Search This Blog

Saturday, January 23, 2010

Chữ "Nhẫn" của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp


Thursday, July 02, 2009

nguyễn văn hóa



Vào gần cuối năm 2005, tôi được ông Phan Mạnh Lương mời về Santa Ana để dự một cuộc họp với “nhóm Giao Điểm” tại nhà ông Đỗ hữu Tài. Buổi tối hôm ấy, tôi nhớ có mặt các nhân vật sau: các ông Hồng Quang, Mật Nghiêm ĐNP, Phan M.Lương, Đỗ H.Tài, sư Nhật Từ, Trần tiễn Huyến , có vài người em của ông T. mà tôi không quen và cũng không cần nhớ tên. Giữa buổi, tôi nhận được cú phôn từ đâu đó gọi tới của ông Đỗ hữu Chí (em ông Tài) hỏi thăm tôi vài câu vờ vĩnh, vớ vẫn… Tôi biết anh nầy có ý định muốn nhờ tôi điều gì đó nhưng còn ngại ngùng, không muốn nói thẳng. Gần cuối cuộc nói chuyện, trao đổi ý kiến với nhau, ông ĐHT. trao cho tôi một tấm hình chụp ĐT Võ Nguyên Giáp đang ngồi thiền định trong thế hoa sen. Ông T. nói tặng tôi và cho biết đó là tấm hình chụp ở tư gia của ĐT. Giáp có người mang từ VN qua. Tôi cầm tấm hình xem thật lâu, xúc cảm. Một ý tưởng nảy sinh trong đầu. Tấm hình này là cả một “công án thiền”, chứ không bình thường!. (1)

Một thời gian ngắn trước đó, trên website giaodiem.com bùng vỡ một cuộc tranh luận nội bộ, chung quy là bởi loạt bài về Điện Biên Phủ của tác giả Nguyên Vũ (Vũ Ngự Chiêu). Tôi có nghe dư luận nói, bố của ông Nguyên Vũ từng là đảng viên QDĐ bị Việt Minh giết. Tôi không quan tâm tới dư luận đó. Quyết định đăng loạt bài của ông NV về trận Điện Biên Phủ vì một số giá trị khách quan về nghiên cứu sử của ông, chứ không vì ý định chính trị xu thời thế nào đó của người viết (nếu có!) hay vì chủ trương của giaodiem.com. Dĩ nhiên, nội dung thiên biên khảo của NV. làm cho hình ảnh người anh hùng Điện Biên nhạt mầu đi, vì sự góp mặt chỉ đạo của các cố vấn quân sự do Mao Trạch Đông gởi sang, mà tài liệu của NV. không phải là nguồn duy nhất trong các sách sử tiếng Việt đã từng tiết lộ…

Người phản ứng đầu tiên và mạnh mẽ nhất là bài phản biện của ông Lê Trọng Văn. Mạnh đến nỗi trong nội dung bài viết mang theo các từ ngữ nặng lời… Tác giả NV. đối đáp một cách cay cú, có lẽ vì giận dữ bởi một số từ ngữ của ông LTV. Rồi, ông Trần Chung Ngọc tham gia phản biện, mặc dầu khéo léo nhưng độc giả vẫn thấy được quan điểm ông bênh vực cho ai. Còn có một tác giả khác trong nước tham dự để bênh vực cho ĐT. Giáp. Công bằng mà nói, bài viết của ông LTV. thiếu cân lượng, chưa đủ trình độ để phản bác quan điểm sử của VNC, điều đó làm cho tôi thất vọng là không thể giữ cho website giaodiem.com được nổi bật là một diễn đàn công luận, để cuối cùng trong vai trò tổng luận tôi có thể bênh vực một cách nhẹ nhàng nhưng hợp lý một vị tướng anh hùng dân tộc đã thắng được “thằng Tây”. Ngoài điều đó ra, không thể che dấu cảm tình thiên vị “địa-phương-tính”, vì tướng Giáp xuất thân từ Quảng Bình (làng An Xá, huyện Lệ Thủy) cùng quê với các ông nội, ông cố tôi. Hơn thế nữa, có một giai thoại là tôi có ông bác tên Tự (đã chết) là người yêu của bà Võ thị Lành (em gái của tướng Giáp), đã từng sống chung với nhau như vợ chồng, nhưng hôn nhân không thành vì bên phía gia đình của cố tôi (ông nội anh) chê là không ‘môn đăng hộ đối’, vì gia đình bà Lành nghèo khổ. Giai thoại nầy, tôi đã được xác nhận nhiều lần với anh mình, với các người anh chú bác (như anh R. ở VN, các anh Đ., U. ở Texas...) càng làm cho tôi thương cảm về gia thế của ông hơn. Có gốc gác tổ tiên của người Việt nào mà không nghèo nàn, không xuất thân từ đồng ruộng!? Tổ tiên khởi thủy của người Việt là một anh chăn trâu, biết cày bừa, cấy mạ… (2)

Trong thời điểm đó, dù chênh lệch về thời gian, nhưng cũng tạm gọi là đồng thời, trong nước có chiến dịch hạ bệ, có thể nói tệ hơn nữa là hạ uy danh của ĐT. Võ Nguyên Giáp. “Sự cố” đó hẳn có nhiều độc giả đã biết, xin miễn nhắc lại tình tiết chính trị của nó.

Ở bên ngoài, tác giả Bùi Tín lại phát động một phản chiến dịch tố cáo các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, và nhất là vai trò của Tổng Cục 2, bênh vực tướng Giáp… và sau đó, một loạt các cựu tướng lãnh công thần của Điện Biên Phủ cũng phản ứng để đứng lên bênh vực cho Tướng Giáp. Mâu thuẫn chính trị xem chừng nổ lớn, mọi người chờ đợi một biến cố gì đó sẽ xảy ra, nhưng rồi mọi chuyện lại trở nên êm đềm… Ở nước ngoài, vì không thấy biến cố chính trị nào bên trong xảy ra, có lúc ông Bùi Tín đã chê trách tướng Giáp là "nhu nhược, yếu hèn"!.

* * *

Sau cuộc họp ở nhà ông ĐHT. trở về nhà, tôi đã có dự định sẽ viết một điều gì đó về tấm hình của tướng Giáp. Một bữa, tìm được trên “đống sách điện tử” (Electronic Books) cuốn sách mỏng của ông Frederic F. Clairmont viết về tướng Giáp và trận Điện Biên Phủ. Mặc dù cuốn sách chừng trăm trang thôi, nhưng có một số chi tiết độc đáo, sống động. Tôi đọc liền một mách. Và như thế là cơ duyên của tấm hình và bài viết đến cùng lúc, tôi viết một bài ngắn, tựa đề: ‘Một sự trùng hợp tình cờ giữa tấm hình của ĐT. Võ Nguyên Giáp và cuốn Hồi ký của Frederic F. Clairmont.’

Độc giả có thể đọc lại bài viết ấy theo đường link dưới đây:

http://giaodiem.us/us-2006/12-06/w-nvh-vng-photo.pdf

Trong bài viết ấy, tôi có ghi rõ là sẽ đề cập thêm về ý nghĩa của tấm hình mà tôi từng nghĩ đó là một “công án thiền”, chứ không phải là tấm hình bình thường. Thế rồi, tôi chẳng tìm ra được nội dung ý nghĩa của công án đó, và quên luôn. Lúc ấy, tôi nghĩ tôi còn mắc nợ với độc giả…

Cuối năm 2007, tôi quyết định hồi hương. Việc đầu tiên cần làm là sẽ mua một căn nhà ở Sài Gòn, tiện đường lưu thông và gần bệnh viện để đem mẹ tôi về sống thêm một vài năm nữa. Nếu bà cụ có chết thì sẽ được chôn cất trên quê nhà, và ít nữa ở gần nơi ba tôi đã mất. Tôi hết sức vất vả để tìm cho ra một căn nhà vừa với túi tiền và với thủ tục và điều lệ để đứng chủ quyền căn nhà. Cuối cùng, cũng tìm mua được nhà, nhưng chủ quyền thì còn lấp lửng. Mặc kệ, mua cái đã. Tôi trở về Mỹ vào trước Tết (cuối năm 2007) để thu xếp đón mẹ tôi về. Nhưng vì nhiều lý do, mẹ tôi không thể đi được. Rất buồn, nên trong vòng 10 hôm, tôi lại trở về Việt Nam. Chủ quyền căn nhà là tôi vẫn chưa thể nào được hợp thức hóa, dù đã tốn khá nhiều tiền cho phí tổn giấy tờ và thủ tục rồi cho văn phòng luật sư là người của nhóm GĐ. Có thể tôi khôn mà không ngoan. Cái khôn của tôi là khi về đã nhanh nhẫu bắt liên lạc với mấy ông trong giới Phật giáo, vì nghĩ đã là Phật tử thì lòng dạ họ chân thật, giúp người thay vì hại nhau!! Cái khôn ấy không may trở thành cái nạn về sau, muốn thoát ra đã quá muộn. (Nói thế, nhưng cũng phải mở ngoặc để lòng nhớ tới cái tình, tới những trao gửi tâm huyết các sư đáng kính như: thầy Chơn L., Chơn K., anh Sơn-Tân Phú…) Qua họ, tôi nhận thấy thêm chế độ cộng sản là một tai họa cho những người dân thầm lặng. Họ đau khổ và không ưa chế độ! (3)

Tết về, tôi hưởng xuân một mình, đi mua cây hoa về trồng chậu trên sân thượng. Nhìn ngắm cây cối thấy cũng mát mắt. Tôi mến cái sân thượng nầy. Mỗi đêm không ngủ được, tôi mở cửa ra sân thượng, ngồi một mình ngắm sao và thấy đất trời bao la. Ở đây tôi thường trực thấy mình gần gũi với không gian hơn là nơi xứ lạnh.

Trong dịp festival Huế tháng 4/2008, tôi trở về Huế mấy ngày. Tôi có đứa cháu là Đoàn L. làm ở khách sạn Morin, có căn nhà nằm phía sau phủ Tuy Lý Vương, nhà một lầu mà gió lồng lộng thổi, nên rất thích. Mỗi lần về Huế, tôi thường cư ngụ tại căn nhà đó. Lần hồi mới biết thêm cách đó không xa là nhà của anh Trần Vàng Sao và Nguyễn Khoa Điềm.

Hôm từ giã trở về Sài Gòn, cháu tôi rủ đi mua sắm ở một ‘siêu thị’ thuộc khách sạn Màu Xanh (?) thì phải, nghe L. nói hệ thống khách sạn nầy là cổ phần hợp doanh của tập đoàn điện lực và mấy ông Tướng của quân đội nhân dân. Tôi thấy buồn cho cái xứ Huế nầy lắm, gọi là siêu thị nhưng có thấy ai mua sắm gì đâu. Tiền đâu mà dân đi vào mua ở những chỗ mắc mỏ nầy. Chắc họ bày đặt bắt chước siêu thị Mỹ, nhưng để kiếm tiền từ khách du lịch mà thôi. Đảo mắt một vòng quanh, tôi chợt nhìn thấy một gian hàng bày bán các bức thư pháp viết trên tấm liễn đan kết bằng tre vót nhỏ. Trông nét chữ bay bướm, làm tôi thích. Lựa chọn trong số 5 tấm liễn, tôi bất chợt nhận ra bốn câu thư pháp về chữ “Nhẫn”, dưới ký tên là Võ Nguyên Giáp. Thư pháp được một họa sĩ xứ Huế nào đó viết thật đẹp, tôi quên khuấy tên.

Hốt nhiên, tôi liên tưởng ngay đến tấm hình tọa thiền của Tướng Giáp trước đó.
Giờ đây, chỉ nhớ đại ý của bốn câu ấy như sau:

Nhẫn để thấy yêu thương
Nhẫn để thấy cái vô thường
Nhẫn để được vẹn toàn
Nhẫn để anh em cốt nhục chớ tìm đàng hại nhau.

(phía dưới đề tên: Võ Nguyên Giáp)

Vậy là nhờ cơ duyên, rất 'vô tư', tôi tìm thấy được câu trả lời ý nghĩa về một “công án thiền” cho tấm hình của ông Võ Nguyên Giáp. Bất giác tôi xúc động và thấy vui sướng quá đi. Ngồi trên máy bay trở về Sài Gòn mà tôi miên man suy nghĩ về bốn câu của chữ “Nhẫn” đó. Mà câu cuối cùng là câu sáng tạo và có nhiều ẩn ý nhất. Ai là “anh em cốt nhục” của tướng Giáp? Nghĩ rộng thì đó là con dân người Việt trong một nước. Nghĩ gần, thì “anh em cốt nhục” chính là những người từng được gọi là “đồng chí” vào sinh ra tử với tướng Giáp.

Sau một thời gian ngắn bị “hạ nhục”, một số nhân vật cấp tướng lãnh của quân đội Cộng sản VN, có thể là đàn em, là thân hữu, là đồng môn của tướng Giáp –mà ở khu Tư, khu Năm (đại biểu như Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh) thì có khá nhiều, đã công khai đứng ra bênh vực cho ĐT. Võ Nguyên Giáp để chống lại thế lực chủ động hại ông. Chỉ cần một 'chút dầu' bằng cái gật đầu của Tướng Giáp, thì ngọn lửa căm giận sẽ bùng lên ngút trời… Một cuộc đổ máu chính trị sẽ xảy ra và không ai biết hậu quả của nó sẽ ra sao cả. Nhưng, ĐT. Giáp đã im lặng nhẫn nhục để cho “anh em cốt nhục chớ tìm đàng hại nhau”, thì đúng đó cái hạnh của một vị tướng văn hóa dân tộc.

Tôi muốn kết luận cho ý nghĩa của tấm hình đó và gọi là “công án Nhẫn” của một ông Tướng nên danh nhờ hàng vạn cốt khô, nhưng cuối đời vẫn mang cái hạnh Bồ Tát. (4)

* * *

Gần hơn nửa năm tôi mới hoàn tất được thủ tục đứng tên nhà; nhưng cuối cùng tôi vẫn bị chơi “khăm”, tên chủ quyên căn nhà không phải là tôi, mà là của công ty đến lúc cầm giấy tờ trên tay mới biết bị xí gạt. Đó là một “công ty miễn cưỡng”, tôi phải thành lập để được hợp pháp hóa mua nhà. Đồng thời, qua việc mua nhà, tôi được quan sát rõ hơn một hệ thống tham nhũng bất lương, với sự cấu kết từ các cơ quan hàng ngang, hàng dọc liên ngành, cán bộ Nam - Bắc, cán bộ cũ - cán bộ mới, hệ thống thuế má bắt chước nham nhỡ từ chế độ VNCH, từ Mỹ (do các “nhân tài” nào đó từ nước ngoài về cố vấn). Đó là một hệ thống thuế má có tác dụng ngược, thay vì thu tóm tiền dân và doanh nghiệp cho ngân sách quốc gia trở thành phương tiện để cán bộ đục khoét ngân sách nhà nước. (5)

Chứng kiến tận mắt hoàn cảnh khốn khổ của người dân vẫn tồn tại gần 27 năm từ ngày tôi rời khỏi nước, điểm mặt được lòng tham lam tiền của vật chất của đám quan chức cán bộ, lòng dân ly tán, lòng người tẻ lạnh…không phải chỉ ở Sài Gòn, mà ở bất cứ nơi nào tôi đi qua, từ Sài Gòn đi ra Bình Định, Phan Rang, Phan Thiết, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng… ra cho tới Huế. Tôi chán nản, nên tôi quyết định bán nhà. Tôi điện thoại về mẹ tôi bên Mỹ, cho biết nếu bán được nhà, con sẽ về Huế ở cho tới ngày chết. Mẹ tôi thì thào trong phôn, “Vú già rồi không còn sống bao lâu nữa, con hãy sáng suốt quyết định cho tương lai của con.” Rồi một hôm, tôi nhận được cú phôn của chị TKL từ Đức gọi về, hỏi thăm. Sau khi biết tường tận một số chuyện, chị ấy khuyên tôi “Thôi H. nên về lại Mỹ. KL về lại Đức mà thấy như trở lại thiên đường. Bên đó dể sợ quá đi.” Câu nói ấy làm cho tôi bừng tỉnh một chút, nhưng trời ơi, 27 năm trước tôi ra đi đâu phải đi tìm chốn thiên đường! Dù sao, tôi vẫn nhớ để cám ơn câu nói của chị TKL.
Nghĩ quanh quẫn ngày này qua ngày khác, cuối cùng tôi quyết định dứt khoát bán nhà và dọt lẹ.

Bán cái nhà đứng tên “công ty miễn cưỡng” còn là một cái nợ trần ai khác nữa, dù bán đổ bán tháo, bán vất đi. Cuối cùng tôi bán được nhà cho một ông cán bộ dầu khí người Bắc, vợ là một người gốc Bình Định. Người đứng tên mua nhà là bà vợ có một cái tên rất đáng ghi nhớ: Nguyễn Thụy Ngô Đình Lệ Thủy! Sau khi đồng ý mua, người chồng nói với tôi, ông quyết định mua vì thấy mấy tấm liễn thư pháp treo trên tường của tôi, trong có hẳn nhiên là có tấm “chữ Nhẫn” của ĐT. Giáp, nhưng tôi nghĩ, ông quên nói còn có thêm tấm hình tọa thiền của tướng Giáp mà tôi đã lồng vào khung kính để trên bàn làm việc.

Bán nhà lỗ là mất đi một số tiền lớn, tôi còn bán rẻ hoặc tặng không đồ đạc cây cối xe cộ cho bất cứ người nghèo nào thấy cảm mến, trong số đó có cô con gái “mất dạy” của tôi là NH Hoài Vy. Nói "mất dạy" vì thật sự tôi có được ở chung với cô con gái này từ trong bụng mẹ tới ngày lớn khôn ngày nào đâu mà biểu tôi dạy! Trước ngày tôi về nước, cháu nói sẽ giúp tôi với điều kiện…nghe thật lạ tai, vì đó không phải là câu nói từ một tân hồn trong trắng và có tình nghĩa cha con. Nhưng dầu sao con gái mình đã từng khoe, “ Ba có biết ông Lê Đức Anh không. Cháu của ông Lê Đức Anh là bạn học của con!”. Dù không thắc mắc gì điều đó, nhưng nghe được “giọt máu” của mình có bạn bè, giao tiếp với dòng họ làm lớn cũng mừng thầm.

Tôi đổi vé máy bay ngày về thật bất ngờ, chỉ một ngày sau khi tôi đã chuyển được số tiền bán nhà lỗ vốn ấy về Mỹ bằng phôn mà tôi đã nghĩ đùa trong đầu là một "telecash-exchange". Ngồi xuống ghế máy bay vừa đúng lúc cài nút an toàn xong thì nghe điện thoại di động reo. Nhìn nhanh vào máy thì thấy số phôn của chú công an trẻ được “người lớn” cắt cử để theo dõi giúp đỡ cho tôi trong những ngày tới. Bỗng một cô tiếp viên người Taiwan có đôi môi mọng ước nũng nịu với tôi, “Sao ông không chịu tắt cái phôn di động ấy đi!”. Tôi vội tắt phôn và mở lời xin lỗi. Có muốn trả lời với chú công an có giọng Nam dễ thương ấy cũng không được nữa rồi.
Goodbye quê hương!

Phụ ghi bổ túc ngày:

(1) Tôi linh cảm có một "conspiracy" từ lâu rồi. Theo tôi, nguyên tắc để hiểu tường tận về một "theory of conspiracy" thì phải hiểu được ai là kẻ chủ động, ai là kẻ chơi cờ, ai sẽ là nạn nhân... ai vì đại nghĩa, ai bất chính, ai quân tử, ai tiểu nhân...từ đó có thể nhìn thấy cái hậu quả của nó là gì. Vì chưa nắm được nội dung đó, nên tôi chỉ mĩm cười ngu ngơ như không biết gì.

(2) Cho tới giờ nầy, tôi vẫn chưa biết mặt mũi của ông Nguyên Vũ ra sao cả. Sự xuất hiện của NV. trên webiste giaodiem.com xuất phát từ TVT. và HVG.

(3) Sau khi trở về Mỹ chừng vài tháng, ngày 20/10/2008 tôi nhận được email của sư CL. nói thẳng ra là tôi bị ông MM. (làm việc cho công an) hại... Xin ghi nhận và cảm ơn sư CL.; Chính tôi là người gặp ông ta để tặng cho ông một ít tiền bạc như lời hứa với sư NT. lúc gắp ở Mỹ mà! Tôi nghe NTừ kể MM từng là đệ tử của Thầy QĐ mà phải tù tội, giờ sống không nơi nương tự khốn khổ lắm nên đem lòng thương cảm. Nhưng nếu sự thật đó chỉ là sự dối trá, và người ta niệm Phật với một bồ dao găm trong bụng thì cũng không phải là điều mới mẻ gì. Lời cảnh giác đó tôi không quan tâm bằng lời của chị TKL nói, "thầy TQ đã nói rồi đừng có chơi với thằng đó !..." Phải chăng "thằng đó là kẻ độc hiểm"?, một kẻ ưa làm thầy người khác, từng được xưng tụng là lãnh tụ thanh niên Phật tử tranh đấu?... Trước đây, tôi hoàn toàn không biết gì về quá khứ của "thằng đó" cả!.

(4) Theo quan niệm của tôi -"Bồ Tát", là kẻ ý thức được (vì mình) mà gây ra mối họa sát sinh, nên phải tìm cách ngăn chận lại. "Dù xây chín bậc phù đồ; Không bằng làm phúc cứu cho một người"! (Có thể có người không đồng ý với quan điểm nầy, bởi giả sử cần phải sát sinh nhỏ để mang lại hạnh phúc cho hàng triệu sự sống khác thì sao? / "Sát nhất miêu cứu vạn thử.")

(5) Tôi thí dụ như : "thuế Giá trị gia tăng" (Accelerated Value) đánh trên hàng hóa là bắt chước của VNCH từ năm 1971; chính quyền csvn đã áp dụng một cách bừa bãi, ngu xuẩn. Hình như họ không hiểu được (trong một hoàn cảnh kinh tế đặc thù nào đó) tại sao người ta cần phải áp dụng thuế "Trị giá gia tăng" (danh từ của thời VNCH). Nhưng trong môi trường thu thuế của CQCS, từ các cơ quan thu thuế đến nơi nhận thuế là 'Kho Bạc' (tổ chức xuống đến cấp quận ở thành phố) có một sự móc nối ngầm, số tiền thu từ loại thuế nầy (trong nhiều trường hợp là bất công, vô lý và hại dân qua phương pháp kế toán thuế; và nạn nhân lớn nhất vẫn là những "chú Việt kiều" từ hải ngoại về làm ăn) bị thất thoát (có thể là trọn gói trong nhiều trường hợp) và đi vào túi của các cán bộ ngầm chia nhau.

No comments: