thứ “kỹ nghệ học thuật rẻ tiền” (a virtual academic cottage industry (?), nhưng dù vậy, ông vẫn tiến hành vì ông tin tưởng từ một góc nhìn mới sẽ tạo ra nhiều-thảo-luận và nhiều-tranh-luận hơn.

Chẳng hạn như các gương mặt của Tổng thống Eisenhower và John Foster Dulles được mang ra bằng những phân tích mới, phần lớn cuốn sách đề cập quan điểm tôn giáo đuợc họ dùng như quan điểm của chính sách ngoại giao.
Kết luận không thể tránh được mà quý vị có sau khi đọc thì đây là cuốn sách rất thú vị để thấy rằng trong khi thế giới đã có rất nhiều điều thay đổi, thì một vài điều chẳng hề đổi thay chút nào cả.”

Lời kết của tôi:

Do Thái là một chủng tộc độc đáo nhất thế giới. Qua chiều dài lịch sử, họ đã chịu nhiều sự đau khổ, chà đạp của chủng tộc khác. Thế mà họ cứ vươn lên không chịu cúi đầu cam chịu số phận. Ngày nay, cái gì đứng vào hàng đầu thế giới cũng có thể là người Do Thái: giàu có, đại tư bản, những khoa học gia sáng chế bom nguyên tử nhưng cũng có những nhà từ thiện lừng danh. Có những Do Thái chống cộng nhưng cũng có những tay tổ cộng sản thế giới xuất thân là Do Thái. Trong chiến tranh Việt Nam hẳn nhiên là có rất nhiều nhân vật Do Thái ủng hộ chế độ Hà Nội, và có nhiều nhà bình luận chính trị đã từng chứng minh chính Do Thái đã bán đứng miền Nam Việt Nam. Cho nên, chúng ta không cần thắc mắc tại sao có một giáo sư sử học danh tiếng như Seth Jacobs, dù không công khai bênh vực chế độ Hà Nội, nhưng hệ luận lịch sử mà ông đưa ra dù được chứng thực bằng chiều dài thời gian, xem chừng ông “không có cảm tình” với các chế độ ở miền Nam Việt Nam. Không phải vì Seth Jacobs đứng trên quan điểm “vô thần” hay tự-do-không-tôn-giáo, nhưng từ lý do tiềm tàng sâu xa khác… Tối hôm qua, trước khi ngồi vào bàn để kiểm soát lại những sai sót của bài viết này, tôi được xem chương trình “hài hước” do Bill Maher điều khiển mà tôi rất ngưỡng mộ. Sau khi mở đầu những lời “cò mồi” cho ba vị khách (một bà hai ông) được mời tham dự chương trình –lần này chĩa mũi dùi vào chính sách chiến tranh của Tổng thống Bush ở Iraq, có một nhân vật (xin lỗi tôi đã quên tên) nộ khí xung thiên mở đầu tấn công Đảng Cộng Hòa bằng những câu nói thẳng thừng như sau: “Bọn Cộng Hòa là một lũ lưu manh. Cứ xem anh chàng Thượng Nghị Sĩ John McCain thì biết. Y là một kẻ từng bị nếm mùi tra tấn trong 5 năm ở nhà tù (Hỏa Lò của Bác Hồ! –nvh), thế mà giờ đây y lại bỏ phiếu thuận cho tên Karl Rove (lại cũng là Do Thái –neocon !) cố vấn cho Rumsfeld cho phép Mỹ tự do tra tấn tù nhân ở Iraq và Guantanamo, Cuba. Republicans? Dick, Rumsfeld, Bush? -They’re shit cowards!”. Vậy, chúng ta chẳng ngạc nhiên khi có “mấy cái đầu” Do Thái khuyến khích Tổng thống Bush đi Hà Nội dự Hội Nghị APEC trong tháng 11 tới đây; chẳng phải vì Do Thái thương yêu chế độ Bắc Việt, nhưng Do Thái đang mất ăn mất ngủ chỉ vì anh Ba-Lý-tài đang thu về một số tiền khổng lồ bán vũ khí cho các khối Ả Rập, Palestine, trong đó có thể có những thứ mà một anh trong ‘Axis-of-Evil’ là Bắc Hàn thủ đắc. Dĩ nhiên, lịch sử có rất nhiều điều vẫn không hề thay đổi!. (viết thêm 31.10.06)

Nguyễn Văn Hóa
Chiều thứ Bảy 28.10.2006

Chú thích:

[i] -How America Came to Back South Vietnam’s Depised and Doomed President by Sethh Jacobs –nguồn:
http://bcm.bc.edu/issues/spring_2005/features.html

[ii] (“In this world Revolution, Europe advocates mutual aid to underdeveloped countries, It is an attitude. The other European attitude of colonialism is the communist attitude. Because Europe ie the place which gives birth to the theory of individualism. Individualism gives birth to 2 twins: one is called Colonialism and the other Communism.”)
Why We Must Defend The Existing Regime, Ngô Đình Nhu thuyết trình tại Phòng Tiếp tân Bộ Thông Tin và Thanh Niên ngày 15/11/1957 | Tài liệu của Cơ quan RAND, bản dịch sang tiếng Anh từ băng thu giọng nói của ông Nhu.

[iii] (“All our brothers in Asia and Africa are looking for a third way out, but not a third force, unlike Europe and Communism. How this way out can be paved, by what method, according to what norms? That is the problem can be raised, and in solving it we cannot imitate anybody, because if we want to develop a new policy, we must naturally have new methods, and to have new methods we must make effort in the cultural field. Thus, the problem of antional construction, of building democracy in Asia become a cultural problem.”) --dẫn như trên--

[iv] Những cụm chữ đặt trong ngoặc [ ] là chú thích riêng của người dịch (do một nhóm dịch, không thấy đề tên người dịch)

[v] (“People in all other Buddhist countries explian the theory of Compassion. But if we use Nhân Vị to measure Tu Bi, very often /we find that/ Từ Bi is an opportunity for exploiting the mind /inclination/ of the people who make charity and forget to do justice. Justice must go ahead of Từ Bi, Từ Bi must begin with justice first. With justice in society, we realize that we worry over taking from Buddhism the conception of Từ Bi, bút that Từ Bi if conceived according to our Nhân Vị is what? It meant that we must have justice first, and Từ Bi next; it does not require that we give people things, once a month and then com home satisfied with our Từ Bi, with no regard to who is dead in our own house, That is a mistake. Từ Bi exists because the foudation of justice exists.” --dẫn như trên (3)--

[vi] How America Came to Back South Vietnam’s Depised and Doomed President by Sethh Jacobs –nguồn:
http://bcm.bc.edu/issues/spring_2005/features.html
(dẫn từ paragraph 2, page 2 đến… end of paragraph 3, page 3)

[vii] Religion kept US married to Vietnam conflict, by Bradley Winterton, báo The Taipei Times số Sunday, Mar 06, 2005, trang 18. Nguồn từ mạng taipeitimes.com:
http://www.taipeitimes.com/News/feat/archives/2005/03/06/2003225763

(**) Theo nhà biên khảo sử Trần Đông Phong, Tưởng Giới Thạch không phải là người của Quốc Dân Đảng. Ông ta ở trong tổ chức “đen” có tên Nam Y –một tổ chức Mafia kiểu Tàu!

© copyright giaodiem.us | 2006

No comments: